July 08, 2024 | 16:50 GMT+7

VDSC: Không loại trừ khả năng Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành trong quý 3

Thu Minh -

Trong kịch bản rủi ro, Chứng khoán Rồng Việt nhận định nếu Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng lãi suất điều hành có thể khiến VN-Index quay về ngưỡng 1240 điểm, hoặc thậm chí 1180 – 1220 điểm trong quý 3. Dù vậy, trong tháng 7 kỳ vọng chỉ số sẽ giao dịch trong biên độ 1.240-1.320 điểm...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Mùa công bố kết quả kinh doanh quý 2 đang đến gần, với sự tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm ngoái, đây sẽ là động lực dẫn dắt thị trường chứng khoán sôi động trong tháng 7, theo Chứng khoán Rồng Việt.

LỢI NHUẬN DOANH NGHIỆP ƯỚC TĂNG 13%

Cụ thể, VDSC kỳ vọng kết quả kinh doanh quý 2 tiếp tục tích cực theo xu hướng của tăng trưởng kinh tế và tốc độ tăng trưởng tín dụng cải thiện dần từ cuối quý 1/2024.

Kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 6,93% trong quý 2/2024, vượt kịch bản cao nhất đã đề ra là 6,32%. Với số liệu này, có cơ sở để nhà đầu tư kỳ vọng bức tranh kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp niêm yết sẽ mang gam màu sáng nhiều hơn.

Trong đó, các ngành có tỷ trọng đóng góp cao trong cơ cấu doanh thu, lợi nhuận của của rổ VN-Index như sản xuất công nghiệp tăng 10%, bán lẻ tăng 7,6%, và vận tải tăng 11,5% duy trì được động lượng tăng trưởng bền bỉ trong bốn quý liên tiếp.

Cấu phần dịch vụ tài chính tăng 5,7% cũng như tình hình huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 1,50% so với cuối năm 2023, và tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 4,45% cho thấy một gam màu sáng trong bức tranh lợi nhuận của nhóm ngân hàng và dịch vụ tài chính.

Ngoài ra, mặc dù mức tăng không cao, nhưng lĩnh vực bất động sản đang cho thấy sự phục hồi khá bền bỉ trong ba quý liên tiếp vừa qua. Kỳ vọng rằng, kết quả kinh doanh của nhóm ngành này sẽ bắt đầu thể hiện sự phục hồi từ quý 2.

Trong quý 2, tốc độ tăng trưởng tổng tài sản của các doanh nghiệp niêm yết trên HSX sẽ đảo chiều trở lại khi chỉ báo tăng trưởng tín dụng theo báo cáo mới nhất là tăng 4,5% kể từ đầu năm và ~14% so với cùng kỳ. Cơ sở cho cách tiếp cận này đến từ: ngân hàng vẫn là kênh dẫn vốn chính của nền kinh tế ở các nước phát triển như Việt Nam, do đó tăng trưởng tín dụng là phương tiện có thể tin cậy để đo lường mối quan hệ mật thiết với tăng trưởng tài sản trong nền kinh tế. Sự tương quan đó cũng đã thể hiện trong những năm qua.

Vòng quay tài sản đã tạo đáy từ quý 1/2024 và sẽ có xu hướng phục hồi về trạng thái bình thường trong các quý tới khi hiệu ứng “lãi suất cho vay giảm và đã có dấu hiệu chạm đáy” sẽ không còn lấn át hiệu ứng “tăng trưởng tính dụng” vốn đã yếu trong suốt năm 2023 và 1Q2024, và số liệu tăng trưởng về sản xuất và tiêu dùng được cải thiện qua các quý là cơ sở để tin rằng vòng quay tài sản ở các nhóm ngành khác cũng sẽ được cải thiện.

Đối với biên lợi nhuận ròng,  yếu tố mùa vụ và biên lợi nhuận nhóm ngân hàng có thể chưa cải thiện thêm do tiềm ẩn rủi ro nợ xấu vẫn còn, là những nhân tố khiến biên lợi nhuận ròng có sự điều chỉnh nhẹ so với quý 1.

Doanh thu toàn thị trường quý 2 sẽ bắt đầu có sự phục hồi so với quý trước, tuy nhiên tăng trưởng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ, và tăng trưởng lợi nhuận sau thuế ước đạt 13%.

RỦI RO NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC TĂNG LÃI SUẤT ĐIỀU HÀNH

Chỉ số VN-Index biến động trong biên độ khoảng 6,6% (1230 – 1300) kể từ đầu tháng 5/2024 cùng với thanh khoản sụt giảm. Diễn biến trầm lắng này đang phản ánh triển vọng kém khả quan trên thị trường tiền tệ, trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ và nhà đầu tư nước ngoài duy trì trạng thái bán ròng liên tục.

Cho triển vọng thị trường chứng khoán tháng 7, bối cảnh kinh tế hiện tại đang đan xen hai gam màu: Gam màu sáng từ xu hướng phục hồi khả quan của tăng trưởng kinh tế. Trong đó, hoạt động sản xuất công nghiệp là động lực, trong khi hoạt động xuất nhập khẩu duy trì khả quan, và Gam màu kém sắc từ thị trường tiền tệ, khi mà tỷ giá tự do liên tục lên các mức cao mới, trong khi Ngân hàng Nhà nước phải sử dụng dự trữ ngoại hối để kiềm chế đà tăng tỷ giá trong hơn hai tháng qua.

Nếu áp lực tỷ giá không suy giảm, không loại trừ khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ phải tăng lãi suất điều hành trong Q3/2024. Động thái này là hợp lý, nếu xảy ra, nhằm kiềm chế đà mất giá của tiền đồng trong khi vẫn bảo vệ được dự trữ ngoại hối.

Với tác động trái chiều của hai yếu tố trên, thị trường nhìn chung vẫn giữ mức biến động như hai tháng vừa qua: với mùa công bố kết quả kinh doanh quý 2 sẽ diễn ra trong tháng 7, VN-Index vẫn có cơ hội quay lại ngưỡng 1.300 điểm; trong khi vấn đề tỷ giá, và rủi ro Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng lãi suất điều hành, có thể khiến chỉ số quay về ngưỡng 1240, hoặc thậm chí 1180 – 1220 điểm trong quý 3.

Ở vùng dao động này của chỉ số, các nhóm cổ phiếu sẽ luân phiên tăng điểm, mang lại cơ hội đầu tư ngắn hạn và nhà đầu tư có thể chủ động phân bổ danh mục đầu tư cho các mục tiêu ngắn – dài hạn, và tỷ trọng cổ phiếu: tiền mặt hợp lý. Một mức biến động 5% của VN-Index có thể sẽ mang lại mức chênh lệch lớn về hiệu suất sinh lời cho các danh mục với tỷ trọng cổ phiếu khác nhau. Do vậy, hạn chế sử dụng đòn bẩy quá mức và luôn có sức mua cho cơ hội ở các nhịp điều chỉnh lớn.

Thống kê cho thấy lãi suất huy động đã tăng từ 30-50 điểm so với cuối tháng 3/2024 nhưng vẫn thấp hơn so với cuối năm 2023. Áp lực tỷ giá kéo dài do sức mạnh của đồng USD và nhu cầu ngoại tệ tăng cao khiến rủi ro Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng lãi suất điều hành trong quý 3/2024 có thể hiện thực hóa.

Đồng thời, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đang dần tăng trở lại, đặc biệt trong giai đoạn cuối năm, khiến mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng lên trong giai đoạn này. Một mức tăng thêm 50 – 100 bps về mức trước dịch là hợp lý. Theo đó, VDSC kỳ vọng VN-Index sẽ giao dịch trong biên độ 1.240-1.320 trong tháng Bảy.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate