Báo cáo tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý 3/2022 và dự báo quý 4/2022 vừa được UOB phát hành cho thấy tăng trưởng GDP thực tế trong quý 3/2022 của Việt Nam đạt mức vượt trội (13,67%) nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của ngành sản xuất và dịch vụ kể từ khi Việt Nam mở cửa trở lại.
ẤN TƯỢNG NGÀNH DỊCH VỤ
Theo đó, tăng trưởng GDP quý 3/2022 của Việt Nam là mức tăng trưởng mạnh nhất ở khu vực châu Á, cao hơn so với mức tăng 13,5% của Ấn Độ.
Nhờ đó, tăng trưởng GDP 3 quý đầu năm của Việt Nam tăng 8,83% so với cùng kỳ và cao hơn đáng kể so với mức tăng 6,2% đạt được trong 2 quý đầu năm.
Trong đó, nhiều hoạt động được thúc đẩy như xây dựng (kết quả gộp 3 quý đã tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước và so với 3,7% trong quý 2/2022), sản xuất (10,7% và so với 9,7% trong quý 2) và dịch vụ (10,6% và so với 6,6 % trong quý 2).
“Sự phục hồi đặc biệt rõ rệt trong lĩnh vực dịch vụ, khi mảng dịch vụ lưu trú và ăn uống trong 3 quý đã tăng 41,7% so với cùng kỳ và so với mức 11,2% trong quý 2, trong khi phân khúc vui chơi/giải trí tăng 14,5% so với cùng kỳ từ mức 8% trong quý /2022 do các hạn chế được nới lỏng và khách nước ngoài quay trở lại”, UOB nhận định.
Trong nước, lĩnh vực bán lẻ được hưởng lợi đáng kể khi tiếp tục duy trì mức khả quan trong tháng thứ 8 liên tiếp và ghi nhận mức tăng cho đến quý 3/2022 là 15,8% so với cùng kỳ năm trước, kéo dài mức tăng 11,3% đạt được trong 6 tháng đầu năm 2022. Trong đó, chi tiêu liên quan đến du lịch đến hết quý 3/2022 đã tăng 294,9% so với cùng kỳ năm trước, từ mức 94,4% tính đến tháng 6.
Bên cạnh những điểm sáng nêu trên, UOB cho rằng nền kinh tế vẫn còn những chỉ báo vĩ mô cần được theo dõi sát sao. Đó là nhu cầu tiêu dùng chậm lại ở các nền kinh tế đã khiến xuất khẩu chỉ tăng 10,3% so với cùng kỳ, chậm đáng kể so với mức tăng 17,3% tính gộp từ đầu năm. Trong khi đó, giá trị xuất khẩu trong tháng 9/2022 đạt 29,9 tỷ USD, thấp hơn mức trung bình của năm 2022 là 31,3 tỷ USD. Tương tự đối với nhập khẩu, tháng 9/2022 chỉ đạt mức tăng 6,4% so với cùng kỳ, trong khi 9 tháng đầu năm tăng 13% so với cùng kỳ.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân dù vẫn khả quan nhưng vốn FDI cam kết hoặc đăng ký đang giảm so với trước. “Điều này cho thấy quy mô giải ngân vốn FDI trong tương lai sẽ ở mức thấp”, báo cáo nhận định.
Đáng lưu ý, áp lực gia tăng lạm phát trong nền kinh tế vẫn hiện hữu. CPI tăng 3,9% trong tháng 9/2022 từ mức 2,9% trong tháng 8, tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 3/2020.
LÃI SUẤT TÁI CẤP VỐN TĂNG TRONG 2 QUÝ TỚI
Với đà phục hồi mạnh mẽ của GDP trong quý 3/2022, UOB đã nâng dự báo tăng trưởng cả năm của Việt Nam lên 8,2%, cao hơn đáng kể so với mức 7% được ngân hàng này đưa ra trước đó.
“Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn là triển vọng năm 2023, khi chính sách thắt chặt tiền tệ gay gắt từ các ngân hàng trung ương dự kiến sẽ đè nặng lên Mỹ và châu Âu, hai thị trường xuất khẩu chính chiếm 41% thị phần xuất khẩu của Việt Nam”, UOB cảnh báo.
Dù chưa chắc chắn về mức độ và thời gian của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ diễn ra trong thời gian tới, UOB tin rằng kinh tế Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng nhất định khi nhu cầu từ các thị trường chính tiếp tục chậm lại. Theo đó, tăng trưởng GDP cả năm 2023 dự kiến đạt 6,6%.
Về chính sách tiền tệ, sau động thái bất ngờ thắt chặt lãi suất vào cuối giờ chiều ngày 22/9 của Ngân hàng Nhà nước, theo UOB, chu kỳ bình thường hóa chính sách của Việt Nam sau khi Fed tăng lãi suất cơ bản thêm 75 điểm cơ bản lần thứ ba liên tiếp dường như đã bắt đầu.
Trong bối cảnh đồng đô la Mỹ tiếp tục tăng giá, UOB dự báo VND sẽ mất giá thêm và tỷ giá USD/VND sẽ ở mức 24.000 VND/USD trong quý 4/2022, 24.100 VND/USD trong quý 1/2023 và 24.200 trong quý 2 và 24.300 trong quý 3/2023.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước có khả năng sẽ tăng lãi suất tái cấp vốn trong vòng 2 quý tới. Điều này sẽ đưa lãi suất tái cấp vốn lên 5,50% vào cuối năm 2022 và sau đó là 6,00% vào cuối quý 1/2023, bằng với mức được công bố ngay trước thời điểm Covid-19 được tuyên bố là đại dịch toàn cầu vào tháng 3 năm 2020.