July 29, 2024 | 10:29 GMT+7

Ưu tiên thị trường có thu nhập cao khi đưa lao động sang nước ngoài làm việc

Phúc Minh -

Để đẩy mạnh hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến, mở rộng thị trường mới tiếp nhận lao động Việt Nam, trong đó ưu tiên các thị trường có điều kiện làm việc tốt, an toàn và có mức thu nhập cao...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhấn mạnh tại Kế hoạch hành động vừa ban hành về thực hiện Nghị quyết số 225/NQ-CP của Chính phủ, triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 12/12/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới.

RÀ SOÁT, ĐIỀU CHỈNH CHÍNH SÁCH CÓ LỢI CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Theo đó, để triển khai Chỉ thị của Ban Bí thư và Kế hoạch thực hiện của Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết sẽ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.

Trọng tâm là rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới.

Cụ thể, rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đảm bảo bao quát các nhóm đối tượng.

Thường xuyên cập nhật thông tin về quy định, xu hướng di cư lao động quốc tế để xem xét, đề xuất điều chỉnh pháp luật trong nước tương ứng, theo hướng tăng cường quyền lợi cho người lao động Việt Nam.

Đồng thời, Bộ cũng sẽ nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến, mở rộng thị trường mới tiếp nhận lao động Việt Nam, trong đó ưu tiên các thị trường có điều kiện làm việc tốt, an toàn và có mức thu nhập cao. Có hoạt động quảng bá, giới thiệu về tiềm năng hợp tác lao động giữa Việt Nam và các quốc gia/vùng lãnh thổ thiếu hụt nguồn nhân lực.

Cùng với đó, hoàn thiện chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng nghề, ngoại ngữ đối với người lao động, ưu tiên nhóm đối tượng là quân nhân xuất ngũ, người dân tộc thiểu số, hộ nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Phát triển và chuẩn hóa các bộ tiêu chuẩn trong giáo dục nghề nghiệp tiếp cận chuẩn của các nước phát triển trong khu vực ASEAN và thế giới; chủ động đàm phán với bên nước ngoài trong việc công nhận bằng cấp, trình độ kỹ năng nghề và kinh nghiệm làm việc của người lao động Việt Nam.

Bộ cũng sẽ nghiên cứu có giải pháp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người lao động, ngăn ngừa, hạn chế tình trạng người lao động vi phạm pháp luật, cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài; tăng cường cơ chế phối hợp thông tin kịp thời, hiệu quả về các vấn đề phát sinh của người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, có chính sách, cơ chế hỗ trợ người lao động sau khi đi làm việc ở nước ngoài về nước tìm kiếm việc làm phù hợp. Qua đó, nhằm phát huy hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao sau khi về nước.

Chú trọng đến việc ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả kết nối, tìm kiếm việc làm, rút ngắn thời gian chuyển tiếp việc làm, nhằm tối ưu chi phí cơ hội cho người lao động.

XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC ĐƯA LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI 

Nhóm giải pháp quan trọng nữa là nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới.

Người lao động tìm kiếm việc làm. Ảnh: N.Dương.
Người lao động tìm kiếm việc làm. Ảnh: N.Dương.

Theo đó, Bộ sẽ nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành Chiến lược đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Tăng cường đàm phán, ký kết, hoặc trình cấp có thẩm quyền ký kết thỏa thuận quốc tế về lao động với các quốc gia, vùng lãnh thổ, nhằm tạo khung pháp lý thuận lợi cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, hướng đến cắt giảm các khoản chi phí mà người lao động phải chi trả.

Bên cạnh đó, đổi mới nội dung và cách thức tổ chức giáo dục định hướng cho người lao động Việt Nam trước khi đi làm việc ở nước ngoài, theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin; duy trì kết nối và cập nhật kiến thức cho người lao động trong suốt quá trình người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài thông qua ứng dụng điện tử, trang thông tin hoặc mạng xã hội.

Giải pháp nữa là nâng cao chất lượng dự báo trung và dài hạn về tình hình thị trường lao động trong nước, ngoài nước. Cân đối nguồn lực lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, và nguồn lực lao động cần thiết phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong nước.

Nghiên cứu chính sách hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong một số ngành nghề, mà Việt Nam định hướng phát triển, nhằm đào tạo và chuẩn bị nguồn nhân lực chiến lược.

Công tác chuyển đổi số trong quản lý nhà nước về công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tiếp tục được chú trọng; trọng tâm là xây dựng, vận hành, hoàn thiện Hệ thống cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phục vụ quản lý đối tượng, phân tích, dự báo đánh giá tác động và khuyến nghị chính sách.

Kết nối chia sẻ dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương theo quy định.

Hơn hết, cần thông tin công khai, minh bạch về thị trường lao động nước ngoài; thủ tục, điều kiện và các khoản phí để người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; cung cấp dữ liệu mở về công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo quy định.

Ngoài ra, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Đồng thời, đổi mới cơ chế tiếp nhận và xử lý thông tin, phản ánh của người lao động, doanh nghiệp và nhân dân theo hướng nhanh chóng, thuận lợi và kịp thời.

 

Theo báo cáo thực hiện công tác 6 tháng đầu năm 2024 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nửa đầu năm nay, các giải pháp ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước được đẩy mạnh; công tác tuyển chọn, đào tạo và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được quản lý chặt chẽ hơn.

Tổng số lao động Việt Nam đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài là 78.640 lao động, đạt 62,91% kế hoạch; trong đó có 23.845 lao động nữ.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate