April 15, 2025 | 13:38 GMT+7

Ước tính 33 tỷ USD hàng điện tử Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tạm thời được miễn thuế

Tuệ Lâm -

Theo ước tính từ VnEconomy, tổng giá trị xuất khẩu các mặt hàng điện tử Việt Nam thuộc danh sách được miễn thuế đạt khoảng gần 50 tỷ USD trong năm 2024.

Đồ họa: Tuệ Lâm.
Đồ họa: Tuệ Lâm.

Như VnEconomy đưa tin, ngày 11/4, Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ (CPB) thông báo sẽ miễn thuế đối ứng với các loại thiết bị điện tử tiêu dùng quan trọng như smartphone, laptop, ổ cứng, chip nhớ, chip IC…

Chính quyền Donald Trump quyết định miễn thuế đối ứng đối với các mặt hàng này với lý do bảo vệ người tiêu dùng Mỹ do nhiều sản phẩm điện tử như điện thoại thông minh, máy tính và màn hình là hàng hóa thiết yếu đối với người dân Mỹ; Giảm thiểu rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, do Mỹ phụ thuộc lớn vào nguồn nhập khẩu linh kiện, mặt hàng phụ trợ cho việc sản xuất sản phẩm điện tử; Công suất sản xuất nội địa tại Mỹ hạn chế, không đáp ứng đủ nhu cầu người dân.

Theo ước tính từ VnEconomy, tổng giá trị xuất khẩu các mặt hàng điện tử Việt Nam thuộc danh sách được miễn thuế đạt khoảng gần 50 tỷ USD trong năm 2024. Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ trị giá gần 55 tỷ USD với các mặt hàng gồm: Điện thoại linh kiện điện thoại; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; Máy móc thiết bị khác. 

Trong khi đó, theo thống kê từ KBSV, tổng giá trị xuất khẩu các mặt hàng điện tử từ Việt Nam thuộc danh sách được miễn thuế đạt khoảng 15,5 tỷ USD trong năm 2023, chiếm 16% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ. Con số này được tính toán dựa trên các mã HS 8 digit do CBP công bố. Số liệu được cập nhật đến 2023 do không có số liệu đầy đủ của năm 2024; Giá trị xuất khẩu các mặt hàng này có thể khác nhau nếu chỉ tính theo HS4digit. 

Đánh giá về việc miễn thuế đối ứng, theo KBSV giúp giảm bớt rủi ro cho ngành xuất khẩu thiết bị, linh kiện, đồ điện tử… của Việt Nam, (chủ yếu là doanh nghiệp FDI), giúp các doanh nghiệp này duy trì ổn định sản xuất và đầu tư. Tuy nhiên, đây chỉ là quyết định tạm thời, bởi chính quyền Trump cũng đã tuyên bố sẽ xem xét áp dụng một mức thuế mới sau khi hoàn tất quá trình điều tra và đánh giá trong thời gian tới.

Đồng quan điểm, Chứng khoán Rồng Việt cho rằng xu hướng chung của chính sách thuế quan vẫn được nhận định khá rõ ràng: các mức thuế cao hơn đáng kể so với giai đoạn trước sẽ tiếp tục được áp dụng, với mức tối thiểu là 10%. Các quốc gia châu Á như Việt Nam, Malaysia, Đài Loan, Thái Lan và Singapore có mức độ phụ thuộc lớn vào xuất khẩu, đặc biệt là tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ cao, sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ từ các động thái thuế quan của chính quyền Mỹ.

Theo đánh giá của Chứng khoán Rồng Việt, các công ty Khu công nghiệp – với khách hàng chính là các doanh nghiệp FDI – sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp (trong trung hạn), trong kịch bản thuế đối ứng được áp ở mức cao (trên 20%), đặc biệt là với những ngành hàng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam (điện thoại, máy móc, hàng dệt may,…).

Xu hướng chuyển dịch nhà máy sản xuất và chuỗi cung ứng đi kém (bắt đầu từ 2017 – giai đoạn thương chiến Mỹ Trung lần 01) sẽ có rủi ro bị trì hoãn; các doanh nghiệp FDI sẽ có xu hướng chờ đợi quyết định cuối cùng về chính sách thuế quan dự kiến trong nửa cuối 2025, trước khi có quyết định về việc chọn vị trí thuê đất để đặt nhà máy.

Chứng khoán Phú Hưng nhận định quyết định trì hoãn áp thuế đối với các đối tác thương mại khác của Trump mang tính chiến lược và là phép thử nhằm vào các quốc gia này: Gây áp lực để họ gia tăng nhập khẩu hàng hóa Mỹ trong vòng 90 ngày tới, thể hiện nỗ lực thực chất thay vì chỉ là cam kết trên giấy; Nhằm đạt được các thỏa thuận có lợi hơn cho Mỹ và có thể, để khiến họ quay lưng lại với Trung Quốc.

Đồng thời, PHS giảm nhiều kỳ vọng về việc đạt được một thỏa thuận với Mỹ. Đường lối ngoại giao của Việt Nam sẽ tiếp tục được duy trì nhất quán, và sự kiện này sẽ thúc đẩy Chính phủ Việt Nam thực hiện mạnh mẽ hơn các cải tiến về công nghệ, đầu tư công, và đa dạng hóa thêm thị trường, nhằm giảm sự phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào, tất nhiên điều này sẽ cần thời gian.

Vốn dĩ công thức tăng trưởng cho các quốc gia nhỏ như Việt Nam là đẩy mạnh xuất khẩu, tận dụng nguồn lực nội địa "giá rẻ" để tích lũy vốn và công nghệ; tuy nhiên, tiến trình này có lẽ cần được điều chỉnh. Mặc dù các doanh nghiệp FDI sẽ không rời bỏ Việt Nam ngay lập tức, nhưng khả năng thu hút thêm sẽ trở nên khó khăn hơn.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate