Như VnEconomy đưa tin, trong báo cáo khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu mới công bố, Tổ chức xếp hạng thị trường MSCI đánh giá tiêu chí "khả năng chuyển nhượng" (Transferability) của Việt Nam đã được thay đổi từ cần cải thiện "-" sang không có vấn đề lớn "+".
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn 8 tiêu chí cần cải thiện để hoàn thành bộ 18 tiêu chí của MSCI bao gồm: Giới hạn sở hữu nước ngoài; Room ngoại; Quyền bình đẳng của nhà đầu tư nước ngoài; Mức độ tự do trên thị trường ngoại hối; Đăng ký nhà đầu tư và thiết lập tài khoản; Quy định thị trường; Luồng thông tin và cuối cùng là thanh toán bù trừ.
THÊM 2 TIÊU CHÍ SẮP ĐƯỢC GỠ BỎ?
Nghẽn ở đâu và giải pháp là gì? Theo nhận định của các chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt, mức độ cởi mở về sở hữu nước ngoài và sự hiệu quả về cơ chế hoạt động của thị trường cho nhà đầu tư ngoại là những yếu tố cần phải cải thiện.
Do MSCI kết hợp đánh giá theo phương pháp định lượng thông qua bảng đánh giá trên và phương pháp định tính qua việc xem xét phản hồi của nhà đầu tư tổ chức trước khi đưa ra quyết định cuối cùng trong bảng báo cáo định kỳ, sẽ là phù hợp nếu đặt kết quả định lượng của Việt Nam với nhóm các thị trường châu Á khác hiện đã được phân hạng vào thị trường mới nổi, bên cạnh phần thuyết minh định tính trong bản báo cáo nhằm tìm ra sự khác biệt trong việc đánh giá “khả năng tiếp cận thị trường” đối với nhà đầu tư ngoại.
Một số điểm nhấn về các điểm nghẽn từ báo cáo đánh giá của MSCI tháng 06/2024 bao gồm: (1) Mức độ cởi mở về sở hữu nước ngoài, (2) Sự dễ dàng của dòng vốn quốc tế ra/vào và (3) Sự hiệu quả về cơ chế hoạt động của thị trường là những điểm cần được cải thiện.
Tuy nhiên để được nâng hạng chỉ cần cải thiện tiêu chí (1) và (3), do tiêu chí về mức độ hạn chế dòng vốn mang yếu tố trọng yếu hơn cả so với sự cần thiết phải có một thị trường ngoại hối cho đồng nội tệ ở cả trong và ngoài nước.
Xét tiêu chí về sự cởi mở trong việc sở hữu nước ngoài, các yếu tố định lượng của Việt Nam là tương đồng với Thái Lan. Tuy nhiên, về yếu tố định tính theo đánh giá của cộng đồng nhóm nhà đầu tư, việc Thái Lan áp dụng chính sách “cổ phiếu phổ thông không có quyền biểu quyết - NVDR” đã giúp Thái Lan cải thiện đáng kể tiêu chí “khả năng tiếp cận thị trường” và được nâng hạng lên thị trường mới nổi.
Xét tiêu chí về sự hiệu quả của cơ chế hoạt động thị trường dành cho nhà đầu tư ngoại, việc thiếu cơ chế ràng buộc công bố thông tin và cập nhật các quy định pháp luật bằng tiếng anh cũng như chưa áp dụng rộng rãi chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS khiến cho tính tổ chức thị trường chưa đạt chuẩn trong mắt đầu tư ngoại.
Ngoài ra, việc yêu cầu theo quy định hiện hành phải có đủ 100% tiền trước khi đặt lệnh mua (cơ chế prefunding) để hạn chế rủi ro mất khả năng thanh toán trước khi hàng (chứng khoán) được chuyển về tài khoản nhà đầu tư cũng tạo thêm rào cản giao dịch cho nhà đầu tư ngoại. Điều này là chưa phù hợp với chuẩn mực quốc tế về cơ chế DvP (Delivery versus Payment), giao dịch tiền và hàng phải diễn ra đồng thời.
Tựu trung, để được xem xét nâng hạng theo tiêu chí của MSCI, thị trường chứng khoán Việt Nam cần giải quyết các nút thắt về (1) “giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài”, (2) chuẩn mực công bố thông tin của công ty đại chúng, (3) cơ chế vận hành giao dịch để cải thiện “khả năng tiếp cận thị trường” trong mắt của các tổ chức đầu tư quốc tế và gián tiếp nâng cao cơ hội nâng hạng thị trường của tổ chức MSCI.
Trong ngắn hạn, VDSC cho rằng các nút thắt (2) và (3) có thể được tháo gỡ sớm và khả thi. Cụ thể, việc áp dụng IFRS bắt buộc từ năm 2025 sẽ giúp tiêu chí “luồng thông tin” đến nhà đầu tư được cải thiện trong thời gian tới. Bên cạnh đó, kỳ vọng nút thắt “pre-funding” sẽ được tháo gỡ khi quá trình lấy ý kiến và hoàn thiện Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán đang có những tiến triển khả quan.
Trong khi đó, nút thắt liên quan đến giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài sẽ cần nhiều thời gian hơn, từ nỗ lực của nhà quản lý và cả từ phía tổ chức niêm yết.
4 TỶ USD VỐN NGOẠI SẼ ĐỔ VÀO CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM NẾU ĐƯỢC MSCI NÂNG HẠNG
Theo ước tính, vốn hóa của MSCI Vietnam Investable Market Index (IMI) đạt 32 tỷ USD tại ngày 31/05/2024. Trong khi đó vốn hóa MSCI Emerging IMI trị giá 7.239 tỷ USD. Nếu được MSCI nâng hạng, tỷ trọng vốn hóa các cổ phiếu Việt Nam sẽ chiếm 0,44% trong rổ chỉ số MSCI Emerging Market Index. Điều này hàm ý sẽ có 1 dòng vốn ~ 4 tỷ USD của các quỹ đầu tư ngoại tham chiếu chỉ số này rót vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo đó, các cổ phiếu được thêm vào đều thuộc MSCI Vietnam IMI.
Trong đó top 10 cổ phiếu hàng đầu thuộc MSCI Vietnam IMI được tổng hợp gồm HPG, VHM, VIC, MSN, VCB, VNM, SSI, DGC, VND, VRE.
Trong khi yếu tố sự phát triển của nền kinh tế không cần xem xét, Việt Nam đã hội tụ đủ yếu tố về quy mô và thanh khoản, thậm chí tiêu chí này của Việt Nam đã vượt xa nhiều thị trường ở phân hạng thị trường mới nổi khác trong khu vực. Tổng vốn hóa của TTCK Việt Nam đạt hơn 200 tỷ USD, lớn hơn quy mô của các thị trường ở Qatar, Philippines. Thanh khoản thị trường Việt Nam đang ở mức cao với 776 triệu USD/ngày, tương đương với những thị trường trong khu vực như Indonesia, Malaysia, và Singapore.
Tuy nhiên, “khả năng tiếp cận thị trường“ đối với nhà đầu từ toàn cầu vẫn còn là điểm nghẽn lớn của thị trường chứng khoán Việt Nam. Do đó, theo báo cáo “Đánh giá khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu” của MSCI trong kỳ đánh giá định kỳ hàng năm mới nhất, Việt Nam vẫn tiếp tục phân loại là thị trường cận biên (Frontier Market). Mặc dù có sự cải thiện về tiêu chí “khả năng chuyển nhượng”, nhưng vẫn còn 8 tiêu chí trọng yếu cần phải cải thiện.