February 23, 2023 | 11:34 GMT+7

Ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử trong ngân hàng

Minh Hà -

Đối với lĩnh vực ngân hàng Việt Nam, quá trình chuyển đổi số đang làm thay đổi cấu trúc các dịch vụ tài chính, mang đến nhiều kênh cung cấp sản phẩm dịch vụ tài chính mới, hiện đại trên không gian mạng, giúp hàng triệu người lần đầu tiên được tiếp cận dịch vụ tài chính…

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng và Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an tại Hội nghị.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng và Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an tại Hội nghị.

Chiều 22/02/2023, tại Hà Nội, Bộ Công an phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội nghị ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử trong hoạt động Ngân hàng.

Tham dự Hội nghị có Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ và các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Công an; Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và đại diện lãnh đạo một số Vụ, Cục, đơn vị liên quan.

ĐỀ ÁN 06 MANG LẠI NHIỀU CƠ HỘI CHO NGÀNH NGÂN HÀNG

Tại Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu, mô hình doanh nghiệp số, chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số đã trở thành đích đến của nhiều quốc gia, tổ chức.

“Đối với lĩnh vực ngân hàng Việt Nam, quá trình chuyển đổi số đang làm thay đổi cấu trúc các dịch vụ tài chính, mang đến nhiều kênh cung cấp sản phẩm dịch vụ tài chính mới, hiện đại trên không gian mạng, giúp hàng triệu người lần đầu tiên được tiếp cận dịch vụ tài chính - không chỉ thanh toán, mà còn các dịch vụ khác như tiết kiệm, bảo hiểm, vay vốn… với tốc độ nhanh hơn nhiều so với mô hình tài chính truyền thống”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phát biểu.

Định hướng phát triển chuyển đổi số, xã hội số và kinh tế số của Chính phủ và giao Bộ Công an tham mưu xây dựng và triển khai “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” ban hành theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 06) đã mang lại cơ hội mới cho ngành Ngân hàng.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước báo cáo kết quả triển khai Đề án 06 trong năm 2022. Theo đó, ngày 18/02/2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ký Quyết định số 171/QĐ-NHNN ban hành Kế hoạch của ngành Ngân hàng triển khai Đề án 06 với 02 nhóm nhiệm vụ chính: Kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ dịch vụ công và công tác nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước; Kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ phát triển kinh tế xã hội của ngành Ngân hàng và Quyết định số 170/QĐ-NHNN thành lập Tổ Công tác của ngành Ngân hàng triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg.

Ngành ngân hàng đã tích cực phối hợp với Bộ Công an triển khai và đạt được nhiều kết quả tích cực. Ngân hàng Nhà nước là một trong các bộ, ngành đã hoàn thành triển khai hệ thống dịch vụ công đảm bảo an toàn kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; từng bước triển khai làm sạch Cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng khách hàng; hoàn thành thử nghiệm cung cấp một số giải pháp xác thực khách hàng điện tử qua Căn cước công dân gắn chíp khi thực hiện giao dịch với ngân hàng…

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh, trước nguy cơ phát triển của tội phạm trên không gian mạng, đặc biệt là qua các hệ thống của ngân hàng. Do đó, việc ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử là hết sức quan trọng trong tình hình hiện nay, đó cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đề án 06.

Thứ trưởng Duy cũng yêu cầu các bên cần hoàn thiện cơ sở pháp lý và đầu tư hệ thống công nghệ phù hợp với từng đơn vị, từng lĩnh vực để làm sao thực hiện đạt được hiệu quả cao nhất. Đối với từng quy trình thực hiện thuộc trách nhiệm bên nào thì bên đó sẽ hoàn thiện. 

NHIỀU DỊCH VỤ MỚI, MÔI TRƯỜNG KINH DOANH ĐIỆN TỬ THUẬN LỢI

Thời gian qua, một số ngân hàng như Vietcombank, BIDV, Vietinbank,… đã phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) – Bộ Công an triển khai thử nghiệm giải pháp ứng dụng xác thực người dân qua thẻ Căn cước công dân gắn chíp trong một số nghiệp vụ của ngân hàng thương mại như: Xác thực, định danh khách hàng tại quầy giao dịch; Xác thực, định danh khách hàng giao dịch nộp, rút tiền tại ATM và đã bước đầu cung cấp dịch vụ thử nghiệm tại một số chi nhánh trên địa bàn Hà Nội, Quảng Ninh từ tháng 5/2022.

Bên cạnh đó, một số tổ chức tín dụng đã tích cực phối hợp với đơn vị chức năng Bộ Công an nghiên cứu thử nghiệm một số giải pháp để cung cấp dịch vụ trong thời gian tới như: mở tài khoản cho công dân trên ứng dụng Mobile Banking thông qua định danh khách hàng bằng thẻ Căn cước công dân gắn chíp; Kết nối tài khoản VNeID của công dân phục vụ chi trả an sinh xã hội…

Tại Hội nghị, đại diện của các ngân hàng BIDV, VietinBank, VPBank, TPBank đã có những chia sẻ về những kết quả đạt được trong triển khai một số dịch vụ như: định danh khách hàng bằng thẻ Căn cước công dân gắn chíp; Kết nối tài khoản VneID; Cho vay tín chấp trên môi trường giao dịch điện tử… Dù đang mang lại những kết quả tích cực, song đại diện các ngân hàng đều cho biết quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Do đó, để đạt được được hiệu quả cao, cũng như đảm bảo an toàn cho hoạt động ngân hàng, tránh được những rủi ro liên quan đến tội phạm công nghệ cao, các ngân hàng đã đề nghị Bộ Công an cho phép được sử dụng dữ liệu hoặc kết nối trực tiếp với hệ thống dữ liệu VneID; cho phép khách hàng trên 16 tuổi được phép mở tài khoản bằng eKYC; đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cần đẩy nhanh việc sửa đổi hành lang pháp lý có liên quan… Bên cạnh đó, với chi phí làm sạch kho dữ liệu đang ở mức cao, các ngân hàng cũng đề nghị Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước xem xét trình Chính phủ giảm phí này để hỗ trợ ngân hàng.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Duy cho biết, sẽ báo cáo với Chính phủ những vướng mắc cũng như đề xuất các giải pháp để khắc phục, trên tinh thần làm sao để hoàn thành sớm nhất, hiệu quả nhất mục tiêu của Đề án 06, tạo nên môi trường kinh doanh điện tử thuận tiện nhất cho người dùng trong thời gian tới.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate