Nợ quốc gia của Mỹ đã tăng thêm 7 nghìn tỷ USD trong nhiệm kỳ cầm quyền kéo dài 4 năm của Tổng thống Donald Trump, và được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong nhiệm kỳ của Tổng thống đắc cử Joe Biden.
Nếu Chính phủ không vay nợ để kích cầu, kinh tế Mỹ khó vượt qua được thách thức hiện nay.
KHÔNG PHẢI LÚC ĐỂ THẮT LƯNG BUỘC BỤNG
Theo trang CNN Business, nợ quốc gia của Mỹ hiện đã lên tới 27 nghìn tỷ USD, và ông Biden vào tuần trước đã đề xuất một gói kích cầu mới trị giá 1,9 nghìn tỷ USD. Kế hoạch này - nếu được Quốc hội Mỹ phê chuẩn - sẽ nâng tổng số tiền mà Chính phủ Mỹ bơm vào nền kinh tế để kích cầu kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra lên khoảng 5 nghìn tỷ USD. Trước gói kích cầu mà ông Biden đề xuất, chính quyền ông Trump đã có hai gói kích cầu khổng lồ khác, gồm một gói 2,2 nghìn tỷ USD vào tháng 3/2020 và một gói gần 900 tỷ USD vào tháng 12 vừa qua.
Nợ quốc gia tăng mạnh là một mối lo lớn đối với nước Mỹ, nhưng xét tới ảnh hưởng tàn phá của Covid-19 đối với nền kinh tế nước này, việc tiếp tục mạnh tay kích cầu được giới chuyên gia kinh tế đánh giá là cần thiết.
"Đây không phải là lúc để thắt lưng buộc bụng. Nền kinh tế đang ở trong tình trạng không cho phép tiêt kiệm", ông Joe Brusuelas, chuyên gia kinh tế trưởng của RSM, phát biểu.
Theo số liệu mới nhất, số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở Mỹ trong 1 tuần đã lên tới 965.000 người, tăng 181.000 người so với tuần trước đó và cao hơn nhiều so với những con số tồi tệ nhất trong giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008. Trong tháng 12, khu vực phi nông nghiệp của Mỹ mất 140.000 công việc, vượt xa dự báo của giới phân tích. Từ tháng 6 đến nay, gần 8 triệu người Mỹ đã rơi vào cảnh nghèo, theo nghiên cứu của Đại học Chicago.
"Giờ là lúc phải tăng tốc chi tiêu công để đưa nền kinh tế trở lại đúng hướng. Đây là chuyện không phải bàn cãi", ông Brusuelas nói thêm.
Không chỉ tăng chi tiêu, chính quyền của ông Biden còn chưa bàn đến chuyện tăng thuế để bù đắp thâm hụt ngân sách. Thậm chí, ông Biden còn có một gói đầu tư hạ tầng nữa sau gói kích cầu mà ông vừa đề xuất nhằm hạn chế nhiều nhất có thể "vết sẹo" mà Covid-19 gây ra cho kinh tế Mỹ.
Dù thị trường chứng khoán Mỹ gần đây liên tục lập kỷ lục mới, nhiều khu vực của nền kinh tế nước này đang trong tình trạng tê liệt. Các rạp chiếu phim, ngành hàng không, khách sạn… thua lỗ trầm trọng. Back-to-Normal Index, một chỉ số do CNN Business và Moody’s Analytics thiết lập, cho thấy nền kinh tế Mỹ hiện chỉ vận hành ở mức khoảng 74% so với thời điểm trước khi đại dịch xảy đến.
"Chúng ta đang ở trong một cái hố rất sâu. Nền kinh tế có thể thiệt hại nặng nề trong dài hạn nếu chúng ta không làm nhanh mọi việc", chuyên gia kinh tế trưởng Gus Faucher của PNC nhận xét. Vị chuyên gia nói thêm rằng nếu nước Mỹ sớm không chữa lành được nền kinh tế, thì về sau nước này sẽ càng khó giải quyết được vấn đề ngân sách và xử lý những thách thức mang tính cơ cấu đặt ra bởi các chương trình chăm sóc y tế Medicare và an sinh xã hội Social Security.
TRONG RỦI CÓ MAY
Đầu tháng này, Ủy ban Ngân sách Liên bang Có trách nhiệm Mỹ (CRFB), một tổ chức giám sát tài chính độc lập và phi lợi nhuận, dự báo thâm hụt ngân sách Mỹ sẽ là 2,3 nghìn tỷ USD trong tài khóa 2021, giảm từ mức kỷ lục 3,1 nghìn tỷ USD trong tài khóa 2020. Tuy nhiên, ở mức tương đương 10,4% tổng sản phẩm trong nước (GDP), tỷ lệ thâm hụt ngân sách của nước này sẽ lớn chưa từng thấy trong lịch sử Mỹ ngoại trừ những năm Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Với Đảng Dân chủ nắm đa số ở cả Thượng viện và Hạ viện, thâm hụt ngân sách của Mỹ được nhiều chuyên gia cho là có thể tăng mạnh hơn so với những con số dự báo trước đây.
Bảng cân đối kế toán của Mỹ vốn đã bất ổn từ trước khi có đại dịch, một phần do Quốc hội nước này liên tục né tránh những cải tổ gây đau đớn đối với Medicare và Social Security. Đến thời ông Trump, thâm hụt bùng nổ do cả hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa cùng đồng thuận tăng chi tiêu và phe Cộng hòa chủ trương mạnh tay cắt giảm thuế. Trước đại dịch, thâm hụt ngân sách hàng năm của Washington là 1 nghìn tỷ USD.
Tuy nhiên, trong rủi cũng có may: ông Biden trở thành nhà lãnh đạo mới của nước Mỹ vào thời điểm lãi suất siêu thấp. Chính phủ Mỹ có thể vay vốn 10 năm bằng phát hành trái phiếu với lãi suất chỉ 1%/năm, so với mức 3% khi Tổng thống Barack Obama lên cầm quyền. Tuy nhiên, nếu lãi suất tăng trở lại, "núi" nợ của nước Mỹ sẽ càng khổng lồ hơn.
Đó là lý do vì sao ba nhà kinh tế học Peter Orszag, Robert Rubin và Joseph Stiglitz mới đây có một bài viết đề xuất Chính phủ Mỹ áp dụng một phương pháp hoàn toàn khác để giảm bớt ảnh hưởng của biến động lãi suất đối với thâm hụt ngân sách. Nhóm chuyên gia cho rằng Chính phủ Mỹ nên tăng phát hành những trái phiếu kỳ hạn dài hơn, song song với việc tự động điều chỉnh chi tiêu theo điều kiện kinh tế.
"Lãi suất thấp làm thay đổi đường đi của cuộc tranh luận về vấn đề tài khóa", bài viết có đoạn, "nhưng không nên cho rằng lãi suất thấp sẽ tồn tại mãi".