October 21, 2020 | 14:01 GMT+7

VCCI đề xuất thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư không bao gồm lợi nhuận

KIỀU LINH

Theo quan điểm của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nếu áp dụng phương án 2 thì mức phí sử dụng đường cao tốc theo cơ chế phí sẽ thấp hơn mức phí dịch vụ theo cơ chế giá

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý Bộ Tài chính về Dự thảo Nghị quyết của UBTVQH quy định về phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.

Tại Dự thảo này, Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án: Phương án 1: Quy định thu phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo quy định pháp luật về giá (sau đây gọi tắt là cơ chế giá).

Phương án 2: Quy định thu phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo quy định pháp luật về phí, lệ phí (sau đây gọi tắt là cơ chế phí).

ĐỀ XUẤT THU THEO CƠ CHẾ PHÍ

Theo quan điểm của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nếu áp dụng phương án 2 thì mức phí sử dụng đường cao tốc theo cơ chế phí sẽ thấp hơn mức phí dịch vụ theo cơ chế giá, do Điều 3 của Luật Phí và lệ phí có quy định: “mức phí nhằm cơ bản bù đắp chi phí cung cấp dịch vụ” mà không bao gồm phần lợi nhuận của chủ đầu tư ở đây là Nhà nước đầu tư.

Mức phí thấp này sẽ giúp giảm chi phí vận tải người và hàng hoá của các doanh nghiệp, từ đó giúp giảm chi phí logistics của Việt Nam.

Trong tờ trình, cơ quan soạn thảo lo ngại việc thu phí dịch vụ theo cơ chế giá sẽ tạo ra sự chênh lệch về mức phí giữa hai loại dự án do nhà nước đầu tư và do tư nhân đầu tư theo phương thức PPP, đặc biệt là trên tuyến đường cao tốc Bắc - Nam. Điều này sẽ khiến các chủ phương tiện phản ứng và gây khó khăn cho các dự án PPP. 

Tuy nhiên, khi xét trong bối cảnh phải lựa chọn giữa hai phương án 1 và phương án 2 nêu trên thì khó có khả năng các chủ phương tiện lại phản đối phương án 2, vì phương án này có mức phí cao thấp hơn. Do đó, nguy cơ các chủ phương tiện không đồng tình như lo ngại của cơ quan soạn thảo sẽ khó xảy ra.

Thậm chí, việc áp dụng phương án 2 còn có lợi cho các dự án PPP, bởi lẽ, khi đó, tổng chi phí vận tải sẽ thấp hơn, dẫn đến tổng lưu lượng giao thông sẽ cao hơn phương án 1. Với lưu lượng lớn hơn thì các dự án PPP sẽ có doanh thu tốt hơn và sẽ nhanh hoàn vốn hơn, đặc biệt là trên tuyến cao tốc Bắc - Nam. 

Do đó, lo ngại của cơ quan soạn thảo về việc phương án 2 sẽ gây khó khăn cho việc thu hồi vốn của các dự án PPP là không có cơ sở.

Với các lý do trên, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề nghị cơ quan soạn thảo lựa chọn phương án 2, thu phí sử dụng đường cao tốc theo cơ chế phí.

DỰ KIẾN MỖI NĂM THU ĐƯỢC 2.142 TỶ ĐỒNG

Trước đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc Quốc hội theo 2 Phương án như trên. Qua nhiều phân tích, Bộ Tài chính chọn phương án 1, thu phí theo cơ chế giá. 

Theo Bộ Tài chính, thu theo phương án này sẽ có các ưu điểm như phù hợp với Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam, phía Đông giai đoạn 2017 - 2020; khuyến khích thu hút nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng hạ tầng đường bộ;

Đồng thời, công khai, minh bạch và dễ nhận được sự đồng thuận của người dân và chủ phương tiện.

Tuy nhiên, nhược điểm là có ý kiến cho rằng, đường cao tốc do Nhà nước đầu tư quy định thu phí dịch vụ (theo cơ chế giá) là không đúng bản chất; Bộ Giao thông Vận tải và địa phương phải thành lập công ty để quản lý thu phí dịch vụ đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.

Bộ Tài chính cũng cho biết, các tác động về mặt kinh tế - xã hội như sau: Theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tải trên cơ sở phân tích dữ liệu sử dụng 5 tuyến đường cao tốc hiện hành, kết quả lượng hóa chi phí vận hành và chi phí thời gian của phương tiện cho thấy so với lưu thông tuyến trên quốc lộ song hành, phương tiện lưu thông trên các tuyến cao tốc sẽ được lợi bình quân theo xe đơn vị là 2.518 đồng/km/xe tiêu chuẩn.

Như vậy, nếu phải nộp phí khoảng 1.000 đồng/km/xe tiêu chuẩn thì chủ phương tiện vẫn hưởng lợi khoảng 1.500 đồng/km.

Hệ thống đường cao tốc do Nhà nước đầu tư hiện nay (tổng dài 196 km), nếu thực hiện thu phí dịch vụ đường cao tốc với mức thu là 1.000 đồng/km/xe tiêu chuẩn thì dự kiến hàng năm sẽ thu được khoảng 2.142 tỷ đồng. 

Đây là nguồn vốn quan trọng bổ sung cho việc đầu tư cải tạo hệ thống đường cao tốc hiện hành, cũng như bổ sung vốn đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc mới.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate