May 12, 2022 | 18:27 GMT+7

Vải chống cháy sản xuất trong nước rẻ hơn nhập khẩu 20%

Minh Tâm -

Mỗi năm, Việt Nam chi khoảng 120 triệu USD để nhập khẩu vải có tính chất chống cháy để may đồ bảo hộ lao động trong nước. Loại vải chống cháy sản xuất trong nước của Vinatex - Kova có giá thành dự kiến rẻ hơn đến 20% so với vải nhập khẩu…

Sản phẩm vải chống cháy do Việt Nam sản xuất có giá thành rẻ hơn đến 20% so với vải nhập khẩu.
Sản phẩm vải chống cháy do Việt Nam sản xuất có giá thành rẻ hơn đến 20% so với vải nhập khẩu.

Chia sẻ tại hội thảo “Vải chống cháy Vinatex - Kova” được tổ chức vào ngày 12/5, ông Phạm Xuân Trình - Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) - cho biết: Mỗi năm thế giới chi từ 3,5-5 tỷ USD cho vải chống cháy, riêng Việt Nam mỗi năm chi khoảng 120 triệu USD để nhập khẩu vải có tính chất chống cháy để may đồ bảo hộ lao động trong nước. Loại vải Vinatex - Kova sản xuất trong nước dự kiến sẽ khoảng 14 - 15 USD/m2, rẻ hơn từ 15 - 20% so với vải chống cháy nhập khẩu”.

 

"Sở dĩ Việt Nam nhập khẩu nhiều vải chống cháy là do trước đây trong nước chưa sản xuất được những sản phẩm chất lượng cao".

Ông Phạm Xuân Trình

Cũng theo ông Trình, tiềm năng thị trường về vải chống cháy hiện rất lớn bởi thực tế việc sử dụng đồ bảo hộ lao động chống cháy chưa thực sự nghiêm ngặt. Trong khi đó, trường hợp nếu xảy ra cháy nổ sẽ gây thiệt hại lớn về người và của, để lại hậu quả nặng nề cho xã hội. Thậm chí, có những doanh nghiệp sau hỏa hoạn đã bị phá sản vì thiệt hại quá nặng nề về tài sản.

Để góp phần giảm thiểu những thiệt hại này, nhiều công ty và tổ chức đã nghiên cứu vật liệu chống cháy như tấm vách, tấm cách nhiệt, vải phủ, quần áo bảo hộ và gia dụng… bằng nhiều phương thức khác nhau như vật liệu chịu nhiệt, hóa chất chịu nhiệt… Tuy nhiên, thị trường tới nay vẫn chưa có một sản phẩm do chính doanh nghiệp Việt làm chủ về công nghệ cũng như sản xuất cung cấp.

Sau hơn 2 năm hợp tác nghiên cứu, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) và Tập đoàn Sơn Kova đã sản xuất thành công sản phẩm vải chống cháy bằng công nghệ Nano đầu tiên. Đây là loại vải được sản xuất từ sợi meta - aramid và chất chống tĩnh điện trong vật liệu dệt đã được phủ nano (silicat từ vỏ trấu - được thế giới công nhận và đánh giá cao). Sản phẩm nano xanh khi cháy có các hợp chất hữu cơ bay hơi VOC gần bằng 0… Tính năng vượt trội này giúp bảo vệ người sử dụng không chỉ hạn chế những thiệt hại do đám cháy gây ra mà còn không bị ngạt bởi khói độc, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe con người.

 

"Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các đơn vị nghiên cứu ứng dụng để sản xuất vải chống cháy, đáp ứng nhu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật cũng như tiện ích khi sử dụng” - PGS.TS Nguyễn Thị Hòe.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hòe - Chủ tịch Tập đoàn Sơn Kova, sản phẩm vải chống cháy Vinatex – Kova là sự kết hợp giữa công nghệ dệt nhuộm hoàn tất của Vinatex và công nghệ Nano của Kova. Đồng thời, loại vải này còn là sản phẩm xanh, thân thiện, đáp ứng với môi trường. “Mỗi gia đình nên có những bộ đồ dự phòng chống cháy được may từ loại vải này bởi giá thành sản phẩm không quá cao nhưng lại bảo vệ chúng ta nếu có hỏa hoạn xảy ra”, bà Hòe nói thêm.

Được biết, qua nhiều lần thử nghiệm, cải tiến, vải chống cháy Vinatex - Kova đạt được các tiêu chuẩn chống cháy của Mỹ: TB 117- 2013 section 1 do Tổ chức thử nghiệm uy tín của Đức TUV thực hiện và ASTM D6 413/ D6413M – 15, do Trung tâm thí nghiệm - Công ty CP Viện Dệt May thực hiện.

 

Thị trường quần áo từ vải chống cháy trên thế giới dự kiến tăng từ 3,25 tỉ USD năm 2020 lên 5,11 tỷ USD năm 2027. Với một số đặc tính vượt trội khác so với các loại vải trên thị trường, sản phẩm vải chống cháy Vinatex – Kova là một sáng tạo về kỹ thuật công nghệ cao do doanh nghiệp Việt Nam làm chủ. Loại vải này được dùng may quần áo bảo hộ cho nhiều ngành như: dầu khí, xăng dầu, khai thác mỏ, hóa chất…; đồng thời sử dụng cho các sản phẩm trong sinh hoạt hàng ngày như: rèm cửa, bọc sofa, bàn để là quần áo, tạp dề nấu ăn, tủ vải quần áo, bạt che xe 2 bánh, 4 bánh, trùm phủ kiot…

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate