July 02, 2023 | 09:00 GMT+7

Dù giải ngân kỷ lục, nhiều dự án giao thông vẫn ì ạch

Anh Tú -

Dù giải ngân kỷ lục gần 36.000 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ, nhưng nhiều dự án giao thông giải ngân chậm so với kế hoạch các chủ đầu tư đăng ký. Theo ghi nhận, hai “nút thắt” lớn tiếp tục gây hụt kế hoạch giải ngân...

Trong 6 tháng cuối năm, số vốn còn phải giải ngân rất lớn, khoảng 59.000 tỷ, trong khi hầu hết các dự án trọng điểm đều mới khởi công, giá trị sản lượng không cao.
Trong 6 tháng cuối năm, số vốn còn phải giải ngân rất lớn, khoảng 59.000 tỷ, trong khi hầu hết các dự án trọng điểm đều mới khởi công, giá trị sản lượng không cao.

Thông tin tại cuộc họp do Bộ Giao thông vận tải tổ chức nhằm rà soát, đánh giá tình hình triển khai thực hiện và tiến độ giải ngân các dự án giao thông, lãnh đạo Vụ Kế hoạch đầu tư cho biết tính đến ngày 30/6, Bộ Giao thông vận tải ước giải ngân khoảng 35.627 tỷ đồng trong tổng số 95.222 tỷ đồng được Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 37,4% kế hoạch năm.

So với cùng kỳ năm 2022, kết quả giải ngân cao hơn cả về giá trị và tỷ lệ hoàn thành, tương ứng gấp hơn 2 lần giá trị và cao hơn 7% về tỷ lệ. Cũng trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân của Bộ Giao thông vận tải cao hơn mức trung bình của cả nước nhưng vẫn chậm so với kế hoạch các chủ đầu tư đăng ký đầu năm. 

CUỐI NĂM, ÁP LỰC PHẢI "TIÊU" 59.000 TỶ ĐỒNG

Theo lãnh đạo Vụ Kế hoạch đầu tư, giá trị giải ngân 6 tháng đầu năm tập trung vào các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 có kế hoạch hoàn thành trong năm 2023 và thực hiện tạm ứng hợp đồng của các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2. 

Cụ thể, các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 giải ngân 7.017/17.157 tỷ đồng, đạt 40,9% kế hoạch năm, đáp ứng kế hoạch giải ngân các chủ đầu tư đăng ký (7.017/6.828 tỷ đồng, đạt 103%).

Tuy nhiên, vẫn có một số dự án giải ngân chậm so với kế hoạch đăng ký như: đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn do Ban quản lý dự án 2 thực hiện, đạt 50%; Cam Lộ - La Sơn của Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đạt 62%; Nghi Sơn - Diễn Châu của Ban quản lý dự án 6 đạt 75%.

Các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 giải ngân 17.448/45.474 tỷ đồng, đạt 38,4% kế hoạch năm; chậm so với kế hoạch các chủ đầu tư đăng ký (17.448/21.172 tỷ đồng, đạt 82%). Một số dự án giải ngân chậm so với kế hoạch đăng ký như: hai dự án của Ban quản lý dự án Thăng Long (đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi đạt 69%, đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng đạt 59%); đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn của Ban quản lý dự án 2 đạt 66%; đoạn Bùng - Vạn Ninh của Ban quản lý dự án 6 đạt 69%.

Bên cạnh tình trạng chậm triển khai ở một số dự án, nhiều công trình đang có tiến độ giải ngân tốt trong 6 tháng đầu năm 2023, như các cao tốc: Vũng Áng - Bùng (đạt 115%), Vạn Ninh - Cam Lộ (đạt 102%), nhiều dự án đạt khối lượng giải ngân hơn 90% so với kế hoạch đăng ký...

 

“Trong 6 tháng cuối năm, số vốn còn lại cần giải ngân là rất lớn, khoảng 59.000 tỷ đồng, trong khi hầu hết các dự án cao tốc đều mới khởi công xây dựng, giá trị sản lượng không cao. Để giải ngân tối đa nguồn vốn còn lại, cần sự nỗ lực, quyết tâm, đổi mới trong triển khai thực hiện của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án”, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư nhấn mạnh.

Theo kế hoạch các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đăng ký quý 3 ước giải ngân khoảng 21.281 tỷ đồng. Trong đó, ước giải ngân tháng 7 khoảng 6.815 tỷ đồng với 4 ban quản lý dự án đăng ký kế hoạch giải ngân lớn, cần tập trung chỉ đạo thực hiện gồm các Ban Quản lý dự án: 85, 2, 7, Thăng Long.

Đối với tình hình thực hiện cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, có 4 dự án thành phần mới thông xe đưa vào khai thác quý 2/2023, các chủ đầu tư, nhà thầu và các đơn vị liên quan đang tập trung thi công dứt điểm các hạng mục còn lại, phấn đấu hoàn thành dự án thành phần theo kế hoạch.

Đáng chú ý, 3 dự án thành phần hoàn thành năm 2023 có sản lượng đạt từ 75,67 - 82,4%; 2 dự án thành phần hoàn thành năm 2024 có sản lượng đạt 42,15% và 59,21%.

Đối với các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025, hiện các địa phương bàn giao mặt bằng khoảng 607,86/721,2km, đạt 84,3% và đang tiếp tục thực hiện phần khối lượng còn lại. Diện tích mặt bằng có thể thi công được khoảng 523,17/721,2 km, đạt 72,5%.

Thời gian qua, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải làm việc trực tiếp với các tỉnh và ban hành công điện gửi các địa phương đôn đốc tiến độ giải phóng mặt bằng của các tỉnh triển khai chậm, sớm bàn giao phần mặt bằng còn lại cho dự án.

HAI "NÚT THẮT" GÂY HỤT KẾ HOẠCH GIẢI NGÂN

Tại cuộc họp, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan, ban quản lý dự án, sở giao thông vận tải một số địa phương tập trung báo cáo tình hình thực hiện các dự án, công tác giải ngân, đánh giá nguyên nhân kết quả giải ngân chưa đáp ứng kế hoạch đặt ra; đồng thời, đề xuất các giải pháp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng các dự án.

Theo ghi nhận, hiện nút thắt cản trở tiến độ thi công và giải ngân vốn tại dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, một trong những mũi giải ngân chủ lực của Bộ Giao thông vận tải, đó là giải phóng mặt bằng và vật liệu xây dựng.

Vì vậy, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đề nghị các chủ đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 cần tăng cường phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để phục vụ thi công, đặc biệt tại các vị trí đường công vụ, đường tiếp cận, các công trình cầu lớn, hầm, các vị trí xử lý nền đất yếu, các vị trí có khối lượng đào lớn cần điều phối sang đắp...

Trong đó, đặc biệt lưu ý dư địa để giải ngân cho công tác giải phóng mặt bằng còn rất lớn khi đến nay mới giải ngân được 5.154/14.865 tỷ đồng, khoảng 30% giá trị.

Nêu rõ vướng mắc về giải phóng mặt bằng, theo ông Đinh Công Minh, Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long, 2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng bị hụt kế hoạch giải ngân trong tháng 6/2023 là do trong quá trình giải phóng mặt bằng, công tác đền bù, hỗ trợ tái định cư các khu vực đất thổ cư, công tác di dời hạ tầng kỹ thuật gặp khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.

Bên cạnh đó, theo rà soát của Cục Quản lý đầu tư xây dựng, tiến độ thi công các dự án giao thông hiện nay bị ảnh hưởng không nhỏ bởi sự thiếu hụt nguồn vật liệu, nhất là các dự án cao tốc giai đoạn 2.

Đến cuối tháng 6/2023, các nhà thầu hoàn thiện hồ sơ và trình sở tài nguyên và môi trường các địa phương 58/87 mỏ đất, 11/25 mỏ cát; các địa phương cơ bản xác nhận khối lượng khai thác 18/58 mỏ đất, 2/11 mỏ cát...

NỖ LỰC ĐẠT MỤC TIÊU GIẢI NGÂN TỐI THIỂU 95%

Chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh năm 2023, Bộ đã được Thủ tướng Chính phủ giao 95.222 tỷ đồng vốn đầu tư công. Để đạt mục tiêu tỷ lệ giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch được giao theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tập trung nỗ lực chỉ đạo với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao nhất để triển khai nhiệm vụ này...

 Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 27-2023 phát hành ngày 03-07-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Dù giải ngân kỷ lục, nhiều dự án giao thông vẫn ì ạch - Ảnh 1
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate