Để ngăn chặn sự tấn công của đại dịch Covid-19, Bộ Y tế đã thông báo kế hoạch nhập về 120 triệu liều vaccine trong năm 2021 để tiêm cho khoảng 75% dân số. Tuy vậy, tính đến ngày 8/9/2021, Việt Nam mới tiếp nhận khoảng 32,8 triệu liều vaccine các loại từ những hợp đồng trước đó, cũng như vaccine được viện trợ, tặng trong chiến dịch ngoại giao vaccine.
Trong đó cơ bản là vaccine của AstraZeneca với trên 17,2 triệu liều, số còn lại là vaccine Moderna, Pfizer, Sinopharm và 12.000 liều vaccine Sputnik V. Với nhu cầu cấp thiết tiêm vaccine như hiện nay, trên cơ sở nguồn cung khan hiếm thì việc mở thêm kênh tiêm dịch vụ liệu có khả thi?
CẦN ĐỀ PHÒNG "BÀN TAY VÔ HÌNH"
Đợt dịch thứ tư bùng phát từ ngày 27/4/2021, Việt Nam đã xác định ngay phải đẩy nhanh chiến lược tiêm vaccine cho toàn dân. Trước đó, ngày 26/2/2021 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 21/CP về mua và sử dụng vaccine phòng Covid-19 với những quy định rất rõ ràng từ việc mua, sản xuất vaccine đến việc tổ chức tiêm cho mọi đối tượng hoàn toàn miễn phí.
Ngày 10/7/2021 Thủ tướng Chính phủ đã khởi động chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 trên toàn quốc theo nguyên tắc bình đẳng, công bằng, công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng đối tượng, kịp thời, an toàn.
Tính đến ngày 9/9/2021, theo số liệu từ Bộ Y tế, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 24.781.185 liều, trong đó tiêm một mũi là 20.591.403 liều, tiêm mũi hai là 4.189.782 liều. Như vậy, đã có khoảng trên 27% người dân Việt Nam đã được tiêm vaccine Covid-19.
Con số nhập vaccine về theo kế hoạch của Bộ Y tế không như kỳ vọng, đã phản ánh rất rõ tình trạng khan hiếm vaccine trên thế giới. Hiện Chính phủ đang tăng cường đàm phán cũng như đẩy mạnh chiến lược ngoại giao vaccine, ủng hộ mọi tổ chức, doanh nghiệp làm tăng nguồn cung vaccine về cho người dân với kỳ vọng tiêm đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021, đầu năm 2022.
Trong khi Bộ Y tế tổ chức chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 thì có một số ý kiến đã đề xuất cho triển khai tiêm dịch vụ vaccine Covid-19 hay xã hội hóa tiêm vaccine Covid-19. Cơ sở của đề xuất này xuất phát từ nhu cầu cấp bách tiêm vaccine chống dịch hiện nay của một bộ phận người dân, người lao động khi họ cần vaccine để tiêm chủng. Việc này không chỉ góp phần bảo vệ sức khỏe người lao động mà còn ngăn sự đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, bớt gánh nặng tiêm vaccine cho Nhà nước.
Bàn về đề xuất này, một số chuyên gia y tế cho rằng, tiêm dịch vụ lúc này là chưa phù hợp bởi sợ tác động tiêu cực của "bàn tay vô hình" vào quy luật cung cầu của thị trường tiêm vaccine dựa trên các điểm sau đây:
Thứ nhất, hiện chúng ta đang cần nhiều vaccine phòng Covid-19, nhưng nguồn cung vaccine lúc này đang rất khan hiếm. Việc tiếp cận nguồn vaccine hầu hết phải phụ thuộc vào tiến độ cung ứng của nhà sản xuất.
Trong khi đó, nhu cầu cần vaccine trên thế giới cũng rất lớn, nên việc giành giật vaccine hoặc lừa đảo bán vaccine kém chất lượng (có thể vaccine gần hết hạn) có thể diễn ra gây khó khăn cho việc kiểm soát. Rất khó ai có thể đảm bảo trong điều kiện nguồn cung vaccine như vậy thì giá cả vẫn được định đoạt bởi quy luật cung cầu mà không hình thành một thị trường “chợ đen” hút nguồn cung vào đó theo sắp đặt của "bàn tay vô hình".
Thứ hai, về chính sách tiêm chủng phòng Covid-19 cần phải được triển khai rộng khắp, bao phủ vaccine cho người dân để có thể đạt được miễn dịch cộng đồng nhanh nhất. Nhưng phải hướng tới công bằng vaccine cho người dân, miễn phí tiêm cho mọi người dân như chính sách đã đề ra.
Bộ Y tế đề nghị các đơn vị được phân công tiêm chủng cần tổ chức tiêm theo đúng Nghị quyết 21 của Chính phủ là không thu tiền, không nhận "bồi dưỡng" từ các tổ chức, đơn vị, cá nhân đến tiêm.
Thứ ba, nếu mở dịch vụ tiêm vaccine trong tình hình dịch đang diễn biến phức tạp, vaccine khan hiếm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chiến lược tiêm vaccine của chúng ta. Chiến lược tiêm vaccine sẽ đạt hiệu quả cao khi chúng ta biết cách tổ chức tiêm sao cho số lượng vaccine phù hợp với diễn biến của dịch tại các “vùng cam, vùng xanh, vùng đỏ”, cũng như cho người lao động ở một số doanh nghiệp, khu công nghiệp trong một vùng nguy cơ.
Tuy khẳng định như vậy nhưng ông Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng ghi nhận: "Để tăng nhanh nguồn cung, đa dạng hóa nguồn vaccine, đa nguồn lực và đỡ cho ngân sách Quốc gia, chúng tôi tin rằng chủ trương tiêm dịch vụ cũng hợp lý và Bộ Y tế sẽ đề xuất xem xét ở một thời điểm phù hợp”.
THỜI ĐIỂM NÀO MỞ TIÊM DỊCH VỤ VACCINE?
Mới đây, trong Công điện số 1102/TTg ngày 23/8/2021 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định: “Không tổ chức tiêm dịch vụ có thu tiền. Thông tin đến người dân tinh thần vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất”.
Hơn nữa, khái niệm xã hội hóa việc mua vaccine của Chính phủ và tiêm dịch vụ vaccine về bản chất là không thể đồng nhất với nhau. Ở đây, cần nhấn mạnh một điều về chính sách, đó là tìm mọi cách để có nhiều vaccine để tiêm.
Trong đó, Chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nhập khẩu vaccine nhưng phải bảo đảm vaccine thuộc danh mục Bộ Y tế cấp phép và rõ nguồn gốc xuất xứ. Bộ Y tế quản lý việc cấp phép, kiểm tra chất lượng, bảo quản vaccine; tổ chức tiêm miễn phí cho nhân dân.
Chính sách đã rất rõ ràng, nhưng mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai lại có Văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, tạo điều kiện hỗ trợ Công ty Donacoop nhập khẩu vaccine phòng Covid-19 của Hãng Pfizer.
Trên thực tế, dù Bộ Y tế đã hỗ trợ nhưng vẫn chưa thấy Donacoop đưa 15 triệu liều vaccine về nước trong khi Pfizer Việt Nam khẳng định quan điểm nhất quán của Hãng là chỉ làm việc và cung cấp vaccine thông qua Chính phủ và COVAX. Từ đây có thể đặt câu hỏi, việc mở tiêm dịch vụ có thể đồng nhất với việc tìm nguồn vaccine về cho Việt Nam hay không? Và tiêm dịch vụ vaccine mở vào thời điểm nào là thích hợp?
Thật khó bác bỏ quan điểm bảo vệ cho việc không mở tiêm dịch vụ lúc này. Tuy nhiên xét về quan điểm thị trường, khi nhu cầu của một bộ phận người dân cần được tiêm nhanh, được quyền lựa chọn loại vaccine để tiêm, được chăm sóc y tế theo yêu cầu của mình, nhưng dịch vụ công chưa thỏa mãn, điều này là không sai.
Chưa kể, một số doanh nghiệp lớn, có tiềm lực, muốn được tiêm cho người lao động của mình, tiêm vaccine loại họ muốn một cách sớm nhất. Thậm chí, có doanh nghiệp hoặc cá nhân có thể có nhu cầu mua cả gói dịch vụ bao gồm: cả tiêm vaccine và chăm sóc y tế thời đại dịch của một đơn vị y tế có năng lực cung cấp.
Chính trong thời điểm khan hiếm nguồn cung vaccine càng bộc lộ rõ mặt trái của "bàn tay vô hình" vào thị trường dịch vụ tiêm. “Bàn tay vô hình” vừa có mặt phải và có mặt trái. Việc dùng “bàn tay hữu hình” để hạn chế mặt trái của tiêm dịch vụ vaccine chính là giúp chúng ta mở thêm dịch vụ tiêm vaccine Covid-19, nhưng nếu không tổ chức tốt thì vẫn có thể phát sinh tiêu cực.
Mới đây, Công an TP. Hồ Chí Minh đã triệt phá đường dây tiêm vaccine Covid-19 dịch vụ 2- 4 triệu đồng/liều, cho thấy, nhu cầu tiêm dịch vụ cũng như những tác hại của nó, nếu mở tiêm dịch vụ khi nguồn cung vaccine khan hiếm.
Hiện Chính phủ đang thúc đẩy mạnh mẽ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine trong nước. Khi chúng ta làm chủ được nguồn vaccine với sự có mặt của các vaccine sản xuất trong nước, chắc hẳn đó là cơ hội để dịch vụ tiêm vaccine Covid-19 xuất hiện, giúp cho một bộ phận người dân muốn tiếp cận với các loại vaccine họ muốn. Một gợi ý có thể tham khảo từ Singapore, từ ngày 30/8/2021 một số bệnh viện, phòng khám được phép nhận đặt lịch tiêm dịch vụ vaccine Vero Cell của Sinopharm, chỉ cho loại vaccine này thôi.
Ở Việt Nam, khi chưa có tiêm dịch vụ, nên chăng Bộ Y tế cần có quy định rõ ràng về công tiêm, theo dõi y tế để các đơn vị tư nhân cùng tham gia chiến dịch tiêm chủng với nguồn vaccine của Nhà nước hoặc của doanh nghiệp tự mua thông qua Bộ Y tế. Tiền dịch vụ công tiêm có thể Nhà nước trả, hoặc các doanh nghiệp sẽ tự chi trả với lý do y tế công không đủ nhân lực hoặc đang lo chống dịch để thực hiện tiêm vaccine. Đây cũng chính là tinh thần của Điểm 7 trong Nghị quyết số 21/CP của Chính phủ.