Các chuyên gia trong và ngoài nước có mặt tại hội thảo “Lạm phát và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam” do Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng 21/5 đều có chung nhận định rằng lạm phát tại Việt Nam có những nét “đặc thù” và cần có “thuốc chữa” chính sách phù hợp để hài hòa với mục tiêu tăng trưởng.
Đối với những nền kinh tế mới nổi và đang phát triển như Việt Nam, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, việc chấp nhận mức lạm phát cao hơn là một điều tất yếu. Tuy nhiên, khi lạm phát tăng quá cao lại có tác dụng ngược lại, kéo tăng trưởng kinh tế đi xuống, TS. Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển nhận xét.
Những “đặc thù” của lạm phát tại Việt Nam chính là hiện tượng khi lạm phát ở ngưỡng thấp, khoảng dưới 5% mỗi năm từ năm 2000-2003 thì tăng trưởng kinh tế tương đối cao và ổn định. Nhưng khi lạm phát xấp xỉ hoặc ở mức hai con số, từ năm 2007-2011, tăng trưởng lại có xu hướng chững lại và giảm xuống.
Để đối phó, Việt Nam cũng đã thực hiện các biện pháp như: giảm cung tiền, tái cơ cấu đầu tư, giảm tín dụng... để kiềm chế lạm phát, song các biện pháp này đều mang tính chất tình thế với khả năng gây ra bất ổn của chính sách tiền tệ và kinh tế vĩ mô.
Phân tích diễn biến lạm phát và tăng trưởng GDP từ năm 1986 đến năm 2012, TS. Nguyễn Thạc Hoát, Trưởng khoa Tài chính - Tiền tệ thuộc Học viện Chính sách và Phát triển, người có nhiều năm làm quản lý tại một ngân hàng thương mại lớn, nói rằng chu kỳ vòng xoáy tăng trưởng thấp và lạm phát cao ở Việt Nam lặp lại trong suốt cả thời kỳ từ trước đến nay với chu kỳ ngày càng rút ngắn, đặc biệt từ năm 2004 trở lại đây hình thành vòng xoáy ba năm một lần theo đúng quy luật lạm phát hai năm tăng, một năm giảm.
Nguyên nhân tạo ra vòng xoáy này nằm ở chính sách hướng tới tăng trưởng cao làm cho tổng cầu tăng nhanh, tất yếu tăng giá và áp lực tăng lạm phát cầu kéo. Không chỉ vậy, yêu cầu tăng trưởng cao sẽ tạo ra áp lực tăng trưởng tín dụng và cung tiền cao, tất yếu xảy ra lạm phát tiền tệ. Lạm phát cầu kéo cộng hưởng với lạm phát tiền tệ và lạm phát cơ cấu sẽ làm bùng phát lạm phát cao.
Vẫn theo ông Hoát, khi lạm phát cao nếu muốn giảm lạm phát quá nhanh và quá thấp thì buộc phải thực hiện chính sách tài chính, tiền tệ thắt chặt quá mức, làm cho tổng cầu giảm đột ngột và quá sâu. Hậu quả là sẽ làm giảm tổng cầu làm suy thoái kinh tế và giảm tăng trưởng kinh tế.
TS. Phạm Thị Thu Trà, chuyên viên kinh tế cao cấp của Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, nói Việt Nam hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu cụ thể nào về ngưỡng hiệu quả cho lạm phát. Trước sức ép lạm phát, Chính phủ đã chuyển sang tập trung ổn định kinh tế vĩ mô và chấp nhận tăng trưởng thấp. Tuy nhiên, kiểm soát lạm phát cần kết hợp với mục tiêu tăng trưởng kinh tế hợp lý.
“Việt Nam hoàn toàn có khả năng tránh được việc phải đánh đổi giữa tăng trưởng và giảm lạm phát nếu tiến hành những cuộc cải cách lớn về cơ cấu”, bà nói.
Chuyên gia này nhấn mạnh rằng niềm tin trong dân chúng là điều đặc biệt quan trọng đối với việc “xử lý” lạm phát trong khi vẫn duy trì tăng trường. “Sự tín nhiệm của một chính sách giảm lạm phát không đơn thuần chỉ đến từ một vài động thái chính sách đơn giản mà nó phải đến từ niềm tin của dân chúng vào một công cuộc cải cách kinh tế mang tính chất sâu rộng và mạnh mẽ. Nếu Việt Nam có thể làm được những công việc đó và có thể thuyết phục được dân chúng tin vào những chính sách đó thì Việt Nam sẽ đạt được sự thành công và đạt được hai mục tiêu tăng trưởng và giảm lạm phát”, bà Trà nhận xét một cách thẳng thắn.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng cho rằng hiện tại Việt Nam vẫn chưa có nghiên cứu cụ thể nào về ngưỡng hiệu quả cho lạm phát. Vì vậy, để có thể kiểm soát và phát huy tính tương hỗ trong mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng một cách có hiệu quả, không để lạm phát trở thành vấn đề bất lợi đối với nền kinh tế nói chung và tăng trưởng kinh tế nói riêng trong dài hạn thì cần thiết phải có những nghiên cứu bài bản, xây dựng mô hình tính toán và dự báo được ngưỡng hiệu quả cho lạm phát, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng bền vững trong mỗi giai đoạn phát triển.
Bên cạnh đó, để giảm sức ép lên lạm phát, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, cần tập trung thực hiện hiệu quả tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu đầu tư công, nâng cao chất lượng quản lý và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
“Chính phủ cần thực hiện chính sách kinh tế vĩ mô một cách kiên định, tránh rơi vào tình trạng theo đuổi các mục tiêu ngắn hạn mà bỏ qua các mục tiêu trung, dài hạn. Theo đó, các giải pháp vĩ mô kiểm soát lạm phát gắn với duy trì tăng trưởng kinh tế cần được thực hiện đồng bộ, phối hợp nhịp nhàng với nhau trong bộ ba chính sách then chốt là chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, tín dụng và chính sách tỷ giá hối đoái”, bà Thanh đề xuất.
Từ góc nhìn của nhà quản lý, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Cao Viết Sinh lo ngại rằng tình trạng lạm phát cao triền miên trong nhiều năm đã và đang làm chi phí vốn và chi phí đầu tư kinh doanh ở Việt Nam cao hơn các quốc gia khác.
Không chỉ vậy, khi xét trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, ông Sinh nhận thấy sau một thời gian dài áp dụng các chính sách kinh tế nhằm giảm lạm phát, đến lúc này “nhiều doanh nghiệp đã có tâm lý không muốn làm ăn, người dân không muốn mua sắm tiêu dùng nữa”.
“Các doanh nghiệp với lãi suất cho vay hiện nay và đầu ra khó sẽ chỉ gửi vốn ngân hàng lấy lãi, hơn là đầu tư kinh doanh. Đây là xu hướng rất nguy”, ông Sinh nói.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate