June 13, 2024 | 11:02 GMT+7

Vẫn còn những tranh cãi quanh thị trường thời trang bền vững

Minh Nguyệt -

Khi người tiêu dùng lựa chọn thời trang bền vững, doanh số thời trang nhanh bắt đầu suy giảm. Thay vào đó, một mô hình mua sắm khác ngày càng trở nên phổ biến: thời trang tái chế...

Ảnh: Nuvo Magazine
Ảnh: Nuvo Magazine

Thực tế, sản lượng may mặc toàn cầu đã tăng gấp đôi trong 15 năm qua. Trước đây, người dân có xu hướng mua nhiều hàng kém chất lượng nhưng thời gian chỉ kéo dài 40% giá trị sử dụng, điều này gây ra thảm họa rất lớn cho môi trường. Ngành công nghiệp quần áo thực sự là một trong những ngành gây ô nhiễm lớn nhất thế giới và thời trang "ăn liền" chính là thủ phạm. Tuy nhiên hiện nay, sau giá cả, tính bền vững đang trở thành một yếu tố quan trọng khác trong việc ra quyết định của người tiêu dùng.

Từ đó, các nền tảng bán lại những sản phẩm thời trang cao cấp đã qua sử dụng phát triển nhanh chóng còn các thương hiệu thì “rủ nhau” gia nhập cuộc đua tái chế, tái sử dụng quần áo cũ. Bà Fanny Moizant, chủ tịch và đồng sáng lập của Vestiaire Collective, nhận định: “Sự thay đổi này là do Thế hệ Z và Millennials đã coi tính bền vững như một phong cách sống, vượt ra ngoài các xu hướng theo mùa”.

Theo Fashion United, thị trường tái chế thời trang hiện trị giá 200 tỷ USD, chiếm 6 - 7% toàn bộ thị trường thời trang và dự kiến ​​sẽ tăng trưởng từ 15% đến 20% mỗi năm. “Vestiaire Collective phản đối thời trang nhanh và đã cấm đăng quần áo thời trang nhanh trên nền tảng của chúng tôi từ năm 2022. Hiện nay, 85% người dùng vẫn sẵn sàng mua ít sản phẩm nhưng với chất lượng tốt hơn. Họ đã thay đổi thói quen mua sắm, chuyển sang những thương hiệu cao cấp, kỹ thuật may, đường cắt tốt hơn và tuổi thọ dài hơn,” bà Fanny Moizant nói.

Sau giá cả, tính bền vững đang trở thành một yếu tố quan trọng khác trong việc ra quyết định của người tiêu dùng.
Sau giá cả, tính bền vững đang trở thành một yếu tố quan trọng khác trong việc ra quyết định của người tiêu dùng.

Ngoài ra, các quy tắc sinh thái mới do Ủy ban Châu Âu đề xuất nhằm chấm dứt thời trang nhanh vào năm 2030 là bước quan trọng để ngành thời trang trở nên bền vững hơn. Điều đáng khích lệ là ngày càng nhiều người trong chính phủ đang nghiên cứu các quy định EPR, vốn rất quan trọng để buộc những thương hiệu gây ô nhiễm phải chịu trách nhiệm. Đồng thời, người tiêu dùng thường xuyên phải đối mặt với áp lực kinh tế do lạm phát gây ra. Yếu tố “chi phí mỗi lần mặc” được đề cập trong báo cáo kinh tế tuần hoàn mới nhất của Vestiaire Collective ngày càng trở nên quan trọng đối với người tiêu dùng hiểu biết.

Các thương hiệu lớn, như Prada, Gucci và thậm chí là Levi's, đã bắt đầu thực hiện các bộ sưu tập và chương trình tái chế của riêng họ. Một số thương hiệu thời trang nhanh không dám đứng ngoài cuộc, nhanh chóng triển khai mô hình thu hồi các sản phẩm đã qua sử dụng và tận dụng những sản phẩm bị loại bỏ để góp phần nâng cao nhận thức về môi trường. Một trong số đó là hãng Onward Holdings Co., đặc biệt nổi tiếng với thương hiệu 23ku. Hãng thời trang này đã bắt đầu thu gom quần áo cũ từ năm 2009, bán quần áo cũ từ năm 2014 và từ đầu năm nay có thêm hoạt động tái chế.

Hòa vào xu hướng tái chế đang lan rộng nhanh chóng tại Nhật Bản, từ tháng 4 vừa qua, cửa hàng Tenjin của Uniqlo ở phường Chuo, thành phố Fukuoka, đã bắt đầu triển khai hoạt động bán quần áo đã qua sử dụng. Để có thể bán những quần áo này, Uniqlo phải làm sạch và nhuộm lại quần áo tại một nhà máy chuyên dụng. Ngoài Tenjin, một cửa hàng khác cũng bày bán quần áo Uniqlo đã qua sử dụng là cửa hàng ở phường Setagaya thuộc thủ đô Tokyo.

Sáng kiến thời trang của Quỹ Ellen MacArthur tập trung vào thiết kế lại quần jean.
Sáng kiến thời trang của Quỹ Ellen MacArthur tập trung vào thiết kế lại quần jean.

Natasha David, giám đốc chương trình sáng kiến thời trang của Quỹ Ellen MacArthur, cho biết hiện nay ngành công nghiệp thời trang nhanh được xây dựng dựa trên mô hình "Khai thác tài nguyên - Sản xuất –-Vứt bỏ sau tiêu thụ". Các tổ chức nghiên cứu toàn cầu đang thúc đẩy một nền kinh tế tuần hoàn, tức quần áo được làm từ vật liệu có thể tái tạo, được mặc thường xuyên hơn và tái chế sau khi hết vòng đời. David cho biết các mô hình kinh doanh tuần hoàn có thể chiếm 23% thị trường vào năm 2030, đồng thời giảm lượng khí thải carbon xuống 1/3 mức cần thiết để giữ cho nhiệt độ hành tinh không tăng hơn 1,5 độ C.

Đây cũng là mục tiêu mà Thỏa thuận chung Paris đặt ra. Theo chuyên gia này, rào cản lớn nhất để đạt được nền kinh tế này là thiết kế lại sản phẩm. Vì vậy, từ năm 2019 đến năm 2023, tổ chức này đã tập hợp 100 doanh nghiệp, bao gồm các công ty thời trang như H&M, Levis và Tommy Hilfiger, cùng với các nhà bán lẻ, nhà máy và nhà sản xuất hàng may mặc để thiết kế lại quần jean - một loại mặt hàng gây ô nhiễm cao, tiêu tốn nhiều tài nguyên - để tạo ra 1,5 triệu chiếc quần jean chứa tối thiểu 5% vật liệu tái chế.

Tuy nhiên, xu hướng này không hẳn là không gây ra những tranh cãi. Cách đây hơn một năm, cầu thủ NFL Travis Kelce trong một sự kiện đã diện chiếc áo sơ mi lụa rực rỡ có in hình hai con hồng hạc và logo Chanel. Thiết kế này được tái chế từ những chiếc khăn Chanel cổ điển bởi nhà tạo mẫu Logan Horne, người chuyên tái chế các phụ kiện sang trọng mang tính di sản.

Vào tháng 2 năm nay, các luật sư đại diện cho Chanel đã gửi cho Horne một lá thư yêu cầu nhãn hiệu của ông ngừng bán các sản phẩm mang logo của hãng. Theo CNN, động thái này không bất ngờ vì những thương hiệu xa xỉ hàng đầu thế giới luôn quan tâm đến việc kiểm soát chặt chẽ, bảo vệ hình ảnh thương hiệu trước nguy cơ làm giả, làm nhái.

Thương hiệu J. Logan Home nổi tiếng với cách tái chế những phụ kiện (chủ yếu là khăn lụa) của các hãng thời trang xa xỉ thành trang phục.
Thương hiệu J. Logan Home nổi tiếng với cách tái chế những phụ kiện (chủ yếu là khăn lụa) của các hãng thời trang xa xỉ thành trang phục.

Đây là vụ việc mới nhất trong một số vụ đã biến việc nâng cấp dịch vụ tái chế thành một cuộc chiến pháp lý mới nổi. Các thương hiệu xa xỉ trong lịch sử luôn cảnh giác với thị trường thứ cấp, lo ngại nó có thể làm hỏng tính độc quyền, từ đó làm giảm doanh số bán hàng. Chanel cho biết, trong một báo cáo, tái chế nâng cấp là một xu hướng tích cực mà thương hiệu này tiếp tục khám phá. “Tuy nhiên, việc sử dụng các chi tiết được đóng dấu logo Chanel đôi khi chỉ đơn giản là hành vi chiếm dụng trái phép nhãn hiệu của chúng tôi, trong những trường hợp như vậy, chúng tôi sẽ thực hiện hành động mà chúng tôi cho là phù hợp để bảo vệ quyền lợi của mình”, đại diện phía Chanel cho biết.

Và trong khi các khung pháp lý bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các công ty đã được thiết lập tốt, thì những đạo luật ủng hộ lợi ích bền vững của việc tái sử dụng, tái chế dường như chưa theo kịp. Bà Irene Calboli, Giáo sư luật tại Đại học Texas A&M, cho biết: “Nếu chúng ta muốn chuyển từ nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn, chúng ta cần phải nâng cấp các định chế. Việc luật sở hữu trí tuệ cản trở những người muốn sáng tạo hoặc tái chế là sai lầm”.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate