May 16, 2017 | 14:26 GMT+7

“Ủng hộ tăng thuế xăng dầu để giải quyết vấn đề môi trường”

Bạch Dương

“Nếu tăng lên 8.000 đồng/lít, số tiền thu về cho ngân sách Nhà nước rất lớn”

Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam.
Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam.
Dù chưa có lộ trình cụ thể về việc tăng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên 8.000 đồng/lít, nhưng Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam ủng hộ việc tăng thuế nội địa, ít nhất là đưa thuế tiêu thụ đặc biệt và bảo vệ môi trường lên làm sao cho chiếm trên 50% cơ cấu giá xăng dầu, để đảm bảo thu ngân sách Nhà nước.

Quan điểm này được Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Phan Thế Ruệ nêu tại một hội thảo về thị trường xăng dầu và vấn đề thể chế, diễn ra sáng 16/5.

“Đây là vấn đề cân đối ngân sách của Nhà nước. Chỉ cần tăng thêm 1.000 đồng/lít tiền thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, ngân sách Nhà nước đã có thêm hàng chục nghìn tỷ đồng. Nếu tăng lên 8.000 đồng/lít, số tiền thu về cho ngân sách Nhà nước rất lớn”, ông Ruệ nói.

Ông nhấn mạnh: “Từ số tiền này, có thể giải quyết những vấn đề môi trường ở một số địa phương do xăng dầu gây ra”.

Nhận xét rằng nếu giảm thuế nhập khẩu mà tăng thuế nội địa thì giá bán lẻ xăng dầu sẽ không có gì thay đổi, ông Phan Thế Ruệ kiến nghị Chính phủ trong năm 2018 cần xem xét điều chỉnh tăng các sắc thuế nội địa của sản phẩm xăng dầu để bù đắp phần hụt thu do cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết quốc tế.

Trong khi đó, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) thì cho biết, các sắc thuế nội địa với xăng dầu, trong đó có thuế bảo vệ môi trường, sẽ được rà soát điều chỉnh theo hướng phù hợp với lộ trình giảm thuế nhập khẩu.

“Khung thuế lên 8.000 đồng/lít với xăng là mức tối đa, còn việc điều chỉnh bao nhiêu sẽ tuỳ thuộc vào từng thời điểm, sức chịu đựng của nền kinh tế. Khung là khung cho phép, còn điều chỉnh thế nào thì Chính phủ sẽ có tính toán cẩn thận để đảm bảo lợi ích của người dân, Nhà nước, doanh nghiệp”, ông Quyền nói.

Có quan điểm trái chiều, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng việc cắt giảm thuế nhập khẩu xăng dầu sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn thu thuế của Nhà nước, nhưng là xu thế tất yếu của quán trình hội nhập quốc tế. Hơn nữa việc cắt giảm thuế được thực hiện theo lộ trình, không tạo ra đột biến lớn.

“Việc giảm thuế khiến giá bán ra thị trường giảm, tác động giảm chi phí sản xuất, lợi nhuận doanh nghiệp sẽ gia tăng, từ đó góp phần tăng thu ngân sách, đồng thời thúc đẩy hoạt động kinh doanh. Nhà nước có thể thu nhiều hơn từ sự gia tăng hoạt động của doanh nghiệp”, ông Tuyển nêu quan điểm.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh thì cho rằng, Việt Nam đã từng bước hình thành thị trường xăng dầu có sự quản lý của Nhà nước. Đây là mặt hàng kinh doanh có điều kiện nên việc quản lý là cần thiết, song Nhà nước vẫn còn can thiệp quá sâu vào vấn đề giá cả.

Vị chuyên gia này cũng kiến nghị thay đổi chu kỳ tính, cách sử dụng quỹ bình ổn, cách tính giá, các sắc thuế với xăng dầu cho phù hợp với những diễn biến nhanh của thị trường xăng dầu thế giới.

Bộ Tài chính mới đây đã công bố dự thảo luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường, trong đó khung thuế với xăng tăng từ 4.000 - 8.000 đồng/lít, nhiên liệu bay lên 3.000 - 6.000 đồng/lít, dầu diesel (1.500 - 4.000 đồng/lít), dầu hoả (300 - 2.000 đồng/lít), dầu ma zút (900 - 4.000 đồng/lít), dầu nhờn (900 - 4.000 đồng/lít), mỡ nhờn (900 - 4.000 đồng/kg).

Thuế môi trường cho xăng sinh học ở mức thấp hơn, trong đó xăng E5 là 2.700 - 7.200 đồng/lít, xăng E10 từ 2.500 - 6.800 đồng/lít.

Hiện dự thảo này vẫn đang được lấy ý kiến các bên.

Theo lộ trình, tháng 9/2017, dự án luật nói trên sẽ được gửi đến đại biểu Quốc hội sau khi đã có ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tháng 10/2017, trình Quốc hội xem xét thông qua. Nếu được thông qua, có thể 6 tháng nữa thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sẽ có khung thuế mới cao hơn nhiều khung thuế hiện tại.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate