Theo danh sách công khai các đơn vị nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề, tính đến 14/2/2023, tỉnh Nghệ An có 756 đơn vị nợ bảo hiểm với số tiền lên tới hơn 173 tỷ đồng.
DOANH NGHIỆP CHƯA QUAN TÂM CHÍNH SÁCH BẢO HIỂM THẤT NGHỆP
Theo quy định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hàng tháng cơ quan bảo hiểm xã hội các địa phương phải công khai các đơn vị nợ bảo hiểm xã hội, số tiền nợ lên website của ngành. Thực hiện quy định này, hàng tháng, Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An đều cập nhật, niêm yết công khai các thông tin của các đơn vị nợ bảo hiểm, số lao động của đơn vị tại tháng đó, số tiền nợ của đơn vị, số tháng nợ.
Trong 756 đơn vị nợ bảo hiểm tại tỉnh Nghệ An, đơn vị có số nợ bảo hiểm lớn nhất là hơn 21 tỷ đồng, ít nhất là hơn 5 triệu đồng, với thời gian bị nợ bảo hiểm thấp nhất là 3 tháng, nhiều nhất là 145 tháng.
Những doanh nghiệp nợ bảo hiểm “khủng” phải kể đến như: Công ty CP Đầu tư và xây dựng 24 (trụ sở tại xã Nghi Phú, TP. Vinh) nợ hơn 21,5 tỷ đồng; Công ty CP 482 (phường Lê Lợi, TP. Vinh) nợ hơn 16,7 tỷ đồng; Công ty CP Xây dựng thủy lợi I (trụ sở tại phường Đông Vĩnh, TP. Vinh) nợ hơn 9,8 tỷ đồng; Công ty CP Nam Thuận (trụ sở tại xã Diễn Mỹ, huyện Diễn Châu) nợ hơn 9,1 tỷ đồng.
Công ty CP Xây dựng và thương mại 423 (trụ sở tại phường Quang Trung, TP. Vinh) nợ hơn 7,5 tỷ đồng; Tổng công ty Xây lắp dầu khí Nghệ An (trụ sở tại phường Hưng Bình, TP. Vinh) nợ hơn 5,6 tỷ đồng; Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông 9 (trụ sở tại phường Đông Vĩnh, TP. Vinh) nợ gần 4,5 tỷ đồng…
Trong năm 2022, đoàn liên ngành tỉnh Nghệ An đã làm việc với hơn 160 đơn vị nợ có số nợ cao, thời gian nợ kéo dài. Đồng thời, đoàn cũng thực hiện thanh tra chuyên ngành đột xuất tại hơn 300 đơn vị, thu hồi hơn 81 tỷ đồng tiền nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm y tế tại các đơn vị sử dụng lao động.
Mặc dù đã cố gắng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác thu, giảm nợ bảo hiểm xã hội, nhưng tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn ở mức cao. Trong đó, số nợ của khối doanh nghiệp có tỷ lệ lớn nhất.
Tìm hiểu về nguyên nhân nhiều đơn vị trên địa bàn nợ bảo hiểm xã hội cho thấy có bốn lý do chủ yếu:
Thứ nhất, các đơn vị này chưa thực sự quan tâm thực hiện các chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Thứ hai, các đơn vị, doanh nghiệp ở tình trạng ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ sử dụng lao động bỏ trốn, mất tích nên rất khó giải quyết việc nợ này.
Thứ ba, tổ chức công đoàn kiện đơn vị sử dụng lao động ra tòa còn khó triển khai vì những vướng mắc về thủ tục; xử lý hình sự đối với tổ chức, cá nhân vi phạm vẫn chưa được áp dụng, chưa có chủ sử dụng lao động nào bị khởi tố, xử lý do quan điểm về hành vi “trốn đóng bảo hiểm xã hội” chưa có sự thống nhất cao giữa các cơ quan tố tụng.
Thứ tư, số doanh nghiệp nợ do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, các đơn vị bước đầu khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, tuy nhiên, tốc độ phục hồi còn chậm nên chưa có khả năng thanh toán các khoản nợ.
GIẢI BÀI TOÁN NỢ BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP
Cần phải thấy rõ bảo hiểm thất nghiệp là một trong những chính sách trong hệ thống an sinh xã hội. Đây là công cụ quan trọng của chính sách thị trường lao động nhằm góp phần điều tiết quan hệ cung - cầu trênthị trường lao động.
Việc trên 700 doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm thất nghiệp đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người lao động tại đây khi bị mất việc làm và cũng làm ảnh hưởng việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp của Đảng, Nhà nước.
Từ các nguyên nhân trên, tỉnh Nghệ An, tiếp tục đưa ra các giải pháp để giải quyết “bài toán khó” về nợ bảo hiểm này. Bảo hiểm xã hội tỉnh đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp nhằm đôn đốc thu bảo hiểm như tổ chức thu nợ trực tiếp tại các đơn vị hoặc mời đơn vị đến trụ sở cơ quan bảo hiểm.
Tuy nhiên, về các cơ quan khác như Sở lao động, các cơ quan Đảng, chính quyền của tỉnh cũng phải tham gia vào công tác thu nợ này.
Trước hết, phải làm cho các doanh nghiệp này thật sự quan tâm và có trách nhiệm với chính sách bảo hiểm thất nghiệp đồng thời nhằm lắng nghe chia sẻ của các đơn vị về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động để có sự hỗ trợ kịp thời, tháo gỡ khó khăn cùng đơn vị, cũng đôn đốc các đơn vị trong việc nộp các quỹ bảo hiểm đầy đủ, kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Các doanh nghiệp khi tham gia vào thị trường lao động cũng phải có trách nhiệm để phát triển thị trường lao động lành mạnh, cần phải có chế, tài nếu không thực hiện đúng.
Việc kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định về đại diện trong tố tụng để tạo cơ sở cho tổ chức công đoàn cấp trên đại diện cho người lao động khởi kiện doanh nghiệp đòi nợ bảo hiểm xã hội là rất cần thiết.
Cần điều chỉnh mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật bảo hiểm xã hội phù hợp với tính chất và mức độ nghiêm trọng của lĩnh vực. Thực tế hiện nay mức xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật bảo hiểm xã hội vẫn còn thấp, chưa phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và quy mô của việc sử dụng lao động tại doanh nghiệp.
Mặt khác cũng cần thấy rằng, hiện nay chưa có một văn bản pháp luật nào quy định về trường hợp người sử dụng lao động không có khả năng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về bảo hiểm thất nghiệp (do gặp khó khăn về tài chính, phá sản, bị rút giấy phép kinh doanh, không có người đại diện theo pháp luật… dẫn đến chậm đóng, thiếu đóng hoặc không có khả năng đóng đầy đủ cho người lao động, người lao động gặp khó khăn trong việc làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp do không đủ điều kiện về đóng bảo hiểm thất nghiệp .
Do đó cần bổ sung quy định theo hướng trong trường hợp người lao động gặp trường hợp bị chậm đóng bảo hiểm thất nghiệp mà không do lỗi của người lao động thì vẫn đủ điều kiện được hưởng bảo hiểm thất nghiệp.