November 27, 2024 | 11:05 GMT+7

Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân

Phúc Minh -

Chính phủ sẽ quy định danh mục các đơn vị hành chính cấp huyện được thành lập Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chiều 26/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, với đa số đại biểu biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Công chứng (sửa đổi).

Luật Công chứng quy định về công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, việc hành nghề công chứng, thủ tục công chứng và quản lý Nhà nước về công chứng.

Đối với giao dịch phải công chứng là giao dịch quan trọng, đòi hỏi mức độ an toàn pháp lý cao và được luật quy định hoặc luật giao Chính phủ quy định phải công chứng. Bộ Tư pháp có trách nhiệm rà soát, cập nhật, đăng tải các giao dịch phải công chứng, chứng thực trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.

Về văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh.

Tại các đơn vị hành chính cấp huyện có mật độ dân số thấp, cơ sở hạ tầng, dịch vụ chưa phát triển và khó khăn trong việc thành lập Văn phòng công chứng theo loại hình công ty hợp danh, Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này, và quy định khác của pháp luật có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh, và doanh nghiệp tư nhân.

Chính phủ quy định danh mục các đơn vị hành chính cấp huyện được thành lập Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân, và việc chuyển đổi loại hình Văn phòng công chứng tại các đơn vị hành chính cấp huyện này.

Trong đó, Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh phải có từ 2 thành viên hợp danh trở lên, và không có thành viên góp vốn.

Các thành viên hợp danh phải là công chứng viên và có quyền ngang nhau khi quyết định các vấn đề của Văn phòng công chứng. Trưởng Văn phòng công chứng phải là thành viên hợp danh của Văn phòng công chứng, và đã hành nghề công chứng từ đủ 2 năm trở lên.

Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân, thì chủ doanh nghiệp tư nhân đồng thời là Trưởng Văn phòng công chứng, và phải là công chứng viên đã hành nghề công chứng từ đủ 2 năm trở lên.

Về tổ chức hành nghề công chứng sẽ bao gồm Phòng công chứng và Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này, và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Quốc hội bấm nút thông qua Luật Công chứng (sửa đổi). Ảnh: Quochoi.vn.
Quốc hội bấm nút thông qua Luật Công chứng (sửa đổi). Ảnh: Quochoi.vn.

Về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên, Luật quy định đây là loại hình bảo hiểm bắt buộc. Tổ chức hành nghề công chứng có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên hành nghề tại tổ chức mình.

Việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên phải được duy trì trong suốt thời gian hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng.

Chậm nhất là 10 ngày làm việc kể từ ngày mua bảo hiểm, hoặc kể từ ngày thay đổi, gia hạn hợp đồng bảo hiểm, tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm thông báo và gửi bản sao hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng thay đổi, gia hạn hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên cho Sở Tư pháp.

Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, quy tắc bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, cho biết nhiều ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên.

Tại văn bản số 777/CP-PL, Chính phủ đề nghị không quy định bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là loại hình bảo hiểm bắt buộc, mà chỉ quy định tổ chức hành nghề công chứng có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên của tổ chức mình.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là bảo hiểm bắt buộc như dự thảo Luật trình Quốc hội tại đầu Kỳ họp thứ 8.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng báo cáo tiếp thu, giải trình dự án Luật. Ảnh: Quochoi.vn.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng báo cáo tiếp thu, giải trình dự án Luật. Ảnh: Quochoi.vn.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định này phù hợp với quy định tại Điều 8 của Luật Kinh doanh bảo hiểm, góp phần bảo vệ lợi ích công cộng, an toàn xã hội, cũng như bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cả các bên tham gia giao dịch có yêu cầu công chứng, và công chứng viên trong hành nghề công chứng.    

Việc thực tiễn thời gian qua các công chứng viên hầu như không được bồi thường khi xảy ra sự kiện bảo hiểm mà Chính phủ nêu tại văn bản số 777/CP-PL, là vấn đề bất cập trong tổ chức thực hiện Luật. Chính phủ cần có giải pháp khắc phục để tăng cường hiệu quả thực thi quy định này trong thực tiễn.

Đồng thời, quy định như dự thảo Luật bảo đảm chặt chẽ, khả thi, thống nhất với nghĩa vụ của tổ chức hành nghề công chứng trong việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên.

Do còn có ý kiến khác nhau về vấn đề này, ngày 20/11/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội xin ý kiến đại biểu Quốc hội bằng phiếu xin ý kiến về nội dung này, có 324 đại biểu Quốc hội cho ý kiến.

Kết quả, có 245 đại biểu (chiếm 75,62% tổng số đại biểu cho ý kiến và chiếm 51,15% tổng số đại biểu) tán thành với đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo hướng quy định bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là loại hình bảo hiểm bắt buộc.

Có 77 đại biểu (chiếm 23,77% tổng số đại biểu cho ý kiến và chiếm 16,08% tổng số đại biểu) đề nghị không quy định bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là loại hình bảo hiểm bắt buộc, mà chỉ quy định tổ chức hành nghề công chứng có nghĩa vụ mua bảo hiểm này cho công chứng viên của tổ chức mình.

Trên cơ sở kết quả xin ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là loại hình bảo hiểm bắt buộc như thể hiện tại Điều 39 của dự thảo Luật.

Luật Công chứng (sửa đổi) có 8 chương và 76 điều, giảm 2 chương và 3 điều so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội đầu Kỳ họp thứ 8. Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate