January 12, 2024 | 15:44 GMT+7

Ứng dụng công nghệ trong đào tạo trực tuyến giáo dục đại học

Phạm Vinh -

Đào tạo trực tuyến phải bảo đảm chất lượng theo yêu cầu của chương trình đã được ban hành; quy trình, nội dung và chất lượng đào tạo trực tuyến phải liên tục được cải thiện, luôn cập nhật công nghệ tiên tiến,…

Ứng dụng công nghệ trong đào tạo trực tuyến giáo dục đại học - Ảnh minh họa.
Ứng dụng công nghệ trong đào tạo trực tuyến giáo dục đại học - Ảnh minh họa.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 30/2023/TT-BGDĐT (Thông tư 30) quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo trực tuyến đối với giáo dục đại học. Theo đó, đào tạo trực tuyến phải bảo đảm chất lượng theo yêu cầu của chương trình đào tạo đã được ban hành; quy trình, nội dung và chất lượng đào tạo trực tuyến phải liên tục được cải thiện; luôn cập nhật công nghệ tiên tiến, phù hợp nhất để triển khai đào tạo trực tuyến.

Đồng thời bảo đảm công bằng trong tiếp cận, tham gia các hoạt động đào tạo trực tuyến, lấy lợi ích của người học làm trung tâm. Cơ sở đào tạo có thể tự đầu tư hoặc thuê dịch vụ công nghệ thông tin đối với hạ tầng kỹ thuật bảo đảm cho tổ chức triển khai đào tạo trực tuyến; tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn thông tin, an toàn thông tin cá nhân, an ninh mạng và sở hữu trí tuệ theo các quy định của pháp luật.

Về nội dung đào tạo trực tuyến, Thông tư 30 nêu rõ, Giám đốc, Hiệu trưởng cơ sở đào tạo quyết định môn học, học phần trong các chương trình đào tạo của đơn vị thực hiện đào tạo trực tuyến trên cơ sở các quy định của Quy chế đào tạo các trình độ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Nội dung đào tạo trực tuyến có khối lượng, nội dung và cấu trúc kiến thức tương đương với các học phần thuộc chương trình đào tạo.

Ngoài ra, phần mềm tổ chức đào tạo trực tuyến đồng bộ có chức năng tối thiểu như: Giúp người dạy tổ chức các hoạt động đào tạo trực tuyến đồng bộ; Hướng dẫn, giao nhiệm vụ học tập đồng thời cho tất cả người học tham dự trong cùng một không gian học tập thông qua kênh hình, kênh tiếng, kênh chữ, chuyển tải học liệu đào tạo đến người học; Giúp người học tham gia các hoạt động đào tạo trực tuyến; Tương tác, trao đổi thông tin theo thời gian thực với người dạy và những người học khác trong cùng một không gian học tập.

Thông tư 30 quy định, nhân lực triển khai đào tạo trực tuyến gồm: người dạy, đội ngũ quản trị, vận hành hệ thống, đội ngũ thiết kế và sản xuất học liệu, đội ngũ cố vấn và giáo vụ.

Trong đó, người dạy phải có kỹ năng đào tạo trực tuyến như: quản lý, định hướng, hướng dẫn và giải đáp người học qua phương thức đào tạo trực tuyến; sử dụng thành thạo hệ thống quản lý học tập trực tuyến và các phương tiện công nghệ thông tin phục vụ đào tạo trực tuyến.

Đối với đội ngũ quản trị, vận hành hệ thống đào tạo trực tuyến phải là những người am hiểu các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin liên quan đến đào tạo trực tuyến của cơ sở đào tạo; được hướng dẫn, chuyển giao công nghệ để quản trị, vận hành hệ thống công nghệ thông tin đảm bảo hoạt động ổn định, an toàn.

Song song đó, cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm về chất lượng và thực hiện các giải pháp bảo đảm chất lượng đào tạo trực tuyến. Có quy định để bảo đảm chất lượng đào tạo trực tuyến theo yêu cầu của chương trình đào tạo và kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo quy định hiện hành của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Cuối cùng, nội dung khóa học được thiết kế và cập nhật thường xuyên để bảo đảm bảo phù hợp với nhu cầu của người học. Có giải pháp hỗ trợ và trả lời yêu cầu của người học, người dạy; có cơ chế tiếp nhận và giải đáp ý kiến từ người học, người dạy và các tổ chức, cá nhân có liên quan để đo lường sự hài lòng của người sử dụng.

Thông tư số 30/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực kể từ ngày 13/2/2024.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate