Cuối tuần vừa qua, theo đoàn tham quan do Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) tổ chức, chúng tôi đã đến Khu tái định cư xóm Rài, xã Mường Vang, tỉnh Phú Thọ (trước ngày 1/7/2025 là xã Tuân Đạo, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình).
Tại đây, được tận mắt chứng kiến những đổi thay trong triển khai xây dựng khu tái định cư này, đặc biệt những tiến triển mạnh mẽ từ sau khi xoá bỏ cấp huyện, toàn bộ thẩm quyền và trách nhiệm của cấp huyện đã được giao về cho cấp xã.
HƠN MỘT TRĂM HỘ DÂN XÓM RÀI BỊ ẢNH HƯỞNG SẠT LỞ ĐẤT
Sau đợt mưa lớn do hoàn lưu bão số 3 giữa tháng 9/2024, tại xã Tuân Đạo, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình (nay là xã Mường Vang, tỉnh Phú Thọ) đã xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng trên diện rộng. Khu vực xóm Rài, nằm dưới chân đồi có diện tích khoảng 7ha, xuất hiện hàng loạt vết nứt, sụt lún dài từ 1 đến 3m, sâu tới 2–3m, kéo dài tổng cộng khoảng 800m. Khối lượng đất có nguy cơ trượt lở lên tới 8 triệu m³, đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của hàng trăm người dân.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Hòa Bình cũ, có tổng cộng 111 hộ dân với 539 nhân khẩu bị ảnh hưởng bởi tình trạng sạt lở, trong đó có 24 hộ nghèo và 17 hộ cận nghèo. Trước tình huống nguy hiểm, chính quyền địa phương đã khẩn cấp di dời 60 hộ dân (278 nhân khẩu) ra khỏi khu vực có nguy cơ cao. Ngày 21/9/2024, UBND tỉnh Hòa Bình đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai sạt lở đất, đá tại xóm Rài.

Từ đó đến nay, cuộc sống của người dân bị xáo trộn nghiêm trọng. Những ngôi nhà xây dựng kiên cố, khang trang sau bao năm tích góp giờ đây phải bỏ trống. Mỗi ngày, người dân về nhà cũ để chăm sóc gia súc, rồi lại trở về lều tạm để ngủ qua đêm vì lo sợ đồi đất tiếp tục dịch chuyển bất ngờ.

Anh Bùi Văn Khuyến, người dân xóm Rài, chia sẻ: "Tôi sống ở khu vực đồi có nguy cơ sạt lở cao nên đã phải di dời ra khu vực an toàn. Trước đây, dù thỉnh thoảng có mưa lớn nhưng chưa từng xảy ra hiện tượng sụt lún, sạt lở như bây giờ, cuộc sống khi đó vẫn yên ổn. Từ khi đồi bắt đầu nứt nẻ, gia đình tôi luôn sống trong trạng thái bất an. Cứ mỗi lần trời mưa là cả nhà phải vội vàng tìm nơi trú ẩn, vì sợ đất đá từ trên đồi sạt xuống, vùi lấp bất ngờ. Tôi chỉ mong đảm bảo được sự an toàn cho bản thân và người thân".
XÂY DỰNG KHU TÁI ĐỊNH CƯ
Ông Bùi Văn Liên – Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện Lạc Sơn cũ (nay vẫn tạm thời là Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất Lạc Sơn), cho biết UBND huyện Lạc Sơn (tỉnh Hòa Bình) đã được giao làm chủ đầu tư Dự án xây dựng hạ tầng khu tái định cư khẩn cấp xóm Rài, với tổng mức đầu tư lên tới hơn 72 tỷ đồng. Dự án được thực hiện bằng nguồn vốn hỗn hợp, gồm ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh, ngân sách huyện và các nguồn vốn hợp pháp khác. Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Lạc Sơn là cơ quan quản lý dự án.
Theo thiết kế, khu tái định cư có quy mô 131 lô đất ở, trong đó bố trí 111 lô cho các hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sạt lở và 20 lô còn lại làm dự phòng. Mỗi lô đất (mỗi hộ) có diện tích khoảng 200m², tổng diện tích san nền khoảng 6ha. Khối lượng đất phục vụ san nền được khai thác từ mỏ đất tập kết của Dự án Hồ Cánh Tạng.
"Tổng mức đầu tư của Dự án tái định cư xóm Rài được phê duyệt là 72,46 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng và tái định cư là hơn 19,3 tỷ đồng; chi phí xây dựng hơn 43,7 tỷ đồng, gồm 39,3 tỷ cho hạng mục khẩn cấp và hơn 4,4 tỷ cho phần không khẩn cấp; chi phí thiết bị hơn 1,5 tỷ đồng...”
Ông Bùi Văn Liên – Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất Lạc Sơn.
Dự án được đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng thiết yếu, gồm: đường giao thông nội khu, kè chắn đất, hệ thống thoát nước mưa và nước thải, hệ thống cấp nước sinh hoạt, điện sinh hoạt, phòng cháy chữa cháy và các hạng mục công trình phúc lợi khác nhằm bảo đảm điều kiện sống ổn định, an toàn cho người dân.
Chia sẻ về tiến độ dự án, ông Liên cho hay, dự án gồm phần chính: Phần khẩn cấp và phần không khẩn cấp. Trong đó, phần khẩn cấp (gồm các hạng mục: san nền, kè, đường nội khu...) đã khởi công ngày 7/11/2024 và đã hoàn thành ngày 31/3/2025, chậm tiến độ so với lệnh ban hành tại Quyết định số 2317/QĐ-UBND ngày 5/11/2024 của UBND tỉnh là ngày 30/12/2024. Trong khi đó, đến nay phần không khẩn cấp (hoàn thiện mặt đường; hệ thống điện chiếu sáng; hệ thống thoát nước mưa, thoát nước thải…) tiếp tục bị chậm tiến độ so với kế hoạch.
Nguyên nhân do có nhiều vướng mắc về thủ tục và lựa chọn nhà thầu, cùng với thời tiết diễn biến phức tạp. “Trong quá trình triển khải, thủ tục giải ngân kinh phí để chi trả giải phóng mặt bằng với 6 ha đất lúa và cây cối, hoa màu, 15 ngôi mộ gặp vướng mắc nên bị chậm trễ. Dự án chia các hạng mục khẩn cấp và không khẩn cấp, dẫn đến việc bóc tách hạng mục, khối lượng để thực hiện theo trình tự khẩn cấp và theo quy trình Luật Đầu tư công nên gặp nhiều vướng mắc trong triển khai. Diễn biến thời tiết bất lợi làm ảnh hưởng đến việc thi công, san lấp mặt bằng...”, ông Liên chia sẻ.
Do đó, ngày 23/4/2025, Ủy ban nhân dân huyên Lạc Sơn đã có văn bản số 759/UBND-BQLDA về việc xin gia hạn thời gian xây dựng các hạng mục không khẩn cấp. Đến ngày 9/5/2025, mỏ vật liệu đắp của dự án mới được UBND tỉnh Hòa Bình cấp phép làm cơ sở xác định giá gói thâu xây lắp phần không khẩn cấp của dự án đảm bảo điều kiện lựa chọn các nhà thầu phần không khẩn cấp.
HIỆU QUẢ TỪ CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG 2 CẤP
Đến thời điểm này, tất cả những vướng mắc nêu trên đã được tháo gỡ. Trước mắt chúng tôi, các máy móc đang gấp rút thi công các hạng mục đường, hào thoát nước, hệ thống điện. Trên mặt bằng của khu tái định cư, hàng chục ngôi nhà đã được người dân tập chung xây dựng, trong đó nhiều ngôi nhà bề thế, cao hai tầng đã hiện rõ bộ khung bê tông, có nhà đã lợp mái.
Anh Bùi Văn Khuyến, một trong những hộ dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở tại xóm Rài, cho biết gia đình anh đã được cấp đất tại khu tái định cư và bốc được lô số 27. “Gia đình tôi rất phấn khởi, biết ơn sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước. Có đất an cư là điều kiện để chúng tôi ổn định cuộc sống, yên tâm lập nghiệp lâu dài”, anh chia sẻ.

Tuy nhiên, theo anh Khuyến, khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề tài chính để xây dựng nhà ở mới. Gia đình anh dự kiến hoàn thành căn nhà rộng 120m² (bao gồm cả gian bếp) vào tháng 10 năm nay, với tổng chi phí khoảng hơn 500 triệu đồng. Trong đó, Nhà nước đã hỗ trợ nhiều lần với tổng cộng 80 triệu đồng, phần còn lại gia đình phải tự lo liệu bằng cách vay mượn bà con, hàng xóm để có thể dựng được khung nhà và mái che.
"Ngày trước, quy trình là từ xã để xây dựng kế hoạch báo cáo lên huyện, huyện tổng hợp kế hoạch rồi phản hồi, duyệt. Nay xã đã được chủ động, căn cứ vào nguồn thu của mình, quỹ tiền của mình, từ xây dựng quy hoạch, kế hoạch triển khai, lựa chọn nhà thầu... đều tự quyết được ngay".
Ông Bùi Văn Liên – Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất Lạc Sơn.
Ông Doãn Quang Hưng – Chủ tịch UBND xã Mường Vang, tỉnh Phú Thọ - cho hay trước đây, rất nhiều việc xã phải xin chỉ đạo từ huyện, dẫn đến các khâu từ giải phóng mặt bằng đến lựa chọn nhà thầu bị chậm trễ. Từ khi xoá bỏ cấp huyện (từ ngày 1/7/2025), chúng tôi được tự quyết mọi việc. Những việc thuộc thẩm quyền của huyện nay đã được giao hết cho xã, nhờ vậy tiến độ giải quyết dự án tái định cư được đẩy nhanh hơn.
“Bên cạnh những nỗ lực từ trước, việc vận hành chính quyền địa phương 2 cấp hiện nay đang tạo nhiều thuận lợi, giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đặc biệt, với cơ chế phân cấp mới, thẩm quyền giải quyết tái định cư giờ chỉ thuộc về cấp xã. Nhờ vậy, người dân có thể sớm an cư trong những ngôi nhà mới kiên cố và an toàn hơn”, ông Hưng khẳng định.
Ông Doãn Quang Hưng chia sẻ thêm: Diện tích đất ở của người dân có nguy cơ bị sạt lở sẽ được Nhà nước giao đất ở khu tái định cư. Ngoài 111 lô đất đã phân cho các hộ dân trong đợt này, xã Mường Vang còn dành lại 20 lô đất dự phòng cho các trường hợp hộ dân có thể phải tái định cư trong thiên tai tương lai. Đây là minh chứng rõ nét cho quyền hạn mới của chính quyền cấp xã trong công tác quy hoạch, dự phòng và xử lý kịp thời thiên tai.
“Đối với đất nhà ở cũ của dân sẽ chuyển mục đích phần diện tích đấy sang đất nông nghiệp để cho người dân vẫn trực tiếp sản xuất và tiếp tục sản xuất. Những ngôi nhà cũ dù kiên cố nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bị sạt lở bất cứ lúc nào. Vì vậy, toàn bộ diện tích xóm cũ sẽ được xử lý theo khoản 2 Điều 82 Luật Đất đai 2024. Với thẩm quyền thuộc về cấp xã, tiến độ xử lý dự kiến được đẩy nhanh hơn”, ông Hưng nhấn mạnh.