June 14, 2022 | 06:00 GMT+7

Vì sao chưa từ bỏ cấp hạn mức tín dụng?

Sự bùng nổ của tín dụng dễ dãi đã góp phần dẫn tới lạm phát và khủng hoảng hệ thống ngân hàng trong giai đoạn 2007 - 2012. Bởi vậy, từ 2013 đến nay, Ngân hàng Nhà nước tiến hành cấp hạn mức tín dụng cho từng ngân hàng theo các tiêu chí: quản trị hệ thống tốt, nợ xấu thấp,ưu tiên nhóm khách hàng thuộc các lĩnh vực căn cơ theo chỉ đạo của Chính phủ...

Tại kỳ họp Quốc hội lần này, một số đại biểu cho rằng việc cấp hạn mức tín dụng có phần lạm dụng cơ chế “xin cho” nhưng người đứng đầu ngành ngân hàng khẳng định, điều này là cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

ĐIỀU HÀNH GIẢM LÃI SUẤT HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP

Tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 15, ngân hàng là một trong bốn vấn đề được chọn để chất vấn. Nội dung cụ thể gồm tình hình triển khai và giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế xã hội thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước, việc phối hợp chính sách tài khóa và kiểm soát lạm phát, củng cố nền tảng vĩ mô; cơ chế cấp hạn mức tín dụng hàng năm cho các ngân hàng thương mại…

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) liên quan đến những vấn đề về tín dụng và lãi suất của doanh nghiệp nhỏ và vừa, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, điều hành lãi suất và giảm lãi suất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân là một nhiệm vụ trọng tâm mà Ngân hàng Nhà nước quan tâm điều hành.

Theo đó, bằng rất nhiều giải pháp điều tiết tiền tệ,  Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo hệ thống và có các giải pháp để làm cho mặt bằng lãi suất giảm mạnh. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng luôn khuyến khích tổ chức tín dụng phải tiết kiệm các chi phí trong hoạt động, giảm lãi suất để hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn.

Nhờ vậy, những năm trước, lãi suất rất cao nhưng đến năm 2020-2021, lãi suất đã được giảm. Thậm chí, mặc dù trong 5 tháng đầu năm 2022, điều hành chính sách lãi suất của Ngân hàng Nhà nước chịu những áp lực khá lớn nhưng Ngân hàng Nhà nước đã điều tiết và cơ bản ổn định mặt bằng lãi suất. Cụ thể, lãi suất chỉ tăng 0,09% so với đầu năm ngoái.

Riêng với lãi suất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, Thống đốc cho biết, đối tượng này chiếm đa số trong tổng số các doanh nghiệp trong nền kinh tế và đây là khối doanh nghiệp có điều kiện bị hạn chế hơn so với những loại hình doanh nghiệp khác về tài chính, khả năng quản trị hay thương hiệu… nên mức độ xếp hạng tín nhiệm của các doanh nghiệp còn hạn chế, khi vay vốn thường tổ chức tín dụng sẽ phải đánh giá trên cơ sở tín nhiệm của từng ngân hàng, của từng doanh nghiệp thì có thể đưa ra những mức lãi suất cao hơn so với những doanh nghiệp có mức độ tín nhiệm cao hơn.

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo tổ chức tín dụng thực hiện giảm lãi suất cho doanh nghiệp, người dân trong 2 năm với tổng lượng lãi suất giảm khoảng 47.000 – 48.000 tỷ đồng. Đây là cố gắng rất lớn của hệ thống ngân hàng nhằm chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thống đốc cho biết thêm, Việt Nam hiện có khoảng 29 Quỹ bảo lãnh tín dụng hoạt động, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện đánh giá, tổng kết hoạt động của các quỹ bảo lãnh này và sẽ đề xuất các chính sách để tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, cũng theo Thống đốc, Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Quốc hội ban hành, ngành ngân hàng được giao khá nhiều nhiệm vụ.

Đến thời điểm hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn ngân hàng thương mại thực hiện Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

DUY TRÌ TRẦN TÍN DỤNG ĐỂ ỔN ĐỊNH VĨ MÔ

Ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của ngành ngân hàng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục sau Covid-19, nhưng trong phiên chất vấn Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 15 ngày 9/6, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng, cơ chế hạn mức tín dụng sẽ khiến nguy cơ xảy ra tình trạng ngân hàng có tiền mà không cho vay được, trong khi mục tiêu đề ra là phải thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội rất cấp bách.

 

Dư nợ gói hỗ trợ lãi suất 2% thực hiện tại Vietinbank ước tính chiếm 30% tổng quy mô tín dụng của ngân hàng. Chúng tôi cần Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ tăng hạn mức tín dụng để thực hiện chính sách tốt hơn.

Ông Lê Duy Hải, Phó Tổng Giám đốc Vietinbank

Bên cạnh đó, cơ chế cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng hàng năm cho các ngân hàng thương mại hiện vẫn còn mang “dáng dấp” theo cách quản lý bao cấp và không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời, việc cấp hạn mức tín dụng hàng năm dẫn tới năm nào cũng phải cấp lại, khi cần thiết các ngân hàng lại phải "đi xin" để nới.

Thực tế cho thấy, tại hội nghị do Ngân hàng Nhà nước tổ chức nhằm quán triệt, tổ chức triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% và sớm đưa chính sách này đi vào thực tiễn, tất cả các ngân hàng được phát biểu ý kiến đều cho biết đã chuẩn bị đầy đủ nguồn lực và rất ủng hộ việc thực hiện chính sách. Tuy nhiên, đại diện các ngân hàng cũng đồng loạt đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, đặc thù của nền kinh tế Việt Nam là vốn đầu tư phụ thuộc lớn vào nguồn vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng. Hiện, vốn tín dụng trên GDP đang ở mức 124% và theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong số quốc gia có tỷ lệ này cao nhất thế giới.

Chính vì tỷ lệ cao như vậy, khi có biến động trên thế giới, doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh sẽ ảnh hưởng ngay tới hệ thống ngân hàng. Do đó, Thống đốc cho rằng việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng là cần thiết bởi nếu như ngân hàng gặp vấn đề, mất khả năng chi trả sẽ gây hệ lụy tới nền kinh tế.

 

Sau cơn "hạn hán" tăng trưởng do bị ảnh hưởng bởi dịch, thì nhu cầu vốn tăng cao. Đến thời điểm hiện tại, tăng trưởng tín dụng đã đạt mức 9%. Vì vậy, Vietcombank đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét nới "room tín dụng" phù hợp, để các ngân hàng chung tay hỗ trợ tăng trưởng.

Ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank

Mặt khác, theo đánh giá của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, từ khi áp dụng việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng vào năm 2011, đây là biện pháp hiệu quả trong tổ chức điều hành, đưa thị trường tiền tệ, tín dụng hoạt động ổn định trở lại. "Trước đây khi không kiểm soát hạn mức tín dụng, một số ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng rất cao, lên tới 30-53,8%, tạo ra những cuộc đua lãi suất để huy động nguồn tiền cho vay", Thống đốc cho hay.

Trước quan điểm cho rằng việc cấp hạn mức tín dụng này "chặn" dòng vốn hỗ trợ, Thống đốc nhận xét, ngân hàng nào cũng muốn tăng trưởng tín dụng nhiều. Nhưng nếu đáp ứng hết hạn mức mong muốn của ngân hàng thương mại thì Việt Nam sẽ không ổn định được vĩ mô như hiện nay. Vì vậy, Thống đốc cũng mong muốn thị trường vốn phát triển, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn vay trung, dài hạn trên thị trường; còn vốn từ hệ thống ngân hàng chỉ phục vụ ngắn hạn đáp ứng nhu cầu vốn lưu động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Khi đó, áp lực đối với việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước sẽ bớt đi.

 
Bà Nguyễn Thị Hồng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
Bà Nguyễn Thị Hồng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

Ngân hàng Nhà nước phân bổ room tín dụng cho các tổ chức tín dụng theo nguyên tắc: tổ chức tín dụng có tình hình hoạt động an toàn, lành mạnh hơn sẽ được xem xét phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn. Qua đó, thúc đẩy tổ chức tín dụng nâng cao năng lực quản trị, điều hành, tăng cường chất lượng, hiệu quả hoạt động và các chỉ số an toàn hoạt động.

 Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng xem xét phân bổ tăng trưởng tín dụng dựa trên một số yếu tố khác như mặt bằng lãi suất huy động, cho vay, tỷ trọng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn... đảm bảo thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate