August 03, 2024 | 08:59 GMT+7

VCCI: Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu vẫn gây khó khăn cho doanh nghiệp

Vũ Khuê -

Nhiều doanh nghiệp lo ngại cơ chế quản lý giá bán xăng dầu trong Dự thảo sẽ tăng thêm thủ tục hành chính không cần thiết cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý...

VCCI kiến nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi Dự thảo theo hướng cho phép các thương nhân phân phối mua bán xăng dầu với nhau.
VCCI kiến nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi Dự thảo theo hướng cho phép các thương nhân phân phối mua bán xăng dầu với nhau.

Góp ý đối với Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu của Bộ Công Thương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng còn nhiều bất cập về cơ chế giá bán xăng dầu, điều kiện kinh doanh, quy định về kinh doanh dịch vụ xăng dầu, dự trữ lưu thông…

KHÔNG CÓ GIÁ TRẦN HOẶC BÃI BỎ THỦ TỤC KÊ KHAI GIÁ

Về cơ chế quản lý, dự thảo đưa ra cơ chế mới để quản lý giá bán xăng dầu, theo đó, doanh nghiệp được quyết định giá xăng dầu nhưng không cao hơn mức trần tại Điều 34.

Giá trần tại Điều 34 được tính nguyên tắc chi phí cộng tới, gồm chi phí tạo nguồn, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức và thuế. Như vậy, theo cơ chế được đề xuất, cơ quan nhà nước sẽ công bố các chi phí thành phần, sau đó doanh nghiệp tự tính ra giá trần, thay vì như hiện nay là cơ quan nhà nước công bố giá trần. 

Theo đánh giá của các doanh nghiệp xăng dầu, cơ chế này chỉ thay đổi về hình thức, chứ không thay đổi về bản chất việc quản lý giá xăng dầu. Công thức tính giá và các chi phí thành phần cũng không có sự thay đổi đáng kể so với hiện hành. Nếu thực hiện theo cơ chế này, giá trần sẽ rất sát với giá thành toàn bộ của việc cung ứng xăng dầu.

Vì thế đại đa số doanh nghiệp vẫn sẽ phải bán theo giá trần, chứ khó có khả năng bán với giá thấp hơn để cạnh tranh với doanh nghiệp khác. Như vậy, cơ chế mới này không có khác biệt trên thực tế so với hiện hành.

Hơn nữa, Dự thảo bổ sung quy định doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục kê khai giá bán xăng dầu với cơ quan nhà nước.

Theo phân tích trên, trong trường hợp đại đa số các doanh nghiệp bán xăng dầu với giá trần, thủ tục kê khai giá này không mang lại ý nghĩa quản lý. Nhiều doanh nghiệp lo ngại cơ chế này sẽ tăng thêm thủ tục hành chính không cần thiết cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Mỗi doanh nghiệp sẽ phải kê khai giá từng tuần khi cơ quan nhà nước công bố chi phí tạo nguồn mới, dẫn đến số lượt làm thủ tục rất lớn.

Với các phân tích trên, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc hai phương án sau:

Phương án 1: Cho phép doanh nghiệp tự quyết định giá bán (không có giá trần), đi kèm với các quy định về công khai, minh bạch giá để người tiêu dùng lựa chọn như: niêm yết giá ở vị trí cao, to rộng, rõ ràng để người đi đường có thể nhìn rõ mà chưa cần phải chuyển hướng rẽ vào cây xăng; kê khai giá trên một cổng thông tin chung và được công khai ngay lập tức để người tiêu dùng có thể so sánh giá giữa các cây xăng một cách trực tuyến.

Thêm vào đó, cơ quan nhà nước theo dõi diễn biến thị trường thường xuyên để phát hiện các trường hợp vi phạm Luật Cạnh tranh như lạm dụng vị trí độc quyền, vị trí thống lĩnh (giá bán cao bất hợp lý, Điều 27 Luật Cạnh tranh) hoặc thoả thuận hạn chế cạnh tranh (bắt tay làm giá, Điều 11 Luật Cạnh tranh).

Phương án 2: Bỏ thủ tục kê khai giá, hoặc miễn thủ tục này khi doanh nghiệp bán hàng đúng bằng giá trần theo quy định tại Điều 34 của Nghị định này.

Ngoài ra, Dự thảo quy định các hợp đồng thuê cảng, kho xăng dầu phải có thời hạn tối thiểu 5 năm là một trong những điều kiện kinh doanh xăng dầu. VCCI cho rằng việc quy định thời hạn của hợp đồng này không có nhiều ý nghĩa trên thực tế, vì các bên hoàn toàn có thể điều chỉnh hợp đồng sau khi được cấp phép.

Nhiều lĩnh vực khác khi quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, pháp luật yêu cầu doanh nghiệp phải có quyền sử dụng cơ sở vật chất và phải duy trì quyền sử dụng đó trong suốt thời gian kinh doanh. Đây là cách tiếp cận hợp lý, bảo đảm doanh nghiệp luôn có đủ năng lực để thực hiện các hoạt động kinh doanh an toàn.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh quy định theo hướng: Bãi bỏ quy định về thời hạn hợp đồng 5 năm; bổ sung quy định doanh nghiệp phải duy trì quyền sử dụng cảng và kho trong suốt thời gian kinh doanh.

CHO PHÉP CÁC THƯƠNG NHÂN PHÂN PHỐI MUA BÁN XĂNG DẦU VỚI NHAU

Điều 17 của Dự thảo quy định về quyền và nghĩa vụ của thương nhân phân phối xăng dầu, trong đó không cho phép các thương nhân phân phối mua bán xăng dầu với nhau. Lý giải cho điều này, cơ quan soạn thảo cho rằng nếu cho phép thương nhân phân phối mua bán lẫn nhau sẽ dẫn đến mua bán lòng vòng, qua nhiều tầng nấc trung gian, đẩy giá xăng dầu lên cao.

Theo VCCI, lập luận này không có cơ sở và đi ngược lại quy luật thị trường. Các bên trên thị trường bán buôn xăng dầu có xu hướng ưu tiên mua của những thương nhân phân phối có giá thấp hơn. Giả sử có một nguồn hàng giá rẻ, nhưng do bị mua bán qua nhiều trung gian khiến giá bán tăng lên, thì người mua sẽ tìm đến tận gốc nguồn hàng để có thể mua rẻ hơn. Thương nhân phân phối nào bán giá cao sẽ bị đào thải khỏi thị trường do không thể cạnh tranh với các thương nhân đầu mối và phân phối khác có giá rẻ hơn.

Trước đây, Nghị định 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP quy định hệ thống phân phối 1:1, tức là thương nhân bán lẻ buộc phải phụ thuộc vào thương nhân phân phối. Trong trường hợp đó, nếu thương nhân phân phối tăng giá bán, thương nhân bán lẻ không thể đổi sang nhà cung cấp khác, nên buộc phải chịu giá cao. Tuy nhiên, từ Nghị định 80/2023/NĐ-CP đã cho phép thương nhân bán lẻ được nhập hàng từ nhiều nguồn. Tính cạnh tranh trên thị trường bán buôn tăng lên nên tình trạng trên đã không còn diễn ra.

Một số ý kiến cho rằng việc cho phép các thương nhân phân phối mua bán lẫn nhau có thể khiến số liệu báo cáo về tình hình dự trữ xăng dầu không chính xác. Tuy nhiên, theo dự thảo, nghĩa vụ dự trữ lưu thông chỉ áp dụng cho thương nhân đầu mối, không áp dụng cho các thương nhân phân phối. Thêm vào đó, dự thảo đã bổ sung quy định tại Điều 9.5 về việc thương nhân đầu mối phải kết nối mạng với Bộ Công Thương báo cáo dữ liệu về kho chứa xăng dầu, tồn kho xăng dầu. Như vậy, vấn đề dữ liệu tình hình dự trữ xăng dầu đã được xử lý.

Do đó, VCCI kiến nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi Dự thảo theo hướng cho phép các thương nhân phân phối mua bán xăng dầu với nhau.

Đối với quy định dự trữ lưu thông xăng dầu, VCCI cho rằng Điều 29 của Dự thảo quy định về dự trữ lưu thông xăng dầu nhưng lại chưa có quy định về việc sử dụng xăng dầu dự trữ, như xăng dầu dự trữ sẽ được sử dụng trong trường hợp nào? Khi có chiến tranh, thiên tai, địch hoạ, tình trạng khẩn cấp; hay khi đứt gãy nguồn cung xăng dầu (sản xuất và nhập khẩu); hay khi có biến động giá xăng dầu cao bất thường? Xăng dầu dự trữ được sử dụng vào mục đích nào? Doanh nghiệp được quyền bán ra hay phải giao cho Nhà nước sử dụng?... Ai có thẩm quyền quyết định việc sử dụng xăng dầu dự trữ?

VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc cơ chế Nhà nước điều hành lượng dự trữ lưu thông. Ví dụ, khi đứt gãy nguồn cung khiến xăng dầu trong nước thiếu hụt trong ngắn hạn, cơ quan quản lý có thể quyết định hạ mức dự trữ xuống 50% bình thường. Khi đó sẽ có thêm lượng xăng dầu được cung cấp ra thị trường, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Đến khi nguồn cung xăng dầu được khôi phục, cơ quan quản lý có thể nâng mức dự trữ lên 100% như bình thường.

Đối với giá bán lẻ tại địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, Điều 33.2 của Dự thảo quy định được tăng thêm tối đa 2% so với mức trần tại Điều 34. Địa bàn này được xác định theo Quyết định 1162/QĐ-TTg về Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp phản ánh rằng các địa bàn tại Quyết định 1162 chưa phản ánh hết các trường hợp chi phí vận chuyển xăng dầu tăng cao do khoảng cách xa so với nhà máy sản xuất hoặc cảng nhập khẩu xăng dầu như một số tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm một số khu vực cách xa nhà máy hoặc cảng nhập khẩu vào diện được tăng giá thêm 2%. Điều này giúp các doanh nghiệp có thêm động lực để đưa xăng dầu lên các khu vực trên, phục vụ đời sống kinh tế xã hội.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate