Giá vàng thế giới quay đầu giảm trong phiên ngày thứ Ba (13/8) do hoạt động chốt lời nhanh của nhà đầu tư, bất chấp tỷ giá đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cùng giảm. Thị trường đang thận trọng trước khả năng có thể xuất hiện biến động lớn về giá vàng khi Mỹ công bố một báo cáo lạm phát quan trọng vào ngày thứ Tư.
Lúc đóng cửa phiên giao dịch tại thị trường New York, giá vàng giao ngay giảm 8,7 USD/oz, tương đương giảm 0,35%, chốt ở mức 2.465,2 USD/oz - theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco.
Hơn 7h sáng nay (14/8) theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á giảm 1 USD/oz so với đóng cửa phiên Mỹ, tương đương giảm 0,04%, giao dịch ở mức 2.464,2 USD/oz. Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này tương đương gần 75,1 triệu đồng/lượng, giảm 300.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.
Hôm thứ Hai, giá vàng giao ngay tăng lên mức cao nhất trong 10 ngày, cách không xa mức kỷ lục 2.483,6 USD/oz thiết lập vào hôm 17/7. Từ đầu năm tới nay, giá kim loại quý này đã tăng 20% do kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp cắt giảm lãi suất.
Xung lực tăng của giá vàng suy yếu trong phiên ngày thứ Ba, khi mối lo về chiến tranh lan rộng ở Trung Đông dịu đi do Iran chưa hiện thực hóa lời đe dọa trả đũa Israel về vụ ám sát một thủ lĩnh phiến quân Hamas ở Tehran.
Ngoài ra, nhu cầu chốt lời của một bộ phận nhà đầu tư cũng là nguyên nhân khiến giá vàng quay đầu đi xuống.
Dù vậy, giá kim loại quý này tiếp tục được hỗ trợ bởi triển vọng giảm lãi suất ở Mỹ, trong bối cảnh lạm phát tại nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục xu hướng xuống thang.
Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá nhà sản xuất (PPI), một thước đo giá bán buôn, tăng 0,1% trong tháng 7 so với tháng trước. Mức tăng này thấp hơn dự báo tăng 0,2% mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones, đồng thời bằng với mức tăng của tháng 6.
Số liệu PPI mang tới cho nhà đầu tư niềm tin lớn hơn về sự tiếp tục của tiến trình giảm lạm phát trong nền kinh tế Mỹ. Thị trường đang kỳ vọng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mà Bộ Lao động Mỹ dự kiến công bố vào ngày thứ Tư sẽ cho thấy mức tăng 0,2% trong tháng 7 so với tháng 6, sau khi chỉ số này bất ngờ giảm 0,1% trong tháng 6.
Nếu dữ liệu CPI có sự chênh lệch lớn so với dự báo, các kỳ vọng về lãi suất sẽ dịch chuyển mạnh, từ đó có thể khiến giá vàng biến động mạnh.
Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, thị trường đang đặt cược khả năng 100% cho việc Fed hạ lãi suất trong cả 3 cuộc họp chính sách tiền tệ cuối cùng của năm nay.
5 ngân hàng lớn nhất ở Mỹ dự báo từ nay đến giữa năm 2025, lãi suất quỹ liên bang của Fed sẽ giảm ít nhất 1,75 điểm phần trăm so với mức 5,25-5,5% hiện tại.
Trong đó, ngân hàng Wells Fargo dự báo lãi suất Fed sẽ giảm về 3,25-3,5% vào giữa năm 2025, đồng nghĩa mức giảm 2 điểm phần trăm so với hiện tại. Các nhà phân tích của Wells Fargo dự báo Fed sẽ giảm lãi suất tổng cộng 1 điểm phần trăm trong 2 cuộc họp vào tháng 9 và tháng 11 năm nay, tiếp đó là giảm 0,25 điểm phần trăm vào các tháng 12/2024 và 1-3-6/2025.
Kỳ vọng lãi suất này gây áp lực giảm lên tỷ giá đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, qua đó giúp gia tăng sức hấp dẫn của vàng.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD giảm nhẹ trong phiên ngày thứ Ba, chốt ở mức 102,61 điểm.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức thấp nhất 1 tuần, dao động quanh ngưỡng hơn 3,85%.
“Mặc hoạt động chốt lời, bất ổn còn tiếp diễn ở Trung Đông, biến động gần đây trên thị trường tài chính toàn cầu và kỳ vọng Fed giảm lãi suất sẽ tiếp tục khuyến khích việc đổ vốn vào vàng”, Giám đốc hoạt động Alex Ebkarian của công ty Allegiance Gold nhận định.
“Dữ liệu lạm phát CPI của Mỹ vào ngày thứ Tư có thể sẽ làm gia tăng các kỳ vọng giảm lãi suất, mang tới thêm động lực tăng giá cho vàng. Việc giá vàng lập kỷ lục mới chỉ là vấn đề thời gian”, một báo cáo của ngân hàng Commerzbank viết.