July 14, 2025 | 08:56 GMT+7

VCCI đề xuất bỏ giấy phép kinh doanh rượu

Vũ Khuê -

Khi lưu thông trên thị trường, các sản phẩm rượu phải chứng minh đáp ứng yêu cầu về quản lý thực phẩm. Còn đối với chủ thể phân phối, mua bán rượu không cần thiết phải kiểm soát về điều kiện kinh doanh...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý đối với dự thảo Quyết định phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến 6 hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 của Bộ Công Thương, trong đó có lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu.

Cụ thể, tại Nghị định 105/2017/NĐ-CP, Nghị định 17/2020/NĐ-CP các hoạt động phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu phải xin giấy phép kinh doanh. VCCI lập luận rằng các điều kiện kinh doanh đối với các hoạt động này gần như không có bất kì đặc thù nào của một ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Có nghĩa là các điều kiện này không rõ kiểm soát yếu tố nào trong các yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư 2020.

Cụ thể, điều kiện phân phối rượu quy định: là doanh nghiệp thành lập theo quy định của pháp luật; có hệ thống phân phối rượu trên địa bàn từ 02 tỉnh trở lên, mỗi địa bàn tỉnh phải có 01 thương nhân bán buôn rượu hoặc thành lập chi nhánh hoặc địa điểm kinh doanh ngoài trụ sở chính; có văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng nguyên tắc của thương nhân sản xuất rượu, thương nhân phân phối rượu khác hoặc nhà cung cấp rượu ở nước ngoài.

VCCI cho rằng yêu cầu về điều kiện có hệ thống phân phối chỉ nhằm xác định hình thức kinh doanh là phân phối. Nhưng không rõ tại sao lại phải có trên địa bàn ít nhất là 02 tỉnh và mỗi tỉnh lại phải có ít nhất 01 thương nhân bán buôn.

Thực tế, phân phối là hoạt động đưa sản phẩm ra thị trường. Thương nhân phân phối có thể bán cho thương nhân bán buôn, thương nhân bán lẻ, thương nhân bán rượu tại chỗ.

Với tính chất này, VCCI khẳng định không cần thiết phải yêu cầu tổ chức theo hình thức phân phối cố định nào, hoạt động như thế nào tùy thuộc vào nhu cầu kinh doanh, yếu tố thị trường và quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp. Việc Nhà nước can thiệp vào việc yêu cầu thương nhân phải tổ chức mô hình phân phối nào là không cần thiết.

Yêu cầu về có văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng nguyên tắc của thương nhân sản xuất rượu, thương nhân phân phối rượu khác hoặc nhà cung cấp rượu khác – tức là yêu cầu phải cung cấp danh sách các thương nhân sẽ cung cấp hàng cho mình tại thời điểm xin giấy phép kinh doanh theo VCCI là chưa hợp lý. Nhất là trong bối cảnh thị trường thay đổi, các nhà cung cấp có thể thay đổi liên tục.

Mỗi lần thay đổi nhà cung cấp, thương nhân phân phối lại phải thực hiện thủ tục xin điều chỉnh giấy phép sẽ tạo ra khối lượng thủ tục hành chính rất lớn. Dự thảo đề xuất bỏ điều kiện này là hoàn toàn phù hợp.

Điều kiện bán buôn rượu gồm: là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật; có hệ thống bán buôn rượu trên địa bàn tỉnh, nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính với ít nhất 01 thương nhân bán lẻ rượu. Trường hợp doanh nghiệp có thành lập chi nhánh hoặc địa điểm kinh doanh ngoài trụ sở chính để kinh doanh rượu thì không cần có xác nhận của thương nhân bán lẻ rượu; có văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng nguyên tắc của thương nhân sản xuất rượu, thương nhân phân phối rượu hoặc thương nhân bán buôn rượu khác.

Các yếu tố về hệ thống phân phối và văn bản giới thiệu phân tích tương tự như trên.

Điều kiện bán lẻ rượu gồm: là doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật; có quyền sử dụng hợp pháp địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng; có văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng nguyên tắc của thương nhân sản xuất rượu, thương nhân phân phối rượu hoặc thương nhân bán buôn rượu.

VCCI chỉ ra rằng yêu cầu về địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng dường như không có tính đặc thù đối với một ngành nghề kinh doanh có điều kiện mà như một ngành nghề kinh doanh thông thường.

VCCI nhấn mạnh rượu là một loại thực phẩm, hiện tại đang được kiểm soát theo hướng: doanh nghiệp sản xuất rượu phải đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm, ghi nhãn hàng hóa đầy đủ theo quy định, phải công bố sản phẩm rượu … Đây là các cơ chế quản lý đối với các sản phẩm thực phẩm. Khi lưu thông trên thị trường, các sản phẩm này phải chứng minh đáp ứng yêu cầu về quản lý thực phẩm.

Còn đối với chủ thể phân phối, mua bán rượu không cần thiết phải kiểm soát về điều kiện kinh doanh. Mặt khác, như phân tích ở trên, các điều kiện kinh doanh đối với thương nhân phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu không nhằm hướng đến kiểm soát yếu tố ảnh hưởng đến lợi ích công cộng nào mà Nhà nước buộc phải kiểm soát đối với một ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Vì vậy, để đảm bảo tinh thần cắt giảm các giấy phép kinh doanh, VCCI đề nghị cân nhắc bỏ các giấy phép kinh doanh đối với thương nhân phân phối rượu, bán buôn rượu, bán lẻ rượu.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate