Giá vàng thế giới giảm sáng nay (17/1), kéo giá vàng miếng trong nước tụt 150.000 đồng/lượng. Nhiều chuyên gia dự báo giá vàng có thể vượt 2.000 USD/oz trong năm nay khi Mỹ giảm tốc độ tăng lãi suất hoặc thậm chí dừng tăng lãi suất.
Lúc gần 10h trưa nay theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đứng ở 1.911,6 USD/oz, giảm 5,1 USD/oz so với đóng cửa cuối tuần trước tại New York. Phiên ngày thứ Hai (16/1), thị trường tài chính Mỹ đóng cửa nghỉ lễ tưởng niệm Martin Luther King nên không có giá chốt phiên New York.
Mức giá này của vàng thế giới tương đương khoảng 54,35 triệu đồng/lượng, giảm 350.000 đồng/lượng so với sáng qua.
Giá vàng SJC bán lẻ trong nước giảm ít hơn, đang cao hơn so với giá vàng quốc tế quy đổi khoảng 12,8 triệu đồng/lượng.
Lúc gần 10h trưa, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội 66,25 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,15 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 50.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá so với sáng hôm qua.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 54,2 triệu đồng/lượng và 55,1 triệu đồng/lượng, không thay đổi so với sáng hôm qua.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 66,4 triệu đồng/lượng và 67,2 triệu đồng/lượng, đứng yên so với sáng qua.
Từ đầu tháng 11 tới nay, giá vàng thế giới đã tăng gần 20%, khi áp lực lạm phát xuống thang và thị trường kỳ vọng Fed và các ngân hàng trung ương lớn khác như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) chuyển sang một lập trường chính sách tiền tệ bớt cứng rắn hơn trong năm 2023.
Năm ngoái, lãi suất tăng mạnh và liên tục đã “hạ gục” giá vàng, khiến giá vàng giảm còn hơn 1.600 USD/oz vào tháng 9, từ mức đỉnh gần 2.070 USD/oz vào tháng 3, cách không xa mức kỷ lục mọi thời đại thiết lập vào năm 2020.
Lãi suất tăng kéo lợi suất trái phiếu tăng, khiến vàng - một tài sản không có lãi suất - giảm bớt sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Ngoài ra, đồng USD cũng tăng giá lên mức mạnh nhất 20 năm, gia tăng áp lực mất giá đối với vàng - một tài sản định giá bằng bạc xanh.
Trong một báo cáo mới đây, ngân hàng Mỹ Bank of America dự báo tỷ giá đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm “sẽ trở thành những luồng gió thuận vĩ mô hậu thuẫn giá vàng, đưa giá vàng vượt 2.000 USD/oz sau vài tháng nữa”.
Tương tự, nhà phân tích Nitesh Shah của Wisdom Tree cho rằng với áp lực từ đồng USD và trái phiếu được giải toả, giá vàng có thể dễ dàng vượt 2.100 USD/oz trong năm nay. “Nguy cơ các ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất quá tay và đẩy nền kinh tế vào suy thoái là cao”, ông Shah nói, nhấn mạnh vai trò truyền thống của vàng là một kênh lưu trữ giá trị mỗi khi kinh tế biến động.
Trên sàn COMEX, các nhà đầu cơ đang đặt cược ròng vào sự mất giá của vàng, với trạng thái ròng 8,3 triệu ounce vàng trị giá 16 tỷ USD.
Ngoài ra, giới phân tích dự báo các ngân hàng trung ương tiếp tục gom mua vàng sau khi nhóm này mua ròng vàng trong 9 tháng đầu năm 2022, với lượng mua ròng lớn nhất trong nửa thế kỷ - theo dữ liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC).
Theo dự báo của ngân hàng ANZ, nhu cầu mua lẻ vàng miếng và tiền xu vàng sẽ tiếp tục giữ ở mức cao, nhất là khi kinh tế Trung Quốc khởi sắc. Tuy nhiên, ANZ cho rằng trong ngắn hạn, giá vàng có thể đã tăng quá nhanh và cần điều chỉnh.
“Nếu giá vàng giảm từ mức hiện nay về vùng 1.870-1.900 USD/oz, chúng tôi dự báo xu hướng tăng sẽ đảo ngược”, ANZ nhận định và nói thêm rằng nếu giảm dưới 1.800 USD/oz, giá vàng có thể trượt về 1.730 USD/oz.
Chỉ số Dollar Index trên thị trường quốc tế sáng nay dao động quanh mốc 102,5 USD/oz, tăng gần 0,3% so với đóng cửa cuối tuần trước. Báo giá USD tại Vietcombank giảm 10 đồng so với sáng qua, còn 23.280 đồng (mua vào) và 23.600 đồng (bán ra).