Cử tri tỉnh Thái Nguyên vừa đề nghị Bộ Giao thông vận tải cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3C, đoạn Km0-Km14, từ Km31 Quốc lộ 3 đến ngã 3 Quán Vuông, xã Trung Hội, huyện Định Hóa.
Đồng thời, bố trí nguồn vốn dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2 (đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn) theo đúng tiến độ, góp phần kết nối các khu di tích quốc gia đặc biệt, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và xây dựng nông thôn mới.
KHÓ KHĂN CÂN ĐỐI VỐN NÂNG CẤP QUỐC LỘ 3C
Trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Thái Nguyên, Bộ Giao thông vận tải cho biết về cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3C, đoạn Km0 - Km14, từ Km31 Quốc lộ 3 đến ngã 3 Quán Vuông, xã Trung Hội, huyện Định Hóa, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó, Quốc lộ 3C qua tỉnh Thái Nguyên có chiều dài khoảng 35km, quy mô cấp IV, 02 làn xe.
Bộ Giao thông vận tải thống nhất với kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Nguyên về nhu cầu đầu tư, nâng cấp Quốc lộ 3C, đoạn qua xã Trung Hội, huyện Định Hóa nhằm phát huy hiệu quả tuyến đường, tạo điều kiện thuận lợi về giao thông cho nhân dân trong vùng, góp phần giải quyết vấn đề lưu thông hàng hóa và hành khách, đảm bảo quốc phòng an ninh trong khu vực.
Tuy nhiên, "do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Giao thông vận tải được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 rất hạn hẹp, tập trung chủ yếu cho các dự án động lực quan trọng, cấp bách theo các nguyên tắc, tiêu chí của Quốc hội, Chính phủ nên chưa thể cân đối bố trí cho tuyến Quốc lộ 3C", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ khó khăn.
Bên cạnh đó, sau khi điều chỉnh giảm phân bổ lại cho địa phương thực hiện các tuyến đường Vành đai 4 Hà Nội, đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh và 3 dự án quan trọng quốc gia gồm: cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, kế hoạch đầu tư công trung hạn thực tế của Bộ Giao thông vận tải còn lại là 287.011 tỷ đồng, tương ứng giảm trên 17.000 tỷ đồng.
Bộ Giao thông vận tải ghi nhận kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Nguyên và sẽ nghiên cứu, ưu tiên đầu tư dự án vào thời điểm thích hợp khi cân đối được nguồn vốn.
Trước mắt, Bộ Giao thông vận tải giao Cục Đường bộ Việt Nam tăng cường công tác duy tu, sửa chữa để đảm bảo điều kiện lưu thông an toàn, thuận lợi cho người và phương tiện tham gia giao thông.
BỐ TRÍ 700 TỶ ĐỒNG ĐỂ ĐẦU TƯ ĐOẠN ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH
Mặc dù nguồn lực còn hạn chế, tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải nêu rõ đối với kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 cũng nỗ lực cân đối khoảng 700 tỷ đồng để hoàn thành một dự án đang đầu tư là đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với tỉnh Thái Nguyên nói riêng và ngành giao thông vận tải nói chung.
Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai công tác lập dự án đầu tư, dự kiến khởi công dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2, đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn vào quý 4/2023, hoàn thành năm 2025.
Về bố trí nguồn vốn dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2, đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn, Bộ Giao thông vận tải cho biết dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 528/QĐ-BGTVT ngày 5/5/2023.
Theo quyết định phê duyệt, điểm đầu dự án tại Chợ Chu (điểm cuối đoạn Chợ Mới - Chợ Chu), huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên; còn điểm cuối dự án tại Ngã ba Trung Sơn (giao cắt với Quốc lộ 2C), huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.
Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 28,6km.
Dự án được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp III miền núi, tốc độ thiết kế 60km/h. Riêng đoạn tuyến đi qua trung tâm xã Trung Sơn, chiều dài khoảng 500m có quy mô theo tiêu chuẩn đường đô thị.
Bề rộng nền đường của dự án 9m, bề rộng mặt đường 6m, bề rộng lề gia cố 2m. Riêng đoạn tuyến đi qua trung tâm xã Trung Sơn, nền đường 14m, bề rộng mặt đường 10m…
Dự án thuộc nhóm B, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 1.665 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, dự kiến hoàn thành năm 2025. Chủ đầu tư giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi là Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh.
Về nguồn vốn bố trí cho dự án, thực hiện Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội, Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí kế hoạch vốn cho dự án để sớm triển khai dự án theo quy định.