October 25, 2024 | 19:00 GMT+7

Ứng phó bão Trà Mi, Thừa Thiên Huế lên phương án sơ tán hơn 16.300 hộ dân

Nguyễn Thuấn - Thiên Anh

Qua rà soát, tại tỉnh Thừa Thiên Huế có rất nhiều khu vực nguy cơ xảy ra trượt lở đất vùng đồi núi, sườn dốc các tuyến giao thông; sạt lở, xâm thực bờ sông, bờ biển, khi xảy ra mưa, bão...

Lực lượng các đơn vị cùng tham gia khắc phục sạt lở bờ biển xã Phú Thuận, huyện Phú Vang
Lực lượng các đơn vị cùng tham gia khắc phục sạt lở bờ biển xã Phú Thuận, huyện Phú Vang

Đến chiều nay 25/10, tỉnh Thừa Thiên Huế đã kêu gọi tất cả 1.884 phương tiện tàu thuyền với 10.685 lao động của địa phương vào bờ neo đậu, tránh trú bão an toàn; 90% diện tích nuôi trồng thủy sản đã thu hoạch. Có 20 phương tiện tàu hàng hải với 166 lao động, 1.999 tấn hàng đang neo đậu tại cảng Thuận An và cảng Chân Mây.

Để chủ động ứng phó với bão, lũ, nước dâng, lũ quét, sạt lở đất, hiện tỉnh Thừa Thiên Huế đã lên phương án sơ tán, di dời 16.349 hộ dân với 52.186 khẩu. Các lực lượng chủ công, cơ động như Công an, Bộ đội biên phòng đều phân công lực lượng, phương tiện để ứng phó với bão số 6. Ngoài ra, tỉnh dự trữ 100 tấn gạo, 100 tấn mì ăn liền, vận động người dân chủ động dự trữ hàng hóa thiết yếu từ 7 đến 10 ngày liên tục để phòng khi thiên tai, lụt bão xảy ra.

Đặc biệt do ảnh hưởng mưa lớn, triều cường dâng cao trong những ngày qua làm sạt lở bờ biển đoạn giáp ranh giữa xã Phú Thuận, huyện Phú Vang và phường Thuận An, thành phố Huế. Đoạn sạt lở dài khoảng 1.000m, ăn sâu vào đất liền từ 70m đến 100m, gây nguy cơ mất an toàn cho tuyến đường liên xã, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch và các hộ dân địa phương. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế đã xuất cấp 2.350 m2 vải lọc, 700 m3 đá hộc để xử lý khẩn cấp sạt lở đoạn bờ biển này.

Hiện toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 56 hồ thủy lợi, 13 nhà máy thủy điện. Trước mùa mưa lũ năm 2024, các cơ quan chức năng tỉnh đã tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện những quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước; quản lý vận hành, an toàn điện và công tác ứng phó thiên tai. Hiện mực nước 3 hồ thủy lợi, thủy điện lớn ở địa bàn tỉnh gồm Tả Trạch, Hương Điền, Bình Điền đang ở mức thấp và vận hành đảm bảo an toàn.

Với dung tích phòng lũ hiện tại, các hồ chứa kể trên có khả năng cắt lũ hoàn toàn với trận mưa từ 400-600 mm/24h. Đồng thời các hồ chứa này cần có các trận mưa lớn để đạt được mực nước dâng bình thường nhằm đủ nước phục vụ chống hạn trong năm 2025.

Tất cả tàu thuyền ở tỉnh Thừa Thiên Huế đã vào bờ tránh, trú bão Trà Mi. Ảnh: Phúc Đạt
Tất cả tàu thuyền ở tỉnh Thừa Thiên Huế đã vào bờ tránh, trú bão Trà Mi. Ảnh: Phúc Đạt

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiếp tục cập nhật cảnh báo các vị trí có nguy cơ lũ quét, trượt lở đất vùng đồi núi và các tuyến giao thông, sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, tính đến ngày 25/10, hầu hết các huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đều có các khu vực nguy cơ xảy ra trượt lở đất vùng đồi núi, sườn dốc các tuyến giao thông; sạt lở, xâm thực bờ sông, bờ biển, khi xảy ra mưa, bão.

Cụ thể, tại huyện Phong Điền, nguy cơ rất cao xảy ra trượt lở đất đá vùng đồi núi ở các xã Phong Xuân, Phong Mỹ, Phong Sơn, Phong An, Phong Thu, thị trấn Phong Điền... và trượt lở đất đá ở các tuyến giao thông đường 71 từ Phong Xuân đi thủy điện Rào Trăng 3, Rào Trăng 4, A Lin B2, A Lin B1…

Tại huyện Quảng Điền, nguy cơ cao sạt lở rất cao xảy ra ở sông Bồ đoạn qua các xã Quảng Phú, Quảng Thọ, Quảng Phước, Quảng Thành, Quảng An. Tại thị xã Hương Trà, nguy cơ sạt lở vùng gò đồi Bình Tiến (điểm sạt trượt tại thôn Đông Hòa), Hương Bình, Bình Thành (điểm sạt trượt tại thôn Tân Thọ), phường Hương Vân, Hương Văn.

Tại huyện A Lưới, nguy cơ sạt trượt các tuyến giao thông rất cao ở dọc tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua thôn Tru Pỉ (xã Hồng Thủy), khu vực UBND xã Quảng Nhâm (UBND xã Hồng Quảng cũ) và các xã Lâm Đớt, A Roàng, Hương Nguyên. Dọc Quốc lộ 49A qua các xã Phú Vinh (đèo A Co), Hương Nguyên, Hồng Hạ của huyện A Lưới cũng có nguy cơ sạt trượt rất cao…

Tại huyện Nam Đông, nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở thôn Dỗi, thôn 1, thôn 2 của xã Hương Lộc; sạt lở đất đồi, đất bờ sông, lũ quét khu vực thôn Lập, thôn A Tin, xã Thượng Nhật.

Tại huyện Phú Lộc, xảy ra nguy cơ cao xói lở bờ biển đoạn qua xã Giang Hải, Vinh Mỹ, nhất là tiếp giáp 2 đầu kè Giang Hải; nguy cơ xâm thực vùng bờ biển đoạn qua các xã Vinh Hiền, Vinh Mỹ, Lộc Vĩnh...

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các địa phương, đơn vị chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở, ngập lụt sâu, địa bàn dễ bị chia cắt.

Các chủ đập, đơn vị quản lý khai thác, chủ đầu tư công trình thủy điện, thủy lợi được giao tiếp tục kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý các điểm có nguy cơ sạt lở ven hồ và thượng, hạ lưu công trình đầu mối.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate