November 25, 2024 | 19:16 GMT+7

Ứng phó với chính sách thương mại Mỹ thời Tổng thống Trump: Những hàm ý đối với thương mại toàn cầu

GS. Claudio Dordi *

Việc ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ có thể đánh dấu một sự dịch chuyển quan trọng trong chính sách thương mại của Mỹ, với những tác động sâu rộng đến thương mại toàn cầu...

Bài viết này tìm hiểu ảnh hưởng tiềm tàng của các chính sách thương mại của Mỹ, phân tích những phương diện then chốt như nỗ lực nhằm giải quyết tình trạng mất cân đối thương mại, những điều chỉnh đối với các thỏa thuận thương mại, các sáng kiến dịch chuyển sản xuất về nước, dịch chuyển chuỗi cung ứng, các động lực thương mại số và tác động đến các tổ chức đa phương như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Ngoài ra, bài viết cũng đánh giá những hệ quả rộng hơn đối với mối quan hệ giữa Mỹ với các đối tác chủ chốt, bao gồm Liên minh châu Âu (EU), các nước BRICS, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Việt Nam, đồng thời xem xét vai trò đang thay đổi của Đài Loan trong bối cảnh mối quan hệ Mỹ - Trung.

Để hiểu được hướng đi tương lai tiềm tàng của chính sách thương mại Mỹ thời chính quyền Trump 2.0, một việc hữu ích là nhìn lại những dịch chuyển trong nhiệm kỳ trước của ông. Những dịch chuyển đó đại diện cho một thay đổi to lớn khỏi sự ủng hộ đã tồn tại bấy lâu của Mỹ dành cho các thỏa thuận tự do thương mại và toàn cầu hóa kinh tế trên diện rộng.

CHÍNH SÁCH THƯƠNG MẠI CỦA ÔNG TRUMP 

Chiến lược của chính quyền Trump 1.0 tập trung vào việc giảm thâm hụt thương mại và thúc đẩy các ngành công nghiệp trong nước thông qua một loạt biện pháp thuế quan về quy chế giám sát. Trọng tâm trong phương pháp tiếp cận này là sử dụng thuế quan theo các Mục 301 và Mục 232 của Đạo luật Thương mại, chủ yếu nhằm vào Trung Quốc nhưng cũng tác động tới các đồng minh chủ chốt của Mỹ như Canada, Mexico và EU.

Trong giai đoạn này, thuế quan được áp lên khoảng 370 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc theo Mục 301, trên cơ sở mối lo ngại về nạn đánh cắp tài sản trí tuệ và hành vi thương mại bất bình đẳng mà Mỹ nhận diện được. Những biện pháp đó nhằm vào một danh sách dài sản phẩm, từ hàng điện tử tiêu dùng cho tới máy công nghiệp, với mục tiêu kép là bảo vệ các ngành công nghiệp của Mỹ và thúc đẩy Trung Quốc điều chỉnh các chính sách kinh tế.

Ngoài ra, thuế quan đối với thép và nhôm - đưa ra vào năm 2018 theo Mục 232, lấy cơ sở là vấn đề anh ninh quốc gia - đã ảnh hưởng đến một số đồng minh của Mỹ. Những hành động này của Mỹ đã dẫn tới biện pháp trả đũa của Trung Quốc, bao gồm thuế quan áp lên hàng hóa nông sản xuất khẩu của Mỹ, kéo theo những điều chỉnh trong ngành nông nghiệp nước này.

Theo nghiên cứu của Cục Nghiên cứu kinh tế quốc gia (NBER), các biện pháp thuế quan dẫn tới sự gia tăng chi phí bình quân mỗi năm 831 USD đối với mỗi hộ gia đình Mỹ, trong đó ảnh hưởng lớn hơn rơi vào những hộ gia đình phải dành một tỷ trọng lớn hơn trong thu nhập để mua hàng hóa nhập khẩu. Trung Quốc đáp trả bằng cách áp thuế quan lên 110 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu của Mỹ, trong đó có những nông sản quan trọng như đậu tương và thịt lợn. Điều này góp phần vào sự suy giảm thu nhập của nông dân Mỹ, cho thấy những điều chỉnh mà một số lĩnh vực nhất định trong nền kinh tế phải đối mặt trong bối cảnh chính sách thương mại thay đổi.

Chính sách trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump có đặc điểm chính là một sự dịch chuyển về phía các thỏa thuận song phương và khu vực, thay vì dựa vào các thỏa thuận đa phương truyền thống.

CÁC THỎA THUẬN THƯƠNG MẠI DỊCH CHUYỂN 

Hướng đi chiến lược này đã trở nên rõ ràng hơn qua quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - một thỏa thuận thương mại lớn nhằm tăng cường mối quan hệ kinh tế của Mỹ với các nước ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và đối trọng với ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc. Bằng cách rút khỏi TPP, chính quyền Trump 1.0 đã mở ra một khoảng trống để Trung Quốc mở rộng các sáng kiến của nước này, như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), qua đó gia tăng hiện diện của Trung Quốc trong khu vực.

Việc chuyển Hiệp định Tự do mậu dịch Bắc Mỹ (NAFTA) thành Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) tiếp tục cho thấy chính quyền Trump 1.0 ưa chuộng các thỏa thuận song phương. Nội dung của USMCA bao gồm gia tăng tiêu chuẩn lao động, siết chặt các quy định về nguồn gốc sản phẩm ô tô và bảo vệ tài sản trí tuệ chặt chẽ hơn. Những người ủng hộ thỏa thuận này chỉ ra tiềm năng của thỏa thuận về tạo công ăn việc làm và mang lại lợi ích cho người lao động Mỹ, trong khi một số nhà phân tích nhận thấy thỏa thuận không giải quyết triệt để được những thách thức mang tính cơ cấu lớn hơn liên quan tới toàn cầu hóa.

Trong thời gian tới, nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có khả năng sẽ tiếp nối và tăng cường việc đặt trọng tâm vào các thỏa thuận song phương, có thể nhằm thiết lập mối quan hệ đối tác chặt chẽ với những quốc gia “cùng tần số” chia sẻ với Mỹ các lợi ích kinh tế và chiến lược. Cách tiếp cận này có thể mang lại sự linh hoạt gia tăng trong các cuộc đàm phán, mở đường cho các thỏa thuận thương mại có mối liên hệ gần gũi hơn với các ưu tiên quốc gia cụ thể của Mỹ và có thể tăng cường vị thế của Mỹ trong bức tranh thương mại toàn cầu đang ngày càng trở nên phức tạp hơn.

DỊCH CHUYỂN SẢN XUẤT VỀ MỸ, ĐỐI ĐẦU VỚI TRUNG QUỐC  

Một trọng tâm cốt lõi trong chính sách thương mại của ông Trump là thúc đẩy việc dịch chuyển sản xuất về nước, nhằm chấn hưng nền sản xuất trong nước và giảm sự phụ thuộc vào hoạt động sản xuất ở nước ngoài, nhất là liên quan tới Trung Quốc. Chính quyền Trump 1.0 đã nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ việc làm cho người Mỹ và tăng cường các ngành công nghiệp chủ chốt trong nước. Các chính sách như Đạo luật CHIPS đã mang tới những sáng kiến cho sản xuất trong nước ở những lĩnh vực quan trọng gồm bán dẫn, dược phẩm và quốc phòng. Trọng tâm đưa sản xuất trở lại đất Mỹ có thể sẽ tiếp tục trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump và có thể được hậu thuẫn bằng sự kết hợp giữa áp thuế quan có trọng điểm, các ưu đãi lớn hơn về thuế, các quy định giám sát tinh giản hơn, nhằm thúc đẩy an ninh quốc gia và sự vững vàng của nền kinh tế.

Một khía cạnh mang tính chất định nghĩa của chiến lược thương mại này là xử lý các mất cân đối thương mại và phấn đấu cho cạnh tranh bình đẳng hơn, nhấn mạnh vào việc chống lại những hành vi thương mại của Trung Quốc mà Mỹ cho là bất bình đẳng. Thời Trump 1.0, mức thuế quan cao đã áp lên khoảng 370 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ, trên cơ sở mối lo về nạn đánh cắp tài sản trí tuệ và các vấn đề thương mại khác.

Hướng đi chính sách này đã được nối tiếp thời chính quyền Tổng thống Joe Biden. Ông Biden đã duy trì những thuế quan này, cho thấy một cách tiếp cận có sự đồng thuận của hai đảng nhằm đi tới mối quan hệ kinh tế cân bằng hơn với Trung Quốc. Chính sách được làm mới thời Trump 2.0 có thể là sự mở rộng các biện pháp đó, bao gồm áp thuế quan bổ sung và giám sát chặt chẽ hơn hoạt động đầu tư của Trung Quốc trong những lĩnh vực chiến lược như công nghệ và hạ tầng.

Ngoài thuế quan truyền thống, chính quyền Trump 1.0 và chính quyền Biden còn tăng cường sử dụng các biện pháp phi thuế quan để xử lý những thách thức rộng hơn trong quan hệ Mỹ-Trung. Kiểm soát xuất khẩu đối với các công nghệ then chốt, như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) và thiết bị sản xuất tiên tiến, đã được bắt đầu triển khai thời ông Trump và mở rộng hơn nữa sau khi ông Biden lên cầm quyền. Những biện pháp kiểm soát này nhằm bảo vệ vị thế thống lĩnh của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ, đồng thời kiềm chế bước tiến của Trung Quốc trong những ngành nhạy cảm có vai trò quan trọng đối với an ninh quốc gia.

Những hành động của Mỹ nhằm vào các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc như Huawei và TikTok, bao gồm trừng phạt và liệt kê vào danh sách đen, đã phản ánh rõ nét mối lo ngại kéo dài về bảo mật dữ liệu và an ninh mạng. Bằng cách tiếp tục những biện pháp này, Mỹ muốn giảm thiểu những rủi ro tiềm tàng đi kèm với sự tiếp cận của nước ngoài với các thông tin nhạy cảm, đồng thời đảm bảo một môi trường an toàn cho phát triển công nghệ.

Chiến lược trên cũng bao gồm mở rộng các hạn chế đầu tư, khiến các thực thể Trung Quốc gặp nhiều rào cản hơn trong việc thâu tóm cổ phần trong các ngành công nghiệp quan trọng của Mỹ. Những biện pháp này nhằm ngăn nước ngoài gây ảnh hưởng lên các lĩnh vực chủ chốt, đồng thời góp phần vào một tiến trình rộng hơn chính là sự phân ly kinh tế giữa hai nước. Những hạn chế này có thể tăng cường bảo vệ các ngành công nghiệp của Mỹ, nhưng cũng có thể tác động tới thị trường tài chính toàn cầu, có khả năng ảnh hưởng tới các dòng vốn và niềm tin của nhà đầu tư.

Tựu trung lại, những nỗ lực này của Mỹ đã thúc đẩy chiến lược “Trung Quốc + 1”, trong đó các công ty đa dạng hóa địa chỉ sản xuất sang những nước như Việt Nam, Ấn Độ và Mexico để giảm sự phụ thuộc quá mức vào sản xuất ở Trung Quốc. Sự hỗ trợ lớn hơn về mặt quy chế và ưu đãi tăng cường dành cho các công ty dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc được cho là sẽ tiếp tục, từ đó thúc đẩy một sự dịch chuyển dần dần trong các mô hình thương mại toàn cầu. Hoạt động thương mại được kỳ vọng sẽ gia tăng ở Đông Nam Á và Ấn Độ, phản ánh một nỗ lực rộng lớn nhằm đa dạng hóa các chuỗi cung ứng và giảm bớt những rủi ro tập trung.

Trong những năm gần đây, xung lực phía sau các biện pháp thương mại liên quan đến khí hậu ngày càng tăng. Một ví dụ là Cơ chế Điều chỉnh biên giới carbon (CBMA) của EU, được đưa ra nhằm xử lý vấn đề khí thải carbon liên quan tới hàng hóa nhập khẩu.

TÁC ĐỘNG TỚI CÁC CHÍNH SÁCH THƯƠNG MẠI LIÊN QUAN ĐẾN KHÍ HẬU  

Chính quyền Trump 2.0 có thể sẽ có một phương pháp tiếp cận khác, trong đó có thể xem xét lại các cam kết hiện tại của Mỹ đối với các sáng kiến khí hậu và tập trung hơn vào ưu tiên các lợi ích kinh tế trong nước. Điều này có thể dẫn tới việc đánh giá lại các biện pháp thương mại liên quan đến khí hậu, nhất là những biện pháp bị xem là đặt ra thêm rào cản cho các nhà xuất khẩu của Mỹ. Nước Mỹ có thể tìm cách đàm phán lại các điều khoản né tránh những gì mà Washington xem là ảnh hưởng không cân xứng rơi vào các ngành công nghiệp của Mỹ, nhằm mục đích đạt được điều kiện bình đẳng hơn trong thương mại quốc tế.

Một sự dịch chuyển trong hướng đi chính sách cũng có thể bao gồm xem xét lại sự hỗ trợ dành cho các sáng kiến năng lượng tái tạo được đưa ra trong những năm gần đây. Trọng tâm có thể dịch chuyển theo hướng cân bằng giữa độc lập về năng lượng với tăng trưởng kinh tế, nhấn mạnh một chiến lược năng lượng đa dạng, hỗ trợ cả các lĩnh vực truyền thống và mới nổi. Cách tiếp cận cân bằng này có thể khuyến khích đầu tư vào nhiều lĩnh vực năng lượng hơn, bao gồm cả năng lượng hóa thạch và năng lượng xanh, để đảm bảo an ninh năng lượng dài hạn và ổn định kinh tế.

Trên trường quốc tế, Mỹ có thể đưa ra một lập trường thực dụng hơn đối với các thỏa thuận khí hậu, tập trung vào việc gắn kết các mục tiêu môi trường với các ưu tiên rộng hơn về kinh tế và thương mại. Cách tiếp cận như vậy có thể dẫn tới sự tham gia chừng mực hơn vào các cuộc thảo luận liên quan đến khí hậu, đảm bảo rằng các chính sách thương mại phản ánh cả các mối lo về môi trường và sự cần thiết phải duy trì khả năng cạnh tranh. Bằng cách ủng hộ các khuôn khổ linh hoạt hơn có chỗ đứng cho các lợi ích quốc gia đa dạng, Mỹ có thể giúp định hình một cuộc đối thoại toàn cầu cân bằng hơn về hợp nhất vấn đề bền vững vào các thỏa thuận thương mại.

Thương mại số đã trở thành một trọng tâm chính trong chính sách thương mại của Mỹ gần đây, đặt ra cả thách thức và cơ hội đối với việc định hình lại nền kinh tế kỹ thuật số toàn cầu.

THƯƠNG MẠI SỐ VÀ THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ: THÁCH THỨC VÀ CƠ HỘI 

Mối hoài nghi của Mỹ đối với thuế dịch vụ số, chẳng hạn như thuế đã được triển khai ở EU, phản ánh mối lo về hiệu ứng phân biệt đối xử tiềm tàng đối với các công ty công nghệ lớn của Mỹ như Google, Amazon và Facebook. Để đáp trả, Mỹ có thể cân nhắc các biện pháp gồm đàm phán và áp thuế quan có trọng điểm, nhằm giảm nhẹ gánh nặng đối với các công ty Mỹ trong lúc Washington chủ trương một khuôn khổ thuế quốc tế bình đẳng hơn.

Ngoài ra, định hướng chính sách hiện tại có thể nhấn mạnh vấn đề chủ quyền dữ liệu, thúc đẩy các quy định chặt chẽ hơn về địa phương hóa nhằm bảo vệ thông tin nhạy cảm và tăng cường an ninh quốc gia. Cách tiếp cận này có thể khác biệt với các thỏa thuận quốc tế hiện có - vốn thúc đẩy dòng chảy tự do của dữ liệu - nhưng cho thấy tầm quan trọng của việc bảo vệ tài sản dữ liệu trong nước trong một thế giới có mức độ kết nối ngày càng cao.

Khả năng Mỹ đặt trọng tâm vào AI và các công nghệ đang nổi lên có thể mang tới một phương diện mới trong chính sách thương mại số. Chính quyền Trump 2.0 có thể ưu tiên việc tăng cường bảo vệ dữ liệu, đưa ra các biện pháp để đảm bảo rằng công nghệ AI phát triển bởi các thực thể nước ngoài phải đáp ứng được các tiêu chuẩn an ninh quốc gia ngặt nghèo. Lập trường quy chế giám sát này nhằm bảo vệ địa vị đi đầu về công nghệ của Mỹ, đồng thời thúc đẩy sự sáng tạo trong một khuôn khổ an toàn.

Những khác biệt trong chính sách dữ liệu, đặc biệt giữa chính sách của Mỹ với quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của EU, có thể sẽ đặt ra một số thách thức về tuân thủ đối với các công ty đa quốc gia. Tuy nhiên, những khác biệt đó cũng có thể mang tới cơ hội để phát triển những giải pháp tinh gọn, phù hợp hơn để giải quyết các nhu cầu cụ thể của thị trường đa dạng.

Cách tiếp cận của Mỹ về điều tiết vấn đề AI trong các thỏa thuận thương mại được kỳ vọng sẽ nhấn mạnh việc bảo vệ tài sản trí tuệ (IP), tập trung vào đảm bảo sáng tạo và đảm bảo cạnh tranh bình đẳng. Thông qua ủng hộ những quy định rõ ràng hơn và IP và chia sẻ dữ liệu, chiến lược này có thể nhằm thúc đẩy một môi trường dễ đoán định hơn đối với các công ty Mỹ, nhất là trong các cuộc đàm phán với các đối tác thương mại chủ chốt. Dù sự kiểm soát khắt khe hơn đối với các dòng chảy dữ liệu có thể được thực thi, các biện pháp này có chủ đích tạo ra một sân chơi bình đẳng, giải quyết những vấn đề như nạn đánh cắp tài sản trí tuệ, đồng thời cản thiện niềm tin và cộng tác trong thương mại số.

Theo đuổi các thỏa thuận thương mại điện tử song phương mới có thể là một bước đi chiến lược để mở rộng khả năng tiếp cận thị trường cho các công ty công nghệ Mỹ. Những thỏa thuận như vậy có thể đặt ưu tiên vào các chủ đề như bảo mật dữ liệu, dịch vụ kỹ thuật số và an ninh mạng, nhằm giảm bớt các hàng rào và tinh giản các quy chế giám sát đối với doanh nghiệp Mỹ. Thông qua giải quyết mối lo ngại về an ninh dữ liệu và quyền sở hữu trí tuệ, những khuôn khổ này có tiềm năng đặt ra những tiêu chuẩn mới cho thương mại số quốc tế, cân bằng lợi ích quốc gia với những lợi thế mà kết nối toàn cầu mang lại.

Nói chung, thay đổi chính sách của Mỹ về thương mại số và các công nghệ đang nổi lên được kỳ vọng sẽ định hình một bức tranh năng động về quy chế giám sát, phản ánh cam kết mạnh mẽ về chủ quyền kinh tế và vị thế đi đầu về công nghệ của Mỹ. Cách tiếp cận này có thể dẫn tới môi trường quy chế giám sát khác nhau tại các khu vực khác nhau, nhưng đó cũng là cơ hội để các doanh nghiệp sáng tạo và thích ứng, đưa ra được chiến lược phù hợp đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế số. Trọng tâm đảm bảo lợi thế cạnh tranh cho các công ty công nghệ Mỹ có thể tăng cường vị thế của Mỹ trên thị trường kỹ thuật số đang tăng trưởng mạnh mẽ của thế giới, thúc đẩy một khuôn khổ vững vàng và đa dạng hơn cho thương mại số quốc tế.

Dịch chuyển trong chính sách thương mại của Mỹ được kỳ vọng có thể gây ra tác động to lớn đối với các mối quan hệ đối tác chủ chốt của thế giới, đặc biệt khi Washington hướng trọng tâm tới tăng cường các liên minh kinh tế chiến lược và cải thiện sự ổn định trong khu vực.

MỐI QUAN HỆ VỚI CÁC ĐỒNG MINH CHỦ CHỐT 

Đối với châu Âu, những điều chỉnh tiềm tàng về thuế quan - nhất là những thuế quan được áp trong nhiệm kỳ trước của ông Trump - có thể một lần nữa nổi lên, đặc biệt trong các ngành ô tô và công nghệ. Những thay đổi đó có thể đặt ra thách thức đối với mối quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương, vẫn có dư địa để hai bên có được sự đối thoại mang tính xây dựng về những mối quan tâm chung, chẳng hạn xử lý tình trạng mất cân đối thương mại. Bất kỳ trọng tâm nào đặt vào thuế quan ô tô cũng có thể dẫn tới tác động đặc biệt lớn đối với ngành công nghiệp ô tô với quy mô khổng lồ của Đức, nhưng các nỗ lực cộng tác có thể giúp đồng quy các lợi ích chung và tăng cường mối quan hệ kinh tế.

Tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, chiến lược của chính quyền Trump mới được kỳ vọng sẽ ưu tiên việc tăng cường quan hệ kinh tế với Ấn Độ, Nhật Bản và các nước ASEAN, phản ánh một nỗ lực rộng hơn nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng và giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Ấn Độ sẽ hưởng lợi lớn từ đầu tư nước ngoài gia tăng do chiến lược “Trung Quốc + 1”, từ đó củng cố vai trò của nước này là một đối tác chủ chốt trong mạng lưới thương mại khu vực. Nhật Bản và các nền kinh tế lớn trong ASEAN cũng có thể hưởng lợi từ các cơ hội thương mại rộng mở, thuận lợi cho một thị trường khu vực có sức chống chịu tốt hơn và hội nhập sâu.

Tầm quan trọng gia tăng của Việt Nam với tư cách một trung tâm sản xuất phản ánh vai trò trọng tâm của Việt Nam trong việc hấp thụ hoạt động sản xuất dịch chuyển khỏi Trung Quốc. Dù thặng dư thương mại lớn của Việt Nam với Mỹ có thể dẫn tới sự giám sát chặt chẽ hơn từ phía Washington, bối cảnh này mang tới cho Việt Nam một cơ hội để có các cuộc thảo luận thương mại sâu hơn và thậm chí quan hệ song phương gần gũi hơn với Mỹ. Đài Loan vẫn là một điểm trọng tâm chiến lược, nhất là trong ngành công nghiệp bán dẫn, vì việc tăng cường quan hệ giữa Mỹ với Đài Loan được xem là có ý nghĩa vô cùng quan trọng để Mỹ duy trì thế dẫn đầu về công nghệ và đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng. Các thị trường mới nổi được kỳ vọng sẽ đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong bức tranh thương mại đang biến đổi này.

HÀM Ý RỘNG HƠN ĐỐI VỚI CÁC NGUYÊN TẮC VÀ THỂ CHẾ THƯƠNG MẠI TOÀN CẦU  

Sức hấp dẫn gia tăng của Ấn Độ với tư cách một điểm đến đầu tư được đánh giá là phù hợp với các xu hướng rộng hơn về đa dạng hóa chuỗi cung ứng, trong khi Mexico và các nước Mỹ Latin khác có thể hưởng lợi từ chiến lược dịch chuyển sản xuất về các quốc gia gần thị trường Mỹ (nearshoring). Ở châu Phi, hiện diện gia tăng của Mỹ có thể mang lại một lựa chọn khác bên cạnh Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, mở ra cơ hội mới cho các mối quan hệ đối tác và đầu tư.

Nói chung, những điều chỉnh này sẽ định hình lại các mô hình thương mại toàn cầu, tích hợp thêm nhiều quốc gia đa dạng vào mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc tập trung vào tăng cường các mối quan hệ đối tác và đang dạng hóa quan hệ thương mại có mục đích cải thiện sự vững vàng kinh tế và mở ra cơ hội tăng trưởng mới.

Những dịch chuyển chính sách này có thể đặt ra một số thách thức nhất định, nhưng chiến lược lớn hơn ở đây là khuyến khích phát triển bền vững và thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế đôi bên cùng có lợi, đóng góp vào một nền kinh tế toàn cầu cân bằng hơn và có mức độ kết nối cao hơn.

Cách tiếp cận của chính quyền Trump 1.0 cho thấy một sự thoái lui khỏi các khuôn khổ đa phương truyền thống, thách thức vai trò bấy lâu của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Do Mỹ kiên trì bác bỏ việc bổ nhiệm thành viên cho Cơ quan Phúc thẩm của WTO trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, quy trình giải quyết tranh chấp này về cơ bản bị gián đoạn, phản ánh mối lo ngại rằng các cơ chế hiện tại liệu có phục vụ thỏa đáng cho lợi ích quốc gia trong bối cảnh môi trường thương mại đang ngày càng trở nên phức tạp. Nếu lập trường này của Mỹ duy trì, trọng tâm có thể sẽ dịch chuyển tới việc xem xét lại các nguyên tắc chủ chốt của WTO, chẳng hạn Quy chế tối huệ quốc (MFN) - quy chế mà một số quốc gia cho là hạn chế sự linh hoạt trong việc xử lý các hành vi thương mại bất bình đẳng.

Chiến lược tiềm năng của Mỹ có thể bao gồm xây dựng một liên minh mới gồm các quốc gia cùng quan điểm, tương tự như ý tưởng về một “NATO thương mại”. Liên minh này sẽ nhấn mạnh hợp tác kinh tế sâu hơn với các đối tác chính, gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước EU - những nước có chung với Mỹ các giá trị và lợi ích chiến lược. Một khuôn khổ như vậy có thể thúc đẩy sự hội nhập gần gũi hơn giữa các đồng minh tin cậy lẫn nhau, tạo ra một nền tảng thay thế để xử lý các vấn đề thương mại đang nổi lên vượt quá những hạn chế của WTO.

ẢNH HƯỞNG TIỀM TÀNG ĐẾN THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH TOÀN CẦU  

Chiến lược thương mại biến đổi của Mỹ có thể ảnh hưởng đến thị trường tài chính toàn cầu, mang tới những động lực mới có khả năng tác động tới tâm lý của nhà đầu tư và sự lên xuống của thị trường. Việc sử dụng thuế quan hoặc các biện pháp trừng phạt có trọng điểm, nếu được áp dụng một cách chiến lược, có thể ảnh hưởng tới thị trường tiền tệ, nhất là nếu hành động đó nhằm tăng cường sức cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Mỹ. Những biện pháp như vậy có thể cải thiện sức mạnh cho các ngành công nghiệp trong nước, nhưng cũng có thể khiến các đối tác thuơng mại lớn của Mỹ tiến hành điều chỉnh, dẫn tới những biến động tạm thời về tỷ giá các đồng tiền và những dịch chuyển trên thị trường tài chính.

Những ngành như công nghệ, ô tô và nông nghiệp có thể trải qua một số biến động thị trường, phản ánh những thay đổi cần thiết để thích ứng với các chính sách thương mại mới và sự dịch chuyển chuỗi cung ứng. Đặc biệt, ngành công nghệ có thể chứng kiến những thay đổi về giá trị vốn hóa thị trường do sự giám sát gia tăng đối với các công ty công nghệ nước ngoài và việc cập nhật các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với các công nghệ tiên tiến, nhằm bảo về các ngành chủ chốt và duy trì thế đi đầu của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ.

Việc Mỹ chú trọng phát triển các ngành công nghiệp trong nước cũng có thể khuyến khích các quốc gia khác áp dụng chiến lược tương tự, có khả năng dẫn tới một xu hướng mà ở đó các hành vi thương mại được địa phương hóa nhiều hơn. Sự dịch chuyển này có thể đòi hỏi doanh nghiệp điều chỉnh để thích nghi với các mô hình thương mại mới, nhưng cũng mang tới cơ hội để gia tăng sức mạnh cho các doanh nghiệp trong nước và gia tăng sức chống chịu của nền kinh tế. Những thay đổi từ đó mà ra trong bức tranh thương mại toàn cầu có thể dẫn tới một môi trường đầu tư đa dạng và năng động hơn, mang tới cả thách thức và cơ hội mới cho doanh nghiệp và nhà đầu tư quốc tế.

CẦN THÍCH ỨNG VỚI BỐI CẢNH THƯƠNG MẠI MỚI 

Chính quyền Trump 2.0 được kỳ vọng sẽ đưa ra những thay đổi to lớn về chính sách thương mại, nhấn mạnh vấn đề chủ quyền kinh tế, các biện pháp thương mại có mục tiêu cụ thể và định hình lại các khuôn khổ hiện có. Sự mở rộng dự kiến của thuế quan, việc tập trung vào dịch chuyển sản xuất về nước và sự dịch chuyển khỏi các thỏa thuận đa phương truyền thống sẽ đòi hỏi doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách điều chỉnh một cách có chiến lược để thích nghi. Ứng phó với môi trường biến đổi này sẽ cần tới sự điều chỉnh chủ động để duy trì sức cạnh tranh và cải thiện khả năng chống chịu.

Đối với doanh nghiệp, đa dạng hóa chuỗi cung ứng và tăng đầu tư vào sản xuất trong nước có thể sẽ trở thành những chiến lược thiết yếu để quản lý các động lực thương mại mới và thích ứng với các ưu tiên chính sách dịch chuyển. Tăng cường các biện pháp tuân thủ cũng sẽ có vai trò rất quan trọng để ứng phó với những thay đổi về kiểm soát xuất khẩu, các biện pháp phi thuế quan và những cập nhật về quy chế giám sát trong những ngành như công nghệ và sản xuất tiên tiến.

Về phía các nhà hoạch định chính sách, có thể tranh thủ cơ hội để tăng cường các thỏa thuận thương mại khu vực, tạo ra một phương pháp tiếp cận mang tính bổ sung với các chiến lược thương mại đang biến đổi của Mỹ. Bằng cách thúc đẩy hội nhập kinh tế sâu hơn trong các khối, khu vực đáng tin cậy, các quốc gia có thể cải thiện sự vững vàng của nền kinh tế và giảm phụ thuộc vào bất kỳ đối tác thương mại riêng lẻ nào. Lối tiếp cận này cũng có thể mở đường cho các thỏa thuận mang tính sáng tạo, phù hợp với các nhu cầu cụ thể của khu vực, hỗ trợ tăng trưởng cân bằng và sự ổn định trong hệ thống thương mại toàn cầu.

Đứng trước những dịch chuyển tiềm tàng về địa chính trị, việc đặt trọng tâm trở lại vào đối thoại và các cơ chế giải quyết tranh chấp có thể giúp quản lý căng thẳng thương mại gia tăng. Các nỗ lực phối hợp quốc tế để giải quyết những vấn đề đang nổi lên, như thương mại số và các biện pháp thương mại liên quan đến khí hậu, có thể mở ra cơ hội mới cho hợp tác và lợi ích đôi bên, ngay cả trong một môi trường toàn cầu biến động.

Giai đoạn tiếp theo của chính sách thương mại Mỹ có thể sẽ định hình lại quan hệ quốc tế, dẫn tới tác động lâu dài đến các mô hình thương mại, chiến lược đầu tư và các mối quan hệ đối tác toàn cầu. Các thách thức đã được lường trước, nhưng đó cũng là cơ hội lớn để doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách sáng tạo, thích ứng và đạt tới một vị thế mạnh mẽ hơn trong bức tranh thương mại thay đổi, đóng góp vào một nền kinh tế toàn cầu vững vàng hơn và đa dạng hơn...

(*). Tác giả: Giáo sư Claudio Dordi, Đại học Bocconi, Milan, Italy.

     Người dịch: Kiều Oanh.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 48-2024 phát hành ngày 25/11/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam 

Ứng phó với chính sách thương mại Mỹ thời Tổng thống Trump: Những hàm ý đối với thương mại toàn cầu - Ảnh 1
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate