April 12, 2023 | 17:02 GMT+7

Vì sao chưa nới “room” ngoại lên 49% đối với tất cả ngân hàng tư nhân?

Hoàng Lan -

Nếu Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 01/2014/NĐ-CP được ban hành, sẽ có ít nhất 6 ngân hàng thương mại có thể tăng tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài vượt 30% vốn điều lệ...

Đề xuất chỉ nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng yếu kém hoặc ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc.
Đề xuất chỉ nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng yếu kém hoặc ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 01/2014/NĐ-CP ngày 3/1/2014 của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam.

Dự thảo Nghị định số 01 điều chỉnh quy định tổng mức sở hữu cổ phần (room) của các nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc vượt 30% nhưng không vượt quá 49% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc.

CHƯA NÊN NỚI "ROOM" NGOẠI TẠI TOÀN BỘ TỔ CHỨC TÍN DỤNG?

Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện nay chỉ nên mở rộng và khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các tổ chức tín dụng yếu kém và tổ chức tín dụng nhận chuyển giao.

Đối với ngân hàng thương mại cổ phần khác, chưa nên điều chỉnh tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài vượt giới hạn 30% vốn điều lệ.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo kế hoạch sẽ có 4 ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc. Điều đó có nghĩa trong trường hợp cần thiết Thủ tướng Chính phủ có quyền quyết định ít nhất là 4 ngân hàng thương mại có tổng mức sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng thương mại vượt 30% vốn điều lệ (là tổ chức tín dụng yếu kém). Ngoài ra, với việc bổ sung khoản 6a vào sau khoản 6 Điều 7 Nghị định 01, có thể có 2 ngân hàng thương mại cổ phần nhận chuyển giao được điều chỉnh tăng tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài. 

Như vậy, sẽ có ít nhất 6 ngân hàng thương mại có thể tăng tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài vượt 30% vốn điều lệ, chiếm tương đương 17,14% số ngân hàng thương mại. Ngoài ra, hiện nay còn có 2 ngân hàng liên doanh, 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài và 51 chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Số liệu cho thấy Việt Nam mở cửa lĩnh vực tiền tệ ngân hàng khá sâu rộng và có sự hiện diện thương mại tương đối nhiều của tổ chức tín dụng nước ngoài tại thị trường Việt Nam.

Thời gian qua, nhiều ngân hàng 100% vốn nước ngoài đang tiếp tục mở rộng mạng lưới và tăng vốn điều lệ (ví dụ Standard Chartered năm 2021 tăng vốn điều lệ từ 4.200 tỷ đồng lên 6.900 tỷ đồng, Ngân hàng UOB Việt Nam tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng). Chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam cũng tăng quy mô vốn được cấp (ví dụ: NongHyup – chi nhánh Hà Nội tăng vốn từ 35 triệu USD lên 80 triệu USD, Bank of China – chi nhánh TP HCM tăng vốn từ 80 triệu USD lên 100 triệu USD…).

Hiện có 27/31 ngân hàng thương mại niêm yết trên thị trường chứng khoán. Do vậy, các nhà đầu tư nước ngoài (ngoại trừ nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư lớn) dễ dàng rút vốn ra khỏi ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam khi có biến động lớn về kinh tế trong nước hoặc trên thế giới, sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý kinh tế và điều hành chính sách tiền tệ. Đặc biệt trong tình hình kinh tế thế giới và kinh tế trong nước có nhiều biến động như hiện nay. 

 

Nếu Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 01/2014/NĐ-CP được ban hành, sẽ có ít nhất 6 ngân hàng thương mại có thể tăng tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài vượt 30% vốn điều lệ, chiếm tương đương 17,14% số ngân hàng thương mại.

Thực tế, khoảng 5 năm trở lại đây, đã có hiện tượng một số ngân hàng nước ngoài (chủ yếu từ Châu Âu) dần dần rút vốn đầu tư ra khỏi ngân hàng trong nước, chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư trong nước hoặc các ngân hàng Châu Á từ Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản. Việc nhà đầu tư nước ngoài (cổ đông lớn, nhà đầu tư chiến lược) thoái vốn hoặc chuyển các khoản đầu tư của họ cho cổ đông khác đồng nghĩa với việc ngân hàng có thể mất đi phần lợi ích từ nhóm khách hàng do nhà đầu tư nước ngoài mang lại (nhóm khách hàng có thể chuyển sang dịch vụ của những tổ chức khác có quan hệ với nhà đầu tư hoặc với tổ chức tín dụng do nhà đầu tư nước ngoài thành lập/tham gia góp vốn).

Ngoài ra, theo cơ chế Ratchet tại hiệp định CPTPP: yêu cầu các nước thành viên không đảo ngược tiến trình tự do hóa, điều đó có nghĩa khi Việt Nam điều chỉnh tăng tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài vượt giới hạn 30% vốn điều lệ của ngân hàng thương mại cổ phần, nếu cần thiết Việt Nam không thể điều chỉnh giảm trở lại.

LÀM RÕ TIÊU CHÍ “GẮN BÓ LỢI ÍCH LÂU DÀI VỚI TỔ CHỨC TÍN DỤNG VIỆT NAM”

Góp ý cho Dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất xem xét làm rõ hơn về tiêu chí “gắn bó lợi ích lâu dài với tổ chức tín dụng Việt Nam” của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tại

Khoản 6 Điều 3 Nghị định 01 để đảm bảo thống nhất với quy định tại khoản 5 Điều 14 Nghị định 01.

Liên quan đến đề xuất này, Nhân hàng Nhà nước đã tiếp thu và sửa đổi, bổ sung như sau: “Nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là tổ chức nước ngoài có năng lực tài chính và có cam kết bằng văn bản của người có thẩm quyền về việc gắn bó lợi ích lâu dài với tổ chức tín dụng Việt Nam theo quy định tại khoản 5 Điều 14 Nghị định này và hỗ trợ tổ chức tín dụng Việt Nam chuyển giao công nghệ hiện đại; phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; nâng cao năng lực tài chính, quản trị, điều hành”.

 

Căn cứ hồ sơ đề nghị của ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét xác định khi nào thì nhà đầu tư nước ngoài trở thành cổ đông chiến lược và quy định cụ thể trong văn bản chấp thuận.

Ngoài ra, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề xuất bổ sung nội dung sửa đổi Khoản 5 Điều 14 Nghị định 01/2014/NĐ-CP thành như sau: “Nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không được chuyển nhượng cổ phần thuộc sở hữu của mình tại tổ chức tín dụng Việt Nam cho tổ chức, cá nhân khác trong thời hạn tối thiểu 5 năm. Hiệp hội này lý giải: “Theo quy định tại Khoản 5 Điều 14 Nghị định 01/2014/NĐ-CP hiện tại thì thời gian hạn chế chuyển nhượng 5 năm đối với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài được tính “kể từ thời điểm trở thành nhà đầu tư chiến lược của tổ chức tín dụng Việt Nam ghi trong văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.”

Tuy nhiên thời điểm trở thành cổ đông/nhà đầu tư chiến lược và thời điểm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản chấp thuận là khác nhau. Thực tế, quá trình mua cổ phần sẽ diễn ra theo trình tự: sau khi văn bản chấp thuận của ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài mới tiến hành mua cổ phần, trên cơ sở đó trở thành nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Do đó khi mới có chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì cũng chưa thể xác định chắc chắn khi nào bên mua trở thành cổ đông/nhà đầu tư chiến lược.

Về đề xuất của Hiệp hội Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho rằng căn cứ hồ sơ đề nghị của ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét xác định khi nào thì nhà đầu tư nước ngoài trở thành cổ đông chiến lược và quy định cụ thể trong văn bản chấp thuận.

Ví dụ đối với hồ sơ ngân hàng thương mại cổ phần đề nghị chấp thuận nhà đầu tư chiến lược khi nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu từ 10% cổ phần của ngân hàng trở lên thì căn cứ tình hình cụ thể và hồ sơ đề nghị văn bản chấp thuận có thể xác định thời điểm nhà đầu tư nước ngoài trở thành nhà đầu tư chiến lược khi 2 bên ký kết thỏa thuận trở thành nhà đầu tư chiến lược hoặc khi nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ…;

Trường hợp chưa là cổ đông lớn thì thời điểm xác định trở thành nhà đầu tư chiến lược là sau khi ký kết trở thành cổ đông chiến lược và đã trở thành cổ đông lớn…

Trường hợp bỏ cụm từ “ghi tại văn bản chấp thuận của Ngân hàng nhà nước Việt Nam” thì Nghị định phải có hướng dẫn quy định điều kiện cụ thể khi nào thì nhà đầu tư nước ngoài trở thành cổ đông chiến lược.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate