Kể từ năm 1996 (thời điểm Đại hội Đảng khoá VIII thừa nhận hình thái thị trường bất động sản), đặc biệt là từ sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai 1998 có hiệu lực, các nhà đầu tư đã cấp tập chuẩn bị các dự án đầu tư vào mọi phân khúc bất động sản đang có nhu cầu. Trong đó có rất nhiều dự án chung cư và bắt đầu có đề xuất về các dự án khu đô thị mới và chỉnh trang các đô thị hiện có.
Theo đó, số lượng chung cư không ngừng tăng. Hiện nay, số lượng chung cư cao tầng được xây dựng trong cả nước là hơn 3.000 tòa nhà cao tầng, hầu hết là các dự án chung cư, góp phần quan trọng trong việc giải quyết công tác an sinh xã hội, nhất là trong bối cảnh quỹ đất ngày càng hạn hẹp.
Nhà chung cư có ưu điểm là hệ số sử dụng đất cao, tuy nhiên, chung cư cũng có nhiều nhược điểm như bảo trì, sửa chữa khó hơn, nhất là khi tuổi thọ của công trình đã hết, phải tiến hành cải tạo, xây dựng lại.
Hiện mới chỉ có 1% số nhà chung cư xuống cấp được cải tạo lại trong gần 20 năm qua. Nhiều trường hợp nhà chung cư đã hết niên hạn sử dụng, chất lượng bị xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản người dân nhưng rất khó khăn trong việc di dời, phá dỡ để xây dựng lại.
Nhằm khắc phục những nhược điểm trên, Vừa qua, khi trình Chính phủ về hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật Nhà ở 2014, Bộ Xây dựng đã có đề xuất bổ sung quy định mới về thời hạn sở hữu nhà chung cư trong nội dung chính sách về sở hữu nhà ở thay cho quy định thời hạn sở hữu lâu dài như hiện nay.
Theo đó, Bộ Xây dựng đã đề xuất 2 phương án và đã được Chính phủ chấp thuận, báo cáo Quốc hội đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật của Quốc hội năm 2023 (tại Tờ trình số 53/TTr-CP ngày 28/3/2022). Phương án 1: thời hạn sở hữu nhà chung cư xác định theo thời hạn sử dụng của công trình. Phương án 2: thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định theo thời hạn sử dụng đất xây dựng nhà chung cư theo quy định của pháp luật đất đai.
Bộ Xây dựng cho biết đề xuất nêu trên cũng được tham khảo dựa trên kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc quy định thời hạn sở hữu từ 50-70 năm; Thái Lan quy định thời hạn sở hữu là 30 năm...
Ngay sau khi đề xuất nêu trên được công bố, rất nhiều người dân đã bày tỏ lo lắng, bất an vì viễn cảnh "mất nhà" sau khoảng 50 năm. Các chuyên gia kinh tế, bất động sản... hầu hết cũng không đồng ý với đề xuất này.