Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước (CMSC) mới đây đã có văn bản báo cáo Chính phủ về đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) triển khai đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên.
KHÔNG HIỆU QUẢ VỀ MẶT TÀI CHÍNH
Tại văn bản này, CMSC khẳng định: ACV đã rà soát tính toán điều chỉnh quy mô đầu tư dự án. Về hiệu quả tài chính, tỷ lệ hoàn vốn nội bộ IRR (tỉ lệ lợi nhuận được sử dụng trong lập ngân sách vốn để đo lường và so sánh các lợi nhuận đầu tư) chỉ đạt 3,07%, giá trị hiện tại ròng đạt (-) 1.250 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn 50 năm. Do đó, dự án không có hiệu quả về mặt tài chính, không phù hợp với quy định của Luật số 69/2014/QH13 về việc đầu tư bảo đảm bảo toàn và phát triển vốn.
CMSC cho rằng, nếu việc tính toán hiệu quả tài chính của dự án trên cơ sở chỉ có các nguồn thu từ khu hàng không dân dụng trong khi ACV phải bỏ vốn đầu tư cả khu bay sẽ không đúng bản chất và không phù hợp.
Bên cạnh đó, Cảng hàng không Điện Biên theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải và ACV đều không có khả năng hoàn vốn trong 50 năm tới, không phải là cảng hàng không trung chuyển chính, không phải cảng hàng không có tiềm năng du lịch, đến nay khai thác chưa hết công suất, nhưng cũng chưa có chủ trương đóng cửa như ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải.
Theo CMSC, việc đầu tư dự án vì mục tiêu an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế địa phương có thể xem xét. Tuy nhiên phải đặt trong tổng thể khả năng cân đối nguồn lực của ACV và thứ tự ưu tiên đầu tư giữa các cảng hàng không để bảo đảm lợi ích cao nhất cho Nhà nước và doanh nghiệp, không yêu cầu doanh nghiệp đầu tư các dự án không thu được lợi nhuận vào thời điểm cần tập trung nguồn lực đầu tư các dự án trọng điểm, làm tăng chi phí vốn đầu tư, gây khó khăn trong việc cân đối vốn, giảm lợi nhuận của doanh nghiệp và nguồn thu ngân sách nhà nước.
Theo báo cáo của ACV, tổng nhu cầu vốn đầu tư các dự án do ACV phụ trách giai đoạn 2020 - 2025 là hơn 136.500 tỷ đồng, bao gồm 21 cảng hiện hữu hơn 43.400 tỷ đồng, Dự án sân bay Long Thành gần 94.000 tỷ đồng. Tổng số tiền mặt ACV hiện có tính đến ngày 31/12/2019 là 31.184 tỷ đồng.
Trong khi đó, dự kiến nguồn tiền tích lũy trong giai đoạn 2020 - 2025 giảm sút rất mạnh so với các dự báo trước đây do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và dự báo lợi nhuận đến năm 2025 vẫn thấp hơn mức năm 2019.
Bên cạnh đó, thời gian tới, ACV áp dụng các chính sách mới tương tự như doanh nghiệp nhà nước thì nguồn tiền tích lũy của ACV sẽ giảm sút rất mạnh, trong khi ACV cần tập trung nguồn lực để thực hiện các dự án trọng điểm như: Dự án Xây dựng nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Dự án Mở rộng nhà ga hành khách T2 Cảng hàng không Nội Bài và Dự án Cảng hàng không Long Thành.
CMSC nhấn mạnh: “Tại thời điểm hiện nay, quyết định đầu tư mới ngay Cảng hàng không Điện Biên hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025 là không phù hợp khả năng cân đối vốn nguồn vốn của ACV”.
BỘ TÀI CHÍNH VÀ BỘ GIAO THÔNG ỦNG HỘ
Hiện tại, Điện Biên là sân bay nội địa cấp 3C, gồm một đường băng dài 1.830 m được đưa vào sử dụng từ năm 1994, chỉ đón được máy bay ATR72.
Năm 2019, ACV từng đề xuất xây mới sân bay này với tổng mức đầu tư khoảng 3.280 tỷ đồng chưa kể giải phóng mặt bằng, trong đó công trình khu bay dự kiến 1.400 tỷ đồng; khu hàng không dân dụng 1.700 tỷ đồng, điều hành bay 155 tỷ đồng. ACV dự kiến xây nhà ga mới có công suất phục 2 triệu khách mỗi năm.
Tuy nhiên, trong lần điều chỉnh tháng 8/2020, ACV cho rằng không cần xây mới, mà chỉ đầu tư mở rộng với tổng mức đầu tư 1.539 tỷ đồng chưa gồm chi phí giải phóng mặt bằng.
Theo đó, ACV sẽ xây mới đường cất hạ cánh (CHC) tại đây với kích thước 2400 x 45 m, sân quay 2 đầu, kết cấu bê tông xi măng, bảo đảm khai thác máy bay A320/A321 hoặc tương đương. Sân đỗ máy bay sẽ được xây dựng đảm bảo 1 vị trí đỗ ATR72 và 2 vị trí đổ A320/A321. Tại khu hàng không dân dụng, trước mắt chỉ cải tạo, mở rộng, tận dụng nhà ga hiện hữu mà chưa xây mới.
Đề xuất này của ACV được Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính ủng hộ. Bộ Giao thông Vận tải nhận định dự án phù hợp với quy hoạch cảng hàng không Việt Nam đến 2025, được tỉnh Điện Biên mong muốn đề xuất để kéo dần khoảng cách giữa Điện Biên với các vùng trên cả nước, thay cho phương án sân bay hiện có đã được đầu tư từ ...1940 đến nay.
Còn Bộ Tài chính cho rằng dự án nâng cấp nhà ga hiện có từ công suất 300 ngàn lượt khách/năm lên 500 ngàn lượt khách/năm, cải tạo sân đỗ để đón các tàu A320/A321 và ATR 72 (như hiện nay) với tổng mức đầu tư phù hợp. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng lưu ý ACV cần rà soát để đảm bảo dòng tiền đầu tư trong 5 năm (2021-2025), nhằm cân đối các nhiệm vụ.
DÒNG TIỀN TÍCH LUỸ ACV GIẢM MẠNH
Về tình hình kinh doanh của ACV, tại cuộc họp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, lãnh đạo ACV cho biết dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của đơn vị.
Sản lượng vận chuyển hành khách qua các cảng hàng không giảm 51 triệu khách, giảm 44% so với dự kiến đầu năm trước khi có dịch. Tổng doanh thu giảm 11.356 tỷ đồng, tương ứng giảm 53%; trong đó doanh thu từ dịch vụ hàng không giảm đến 11.669 tỷ đồng, tương ứng giảm 60%. Tổng lợi nhuận trước thuế cũng giảm đến 9.497 tỷ đồng tương ứng giảm đến 80% so với dự kiến đầu năm trước khi có dịch.
Dự kiến năm 2020, ACV đạt 10.070 tỷ đồng doanh thu và 2.374 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Lãnh đạo ACV dự kiến thời gian phục hồi phải mất từ 3 đến 5 năm và đưa ra dự phóng tác động đến kế hoạch kinh doanh và dòng tiền giai đoạn 2021 – 2025. Cụ thể, tổng hành khách đạt 597 triệu lượt, giảm 24% so với dự kiến không có dịch Covid-19; tổng doanh thu đạt 111.000 tỷ đồng, giảm hơn 20%; tổng lợi nhuận đạt 62.000 tỷ đồng, giảm hơn 28%.
Về dòng tiền tích lũy hàng năm để đầu tư đến năm 2025, ACV dự kiến giảm 24.761 tỷ đồng so với ước tính khi không có dịch Covid-19 là phương án trước khi có dịch Covid-19 sau khi chi trả cổ tức hàng năm bằng tiền mặt 9% mệnh giá.