January 02, 2021 | 08:25 GMT+7

Vì sao bay thẳng tới Mỹ không dễ “ăn tiền”?

KIỀU LINH

Các hãng hàng không thường tỏ ra háo hức khi thực hiện bay thẳng tới Mỹ. Tuy vậy khó khăn chủ yếu không phải do thủ tục hay kỹ thuật mà là ở chính thị trường

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Các hãng bay Việt Nam đã tỏ ra hào hứng với đường bay thẳng tới Mỹ. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất không phải về mặt kỹ thuật mà là thương mại ngay cả trong điều kiện đại dịch Covid 19 đã được kiểm soát. 

THAM VỌNG BAY THẲNG TỚI MỸ

Đầu tháng 11 vừa qua, hãng hàng không Bamboo Airways hào hứng khi thông báo Bộ Giao thông Vận tải Mỹ chính thức cấp giấy phép vận chuyển hành khách, hàng hoá, bưu phẩm giữa Việt Nam và Mỹ cho hãng này. Đây là một trong những điều kiện cần quan trọng nhất để một hãng hàng không nước ngoài được phép bay đến Mỹ.

Theo đó, hãng bay của FLC sẽ được phép thực hiện các chuyến bay thẳng bằng tàu Boeing 787-9 Dreamliner, giữa các sân bay lớn từ Việt Nam như Hà Nội, Tp.HCM tới tất cả cảng hàng không quốc tế tại Mỹ. Trong đó, Bamboo Airways đang xem xét xây dựng những đường bay nền móng đầu tiên đến thành phố Los Angeles hay San Francisco, hai thành phố này nằm ở Bờ Tây nước Mỹ. 

Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Phó tổng giám đốc Bamboo Airways cho biết, tùy theo tình hình kiểm soát dịch bệnh tại Mỹ và điều kiện thị trường, hãng sẽ khai thác đường bay thẳng đến Mỹ nhanh nhất vào đầu năm 2021.

Hơn một năm trước, vào ngày 5/9/2019 đại diện Vietnam Airlines cho biết hãng cũng đã được Bộ Giao thông Vận tải Mỹ cấp Giấy phép vận chuyển thương mại hành khách, hàng hóa, bưu phẩm giữa Việt Nam và Mỹ.

Mỹ là thị trường mà các hãng hàng không đều muốn nhảy vào. Tuy nhiên, ngoài Giấy phép đã được Bộ Giao thông Vận tại Mỹ cấp, để chính thức bay sang Mỹ, cả Vietnam Airlines và Bamboo Airways cần tiếp tục thực hiện thủ tục xin cấp phép tại các cơ quan có thẩm quyền của Mỹ, gồm Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), Tổ chức an ninh vận tải Mỹ (TSA), Cơ quan hải quan và bảo vệ biên giới Mỹ (CBP), Ủy ban an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NTBS) và một số cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác trước khi chính thức khai thác các chuyến bay đến Mỹ.

Về mặt kỹ thuật, hãng hàng không muốn bay đến Mỹ phải có máy bay 2 động cơ, thời gian bay tối thiểu 180 phút, bay đường dài vượt đại dương như A380, Boeing 787. Boeing 787 của Vietnam Airlines và Bamboo Airways đã đạt tiêu chuẩn 2 động cơ vượt đại dương của nhà chức trách Mỹ.

Do tầm bay của Boeing 787 khoảng 14.100 km nên chuyến bay thẳng từ Việt Nam qua Mỹ phải có một chặng dừng kỹ thuật ở điểm trung chuyển để tiếp nhiên liệu. Nếu bay từ Việt Nam sang bờ Tây nước Mỹ, sân bay trung chuyển đó có thể ở Đài Loan, Hàn Quốc hay Nhật Bản.

Tuy nhiên, khó khăn chủ yếu không phải do thủ tục hay kỹ thuật bởi các hãng hàng không đều có thể đầu tư máy bay mới đáp ứng được tiêu chuẩn của Mỹ, mà thực ra là ở thị trường. 

KHÔNG DỄ "ĂN"

Các chuyến bay thẳng từ Việt Nam qua Mỹ phải có một chặng dừng kỹ thuật để tiếp nhiên liệu, do đó, phải cạnh tranh trực tiếp với các chuyến bay qua trung chuyển nối chuyến hiện có. Trong khi các chuyến bay qua trung chuyển mặc dù mất nhiều thời gian chờ đợi nối chuyến hơn nhưng giá vé rẻ hơn, cạnh tranh hơn. 

Theo tìm hiểu, giá vé bình quân từ Việt Nam sang Mỹ của các hãng hàng không như Korean Air, Cathay… rơi vào khoảng 1.200 USD. Như vậy, để thu hút được khách, giá vé của các hãng bay Việt Nam sẽ phải tương đương hoặc thấp hơn 1.200 USD. Tuy nhiên, với mức giá này theo đánh giá của các chuyên gia hàng không sẽ khó bù đắp được khoản lỗ. 

Theo tính toán của Vietnam Airlines, trước đây khi mở đường bay thằng Việt Nam - Mỹ sẽ phải mất 5 năm mới hoà vốn và khả năng lỗ ước khoảng 30 triệu USD/năm. Do đó, phải tìm cách cắt lỗ, giảm mức lỗ xuống dưới con số 30 triệu USD/năm. Ban lãnh đạo Vietnam Airlines cũng từng thừa nhận, đây là đường bay vô cùng cạnh tranh, giá vé thì rất thấp, chi phí lại cao, vì thế khả năng tiến tới hòa vốn và có lãi là rất dài.

Kinh nghiệm cho thấy, từ khi có hiệp định hàng không năm 2003, các hãng Mỹ đã có quyền bay thẳng đến Việt Nam như United Airines đã bay đến Tân Sơn Nhất từ năm 2007 đến năm 2012; Delta Air Lines từ cuối năm 2008 có đường bay nhưng họ phải dừng chỉ sau 6 tháng. Như thế các hãng hàng không Hoa Kỳ từng bay thẳng từ Mỹ tới Việt Nam nhưng sau đó phải dừng vì lỗ và chuyển sang bay nối chuyến.

Vietnam Airlines và Bamboo Airways bay thẳng tới Mỹ: Đừng nghĩ dễ “ăn tiền” - Ảnh 1.

Chuyên gia hàng không, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng, mặc dù so với thời gian 10 năm trước, nhu cầu về khách hàng đã tăng, khả năng kỹ thuật máy bay đã khác nhưng vẫn chưa có hãng hàng không Mỹ nào mở lại đường bay thẳng đến Việt Nam vì chi phí vẫn cao và giá vé đắt hơn bay nối chuyến.

Các hãng hàng không Việt Nam buộc phải tự cân nhắc đánh giá khả năng lời lỗ giữa các phương án bay thẳng để đáp ứng nhu cầu hành khách chấp nhận giá vé đắt hơn mà thời gian nhanh hơn với các phương án bay nối chuyến có giá vé rẻ hơn mà thời gian trung chuyển lâu hơn. 

“Tuy nhiên, trong tình hình đại dịch Covid 19 hiện nay, có thể phải đến năm 2022 nhu cầu hàng không trên thế giới mới hồi phục, mà ngay cả khi đó các chuyến bay thẳng giữa Việt Nam và Mỹ cũng chưa chắc có lãi, cho nên các hãng hàng không không nên mở đường bay thẳng đến Mỹ giai đoạn hiện nay”, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nhấn mạnh. 

Với riêng Vietnam Airlines, giấc mơ bay thẳng Mỹ cần phải cân nhắc thật kỹ trong bối cảnh kinh doanh, tài chính khó khăn, một đồng vốn Nhà nước bỏ ra “giải cứu” cũng phải có trách nhiệm, bảo toàn vốn, sinh lời, “xử lý giảm lỗ, thực hiện có hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh” đúng như nhiệm vụ Quốc hội đã giao.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate