November 24, 2021 | 06:00 GMT+7

Vì đâu xuất khẩu nông sản sang Nga vẫn ì ạch?

Chu Khôi -

Sau hơn 5 năm thực thi Hiệp định Liên minh kinh tế Á – Âu, mặc dù thuế xuất khẩu nhiều loại hàng hóa với Nga đã được đưa về 0%, thế nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam – Nga vẫn quá thấp, chưa tới 1 tỷ USD/năm…

Thứ trưởng Trần Thanh Nam chủ trì Diễn đàn chiều 23/11.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam chủ trì Diễn đàn chiều 23/11.

Hàng loạt khó khăn khó khăn, rào cản thương mại đã được các doanh nghiệp Việt Nam và Nga nêu lên tại “Diễn đàn trực tuyến thúc đẩy hợp tác thương mại nông sản, thủy sản Việt Nam - Liên bang Nga”.

Diễn đàn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp Liên bang Nga, Đại sứ quán Nga tại Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga đồng chủ trì và tổ chức vào chiều 23/11/2021 theo hình thức trực tuyến.

NHIỀU QUY ĐỊNH CỦA NGA CHƯA PHÙ HỢP THÔNG LỆ QUỐC TẾ

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết kim ngạch thương mại hai chiều Việt - Nga giai đoạn 2018-2020 vào khoảng 4,5 tỷ USD/năm, trong đó nông sản chiếm khoảng 18-20%, trên dưới 900 triệu USD/năm.

Việt Nam xuất khẩu sang Nga chủ yếu các mặt hàng thủy sản, cà phê, điều, trái cây, chè, gỗ, gạo và nhập khẩu từ Nga là chủ yếu thủy sản, lúa mỳ, phân bón, gỗ, gần đây là các sản phẩm thịt, sữa.

“Con số về thương mại hai chiều Việt Nam Nga so với tiềm năng kinh tế và quan hệ chính trị lâu đời giữa hai nước có thể nói là vẫn khá khiêm tốn, cần phải cải thiện mạnh trong thời gian tới.”, Thứ trưởng Nam nhấn mạnh.

 
Trong 10 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Liên bang Nga đạt 469 triệu USD tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho hay từ sau khi Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) ký Hiệp định thương mại tự do vào năm 2015, chính thức có hiệu lực từ ngày 5/10/2016, rất nhiều mặt hàng nông sản xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga đã giảm thuế về 0%. Mặc dù kim ngạch giao thương từ đó có tăng trưởng, nhưng vẫn sức tăng vẫn ì ạch.

Theo ông Toản, hiện Nga mới chỉ cấp phép cho 50 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thủy sản vào thị trường Nga trong tổng số doanh nghiệp Việt Nam nộp hồ sơ với Nga là 172.

Việt Nam đã đề nghị Nga mở cửa cho thị trường các sản phẩm chăn nuôi nhưng phía Nga mới đồng ý 2 sản phẩm là thịt gia cầm chế biến và sữa. Trong thời gian tới, Cục Thú y Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ nộp hồ sơ đăng ký xuất khẩu bột cá, thức ăn cho chó mèo sang Nga.

Về chiều ngược lại, đã có 52 doanh nghiệp của LB Nga được chấp thuận xuất khẩu thịt vào Việt Nam. Tháng 9/2021, Việt Nam cũng đã cấp phép 26 doanh nghiệp thủy sản của bạn được phép xuất khẩu vào Việt Nam. Trong 10 tháng đầu năm 2021, Nga đã vươn lên thành nhà xuất khẩu thịt lợn lớn nhất vào Việt Nam chiếm gần 33 % thị trường thịt lợn nhập khẩu cả nước.

Đề cập về vướng mắc kỹ thuật, ông Nguyễn Quốc Toản thông tin, mặc dù hiện nay Liên bang Nga đã là thành viên đầy đủ của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), nhưng nước này vẫn áp dụng một số biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm nhập khẩu chưa phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

“Cách thức Cơ quan kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga (FSVPS) cấp phép cho các doanh nghiệp thủy sản của Ta rất tùy tiện, gây khó khăn và không báo trước nên làm khó các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam”, ông Toản nói.

Từ phía điểm cầu ở nước Nga, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Nga đưa ra đề nghị hai bên tiếp tục tập trung vào tháo rỡ các rào cản kỹ thuật và cùng tìm cách tăng số lượng các doanh nghiệp xuất nhập khẩu để gia tăng giá trị thương mại nông sản song phương. Đồng thời, hai bên cần tích cực phối hợp để thông tin kịp thời cho nhau các vướng mắc trong công tác kiểm dịch động thực vật nhằm đảm bảo lưu thông hàng hóa.

KỸ THUẬT THƯƠNG MẠI THEO HƯỚNG CÂN BẰNG

Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Nga cho hay, năm 2020, Nga xuất khẩu 1,6 triệu tấn thủy sản, trị giá 3,5 tỷ USD sang các nước châu Á – Thái Bình Dương. Trong đó, xuất sang Việt Nam 5,9 nghìn tấn thủy sản, giá trị 13,7 triệu USD; chỉ chiếm 0,4% lượng xuất khẩu thủy sản của Nga sang các nước châu Á – Thái Bình Dương. Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi tương quan xuất khẩu thủy sản của Nga sang các nước.

“Nếu năm 2020, thị trường Trung Quốc chiếm 43% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Nga thì đến năm 2021 do các cảng của Trung Quốc hạn chế tiếp nhận hàng hóa khiến lượng hàng thủy sản của Nga sang Trung Quốc giảm. Vì vậy, Nga hướng đến tăng lượng sản phẩm cung cấp vào thị trường Việt Nam, như cá mòi, cá hồi, cá trích, tôm, cua, rong biển…”, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Nga chia sẻ.

Bà Tô Thường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) thông tin, Việt Nam là nước xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 trên toàn cầu.

Xuất khẩu thủy sản sang Nga, nguồn VASEP
Xuất khẩu thủy sản sang Nga, nguồn VASEP

Sau nhiều năm thực thi Hiệp định EAEU, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào Nga chưa tạo được sự tăng trưởng đột biến. "Trong 10 tháng của năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào Nga đạt 140,8 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng xuất khẩu cá ngừ vào Nga tăng 50% so với cùng kỳ năm trước do tác động của đại dịch Covid-19 khiến cho nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm chế biến ăn liền tăng mạnh", Phó Tổng thư ký VASEP dẫn chứng.

Giải thích cho tình trạng này, bà Lan nêu ra hàng loạt khó khăn như: khi xuất khẩu thủy sản vào Nga: hàng rào phi thuế quan (kỹ thuật) của Nga đưa ra quá khe khắt, số lượng doanh nghiệp thủy sản được cấp phép xuất khẩu vào thị trường Nga quá ít do thủ tục đăng ký phía Nga đưa ra quá phức tạp, thời gian xét duyệt kéo dài… Do đó, bà Lan đề nghị Bộ Nông nghiệp Nga tăng số lượng doanh nghiệp thủy sản Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Nga.

Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn thủy sản Minh Phú chia sẻ, năm 2020 Minh Phú xuất khẩu vào Nga được hơn 3 nghìn tấn tôm, với giá trị hơn 27 triệu USD. Trong 10 tháng của năm 2021 Minh Phú xuất khẩu được hơn 2 nghìn tấn sang Nga, giá trị 17.7 triệu USD.

Theo ông Quang, quy định của Nga về tỷ lệ mạ băng 7% là chưa hợp lý. “Chúng tôi mạ băng nhằm mục đích để bảo quản tôm. Nếu tỷ lệ mạ băng chỉ 7% thì tôm hay bị cháy lạnh, nhất là tôm luộc. Các thị trường khác đều cho phép tỷ lệ mạ băng 10%, đây là quy định hợp lý. Trọng lượng ghi trên sản phẩm của chúng tôi tính theo khối lượng tôm, chứ không tính theo khối lượng bao gồm mạ băng, nên không có chuyện lợi dụng mạ băng để gian lận trọng lượng hàng hóa”, ông Quang nói.

Vì đâu xuất khẩu nông sản sang Nga vẫn ì ạch? - Ảnh 1

Sau khi lắng nghe những tâm tư của doanh nghiệp, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết ông đồng tình với đề xuất của các doanh nghiệp rất mong muốn cần có một Hiệp hội Nông sản Việt Nga để kết nối các doanh nghiệp hai bên, thúc đẩy tăng kim ngạch giao thương nông sản.  

“Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục đàm phán với FSVPS nhằm tìm hiểu và tháo gỡ các khó khăn từ 2 phía, đặc biệt là các quy trình kiểm dịch nhập khẩu thủy sản và các lỗi thường gặp của các doanh nghiệp; định hướng đề xuất một số phương án “đánh đổi” (trade-off)”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh. 

Cụ thể, ưu tiên cân đối giữa cấp phép cho doanh nghiệp xuất khẩu thịt và thủy sản mới của Nga, với số lượng doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, đặc biệt là cá Tra, cá Ngừ, Tôm.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate