May 23, 2024 | 10:29 GMT+7

Vì đâu lãi suất huy động được dự báo khó tăng mạnh?

Thu Minh -

VnDirect cho rằng mức tăng lãi suất huy động sẽ không đáng kể, ít nhất là trong quý tới, chủ yếu là do nền kinh tế trong giai đoạn đầu phục hồi với tốc độ vừa phải, đặc biệt tăng trưởng tín dụng và tiêu dùng vẫn còn chậm.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

VnDirect vừa có báo cáo cập nhật vĩ mô và tỷ giá với nhiều điểm đáng chú ý. Theo đó, tính đến ngày 15/5, chỉ số DXY giảm 0,6% so với tháng trước xuống 104,35, trong khi tỷ giá USD/VND tăng lên 25.453 đồng tăng 2,6% so với cuối tháng 3 và tăng 4,9% so với cùng kỳ.

Mặc dù DXY có dấu hiệu hạ nhiệt, VND vẫn tiếp tục suy yếu do giá vàng thế giới liên tục ở mức cao, chủ yếu bởi hoạt động tích trữ của NHTW Trung Quốc, thúc đẩy giá vàng SJC trong nước tăng vọt lên hơn 92 triệu đồng/ lượng, càng nới rộng khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới, qua đó gây áp lực lên tỷ giá.

Ngoài ra, kim ngạch nhập khẩu tăng 15,1% so với cùng kỳ trong 4 tháng năm 2024 cũng góp phần làm tăng nhu cầu trong nước đối với USD.

Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng 57,8 nghìn tỷ đồng khoảng 2,3 tỷ USD tính đến ngày 10/5 sau khi bơm ròng 66,5 nghìn tỷ đồng tương đương khoảng 2,6 tỷ USD vào cuối tháng 4 trong bối cảnh áp lực tỷ giá hối đoái gia tăng. Vì vậy, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã tăng lên mức 4,2% vào ngày 10/5 (so với 3,98% vào ngày 26/4), cho thấy Ngân hàng Nhà nước muốn giữ lãi suất liên ngân hàng ở mức đủ cao để hỗ trợ tỷ giá.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có những biện pháp can thiệp cụ thể như bán USD trên thị trường giao ngay và tổ chức đấu giá vàng miếng. Với dự trữ ngoại hối hiện tại khoảng 94 tỷ USD, tương đương 3,4 tháng nhập khẩu nhỉnh hơn không nhiều so với mức khuyến nghị của IMF, Ngân hàng Nhà nước có dư địa, dù không quá dồi dào, để bán USD nhằm kiềm chế đà tăng của tỷ giá.

Về hoạt động đấu giá vàng miếng, biện pháp này vẫn chưa đem lại hiệu quả như kỳ vọng và cần nhiều giải pháp đồng bộ hơn là chỉ 3 phiên đấu thầu thành công để có thể thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới.

Theo VnDirect, áp lực tỷ giá sẽ vẫn duy trì đến trước thời điểm Fed đảo chiều chính sách tiền tệ. Một số yếu tố có thể hỗ trợ tỷ giá trong năm nay bao gồm lượng kiều hối dồi dào 16 tỷ USD tăng 32% so với cùng kỳ vào năm 2023, giải ngân FDI mạnh mẽ 6,3 tỷ USD tăng 7,1% so với cùng kỳ trong Q1/2024 và thặng dư thương mại 9,0 tỷ USD trong 4 tháng năm 2024 tăng 10,2% so với cùng kỳ. 

Với lãi suất, tính đến ngày 27/4/2024, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng bình quân của các ngân hàng thương mại dao động ở mức khoảng 4,61%/năm, tăng 0,05 điểm % so với tháng trước và giảm 0,31 điểm % tính từ đầu năm.

Áp lực lạm phát gia tăng và đồng nội tệ mất giá đã khiến việc giảm lãi suất huy động chậm lại trong vài tháng qua. Mặt khác, nhu cầu tín dụng yếu đã hạn chế áp lực tăng lãi suất huy động và cho vay vì theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 23/4/2024, tín dụng chỉ tăng 1,6% tính từ đầu năm.

Lãi suất huy động có thể đã chạm đáy do một số ngân hàng bắt đầu tăng lãi suất huy động tại các kỳ hạn cụ thể và lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm của Việt Nam- một chỉ báo cho xu hướng lãi suất huy động, đã tăng lên 2,09% tính đến ngày 26/04 từ mức 1,84% vào cuối tháng 3.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đã tăng hút ròng lên 57,8 nghìn tỷ đồng (2,3 tỷ USD) tính tới ngày 10/5 sau khi bơm ròng 66,5 nghìn tỷ đồng (2,6 tỷ USD) vào cuối tháng 4 trong bối cảnh áp lực tỷ giá gia tăng. Vì vậy, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm neo ở mức trên 4,0% tính đến ngày 10/5, tăng từ mức 3,98% vào cuối tháng 4.

Tuy vậy, VnDirect cho rằng mức tăng lãi suất huy động sẽ không đáng kể, ít nhất là trong quý tới, chủ yếu là do nền kinh tế trong giai đoạn đầu phục hồi với tốc độ vừa phải, đặc biệt tăng trưởng tín dụng và tiêu dùng vẫn còn chậm.

Quay lại thời điểm cuối tháng 3, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng tới 170 nghìn tỷ đồng (6,6 tỷ USD). Sau đó, khi lãi suất liên ngân hàng có dấu hiệu tăng nóng, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực bơm thanh khoản trở lại hệ thống trong hầu hết tháng 4. Những động thái linh hoạt này sẽ đảm bảo tỷ giá vẫn được hỗ trợ nhưng tránh gây áp lực quá lớn lên mặt bằng lãi suất huy động và cho vay.

Trong khi việc lãi suất huy động giảm từ cuối năm 2023 đến đầu năm 2024, dẫn đến chi phí vốn thấp hơn, có thể cho phép các ngân hàng thương mại giảm thêm lãi suất cho vay, tín hiệu lãi suất huy động chạm đáy và bật tăng trở lại trong tháng vừa qua có thể là chỉ báo cho thấy dư địa giảm thêm lãi suất cho vay không còn nhiều do các ngân hàng thương mại còn phải cân đối với các chỉ tiêu kinh doanh khác và duy trì tỷ lệ NIM lành mạnh.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate