May 25, 2021 | 10:17 GMT+7

Vải thừa của các hãng thời trang xa xỉ được bán online

Minh Nguyệt -

Tập đoàn đa quốc gia dẫn đầu thị trường xa xỉ phẩm LVMH vừa tuyên bố một dự án mới thuộc phạm vi phát triển bền vững...

Đó là Nona Source, dự án bán vải thừa (deadstock) cho các nhà thiết kế và boutique nhỏ, trực tiếp từ các nhà kho của những thương hiệu thuộc tập đoàn LVMH.

Tại kho của những thương hiệu thuộc tập đoàn LVMH, Nona Source sẽ tìm ra những thớ vải thừa chất lượng đủ tốt để may thành hàng thời trang mới. Sau đó, Nona Source sẽ liệt kê các chất liệu này trên website, số lượng còn thừa trong kho, và giá thành theo mét vải. Nona Source cũng ghi chú rất kỹ lưỡng khổ vải, thậm chí chụp hình sản phẩm mẫu để nhà thiết kế có thể mường tượng ra chất liệu thực tế.

Theo tờ Business Insider, để đặt mua hàng, bạn phải là một nhà thiết kế thời trang hoặc có shop với mã số thuế của Liên minh châu Âu. Bạn có thể đặt gửi hàng qua bưu điện, hoặc đến tận nhà kho nằm rải rác châu Âu để nhận hàng.

Nona Source là nền tảng B2B, ra mắt với 500 loại vải khác nhau, 100.000 mét vải và 1.000 mét da trong tuần đầu tiên. Nona không mua hoặc lưu trữ những cuộn vải có logo vì lý do sở hữu trí tuệ và được dùng để tái chế trong khuôn khổ hợp tác quản lý chất thải.

Nền tảng này cung cấp không chỉ vải và da, mà còn hướng đến các loại phụ liệu may mặc trong tương lai như khóa kéo, nút, sọc, chỉ...
Nền tảng này cung cấp không chỉ vải và da, mà còn hướng đến các loại phụ liệu may mặc trong tương lai như khóa kéo, nút, sọc, chỉ...

Nền tảng này là sản phẩm trí tuệ của Romain Brabo - nhà mua vật liệu tại Givenchy thuộc sở hữu của LVMH. “Công việc của tôi xoay quanh việc đến các nhà kho vải và tôi đã chứng kiến sự chồng chất của vải thừa gia tăng theo cấp số nhân. Tôi nghĩ trong khi có những nhà thiết kế trẻ đang tìm kiếm các loại vải đẹp để làm bộ sưu tập của họ thì những ngôi nhà thời trang cao cấp lại đang chất đống vật liệu mà họ không dùng đến. Làm thế nào để tạo ra sợi dây kết nối giữa hai bên?”, Brabo chia sẻ ý tưởng hình thành nên Nona Source.

Theo lời xác nhận từ đại diện LVMH, tất cả các thương hiệu thời trang dưới quyền quản lý của tập đoàn – ví dụ Louis Vuitton, Christian Dior, Givenchy, Stella McCartney, Celine – đều sẽ tham gia vào việc bán vải thừa qua website Nona Source*. Các nhà thiết kế trẻ sẽ gây được lòng tin tốt hơn ở khách hàng khi ghi chú rằng, “Thiết kế này được làm từ vải thừa của thương hiệu cao cấp thuộc tập đoàn LVMH”. Quả là một cách để bảo chứng cho chất lượng sản phẩm.

Thông thường, các nhà thiết kế trẻ phải trả nhiều tiền hơn khi đặt hàng với số lượng nhỏ. Nona Source cho phép họ tiếp cận với các loại vải chất lượng cao giá cả phải chăng. Kỹ sư Marie Falguera nói: “Chúng tôi muốn bắt đầu từ quy mô nhỏ. Khách hàng có thể tìm kiếm theo giá cả hoặc số lượng (điều này hữu ích cho các thương hiệu lớn có thể yêu cầu số lượng lớn nguyên liệu ngay cả đối với các bộ sưu tập capsule) với giá thấp hơn 60 - 70% so với giá trị ban đầu".

Về cơ bản, nền tảng này cung cấp không chỉ vải và da, mà còn hướng đến các loại phụ liệu may mặc trong tương lai như khóa kéo, nút, sọc, chỉ... Trang web với các bức ảnh chụp cận cảnh các loại vải có độ phân giải cao được thiết kế để khuyến khích mọi người mua trực tuyến vì vải mẫu sẽ không có sẵn. Tuy nhiên, một showroom tại La Caserne ở Paris dự kiến sẽ được mở vào mùa Thu 2021.

Những thớ vải thừa này có chất lượng đủ tốt để may thành hàng thời trang mới.
Những thớ vải thừa này có chất lượng đủ tốt để may thành hàng thời trang mới.

Hiện nguyên liệu tồn chiếm 15% sản lượng dệt may của các thương hiệu, nhà bán lẻ, và nhà máy dẫn đến khoản lỗ hằng năm lên đến con số đáng lo ngại 152 tỷ USD. Nona Source là một phần của những chính sách phát triển bền vững của tập đoàn LVMH. Tập đoàn đã hứa sẽ tăng cường tái chế trang phục và sản phẩm, hạn chế phí phạm nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate