December 13, 2016 | 21:51 GMT+7

Vì sao đưa siêu dự án thép Cà Ná vào quy hoạch?

Bạch Dương

“Ninh Thuận 5 năm rồi không kêu gọi được nhà đầu tư lớn nào, nên thấy dự án như vậy họ mừng quá”

Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng Trương Thanh Hoài.<br>
Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng Trương Thanh Hoài.<br>
Dự thảo quy hoạch ngành thép đến năm 2025, tầm nhìn 2035 đã đưa dự án thép Cà Ná (Ninh Thuận) vào quy hoạch. Đây là dự án sản xuất thép lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay, với tổng công suất 16 triệu tấn/năm.

Hôm 12/12, Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) đã có báo cáo chi tiết về nguyên nhân bổ sung vào quy hoạch cũng các thông tin chi tiết về dự án này, trong bối cảnh dư luận có những ý kiến trái chiều, cho rằng việc đưa dự án này vào quy hoạch là vội vàng. Thậm chí một vị chuyên gia còn chia sẻ quan điểm rằng, ''vấn đề quy hoạch sẽ không còn ý nghĩa khi cứ có bất kỳ dự án nào doanh nghiệp muốn làm thì lại đưa vào quy hoạch".

“Công nghệ phù hợp”

Bộ Công Thương cho biết, tập đoàn Hoa Sen - chủ đầu tư dự án - đã có báo cáo tiền khả thi gửi Bộ Công Thương. Hiện dự án đang ở giai đoạn bổ sung vào quy hoạch, đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ để xin chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.

Theo báo cáo tiền khả thi của Hoa Sen, giai đoạn 1 dự án có công suất là 4,5 triệu tấn/năm. Dự án sử dụng công nghệ truyền thống tận dụng nguyên liệu quặng sắt, luyện trong lò cao đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng.

Về luyện cốc, chủ đầu tư đề xuất chọn phương pháp dập cốc khô để tận dụng nhiệt dư, không phát sinh hơi nước và nước thải, giảm thiểu các tác động đến môi trường.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, công nghệ và thiết bị sản xuất được dự án sử dụng là “phù hợp với quy định hiện hành về công suất, công nghệ ngành luyện thép, đảm bảo tiên tiến và cao hơn các nhà máy luyện thép đang hoạt động tại Việt Nam, trừ Formosa”.

Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) Trương Thanh Hoài cho biết, hiệu ứng phản đối ngành công nghiệp thép dâng cao trong nước thời gian qua, sau khi xảy ra sự cố môi trường liên quan tới dự án Formosa ở miền Trung. Tuy nhiên, theo ông Hoài, sự cố môi trường miền Trung là do Formosa cố ý xả thải, chứ không phải công nghệ của dự án này thấp.

Hoa Sen cũng cam kết sẽ thực hiện phương châm sản xuất sạch, hiệu quả kinh tế cao. Việc kiểm soát chất thải sẽ được báo cáo trong tác động môi trường của dự án, song theo Bộ Công Thương, với những công nghệ và thiết bị mà Hoa Sen đề xuất, thì hoàn toàn có thể kiểm soát được các yếu tố về môi trường.

13.000 việc làm, không ưu đãi vượt khung

Tổng vốn đầu tư dự án nói trên vào khoảng 10 tỷ USD, song ông Hoài cho biết, Hoa Sen sẽ được hưởng ưu đãi giống như các dự án khác và theo quy định của pháp luật, không có bất kỳ ưu đãi nào vượt khung. Họ có thể được thuê đất tối đa lên tới 70 năm.

“Cho đến nay chưa có doanh nghiệp nào tiến hành đầu tư khu liên hợp sản xuất loại thép cán nóng, do việc đầu tư đòi hỏi vốn, kinh nghiệm và nguồn nhân lực có chất lượng cao. Dự án chia làm ba giai đoạn thực hiện là phù hợp với năng lực và thu xếp vốn của chủ đầu tư”, Bộ Công Thương đánh giá.

Theo báo cáo, vốn điều lệ của Hoa Sen là khoảng 2.000 tỷ đồng, với 10 nhà máy, công suất thiết kế 1,2 triệu tấn/năm. Doanh thu năm 2015 của Hoa Sen đạt 17.500 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu 300 triệu USD/năm. Lợi nhuận sau thuế đạt trên 1.500 tỷ đồng.

Về vấn đề vốn, ông Trương Thanh Hoài cho biết, hiện nay Hoa Sen có khoảng 4.000 tỷ đồng lãi chưa chia, năm nay dự kiến lãi thêm 1.700 tỷ đồng và nếu làm giai đoạn đầu thì đã có một ngân hàng có vốn Nhà nước cam kết cho vay khoảng 500 triệu USD.

Theo chủ đầu tư, dựa trên giá nguyên vật liệu tháng 9/2016, ước tính chi phí sản xuất một tấn thép cán nóng là khoảng 7,8 triệu đồng. với thép dài là 7,7 triệu đồng. Giá bán trên thị trường lần lượt là 9 triệu đồng/tấn thép cán nóng, và 9,5 triệu đồng/tấn thép dài.

Khi nhà máy đi vào hoạt động với công suất 1,25 triệu tấn/năm, doanh thu dự kiến đạt 11.875 tỷ đồng, khi nâng công suất lên 3,25 triệu tấn/năm thì doanh thu dự kiến đạt 29.875 tỷ đồng, khi công suất đạt tối đa giai đoạn 1 là 4,5 triệu tấn/năm thì doanh thu ước tính là 41.750 tỷ đồng.

Khi toàn bộ dự án đi vào hoạt động, lợi nhuận trước thuế bình quân hàng năm là 4.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 3.500 tỷ đồng. Thời gian hoàn vốn là 8,5 năm. Dự án tạo ra 13.000 việc làm cho địa phương.

“Dứt khoát phải làm”

Cũng theo đánh giá của Bộ Công Thương, thép sản xuất trong nước đang có nhiều lợi thế cạnh tranh so với thép nhập khẩu trong điều kiện cạnh tranh bình đẳng, không có yếu tố trợ giá. Thời gian qua, Bộ đã tiến hành các biện pháp tự vệ đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu có trợ giá của nước ngoài.

“Xuất phát điểm của Việt Nam thấp, sức mua thấp, nên nếu không đóng cửa lại để thực hiện chiến lược thay thế nhập khẩu thì không còn đường nào khác. Chúng ta không thể theo mô hình công nghiệp của Hàn Quốc hay Thái Lan được”, ông Hoài nói.

“Làm thép dứt khoát là phải làm, còn chuyện thừa hay thiếu không quan trọng bằng khả năng cạnh tranh. Không có chuyện làm nhà máy thép vì sống bằng điện giá rẻ, điện chiếm 5% giá thành thép thôi, còn với công nghệ lò cao như Formosa, Hoà Phát thì họ không mua điện, mua ít thậm chí bán điện vào lưới khi dư thừa. Hiện nay tổng công suất điện cả nước 160 tỷ kWh/năm, tiêu thụ ngành thép 4 tỷ, tương đương 2%”, ông Hoài nói.

Ông cũng nhận định, công nghiệp thép rất quan trọng vì đây là công nghiệp nền, đồng thời giúp giải quyết được bài toán nhập siêu với Việt Nam, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

“Ninh Thuận là địa bàn kinh tế có điều kiện khó khăn ngang với Lai Châu, thu nhập bình quân đầu người thấp hơn cả nước. Khi tôi đề nghị Hoa Sen làm thép lò cao thì họ đã tìm hiểu từ Đông Hội, vào Dung Quất rồi mới vào Ninh Thuận. Cần phải nói thêm rằng, Ninh Thuận 5 năm rồi không kêu gọi được nhà đầu tư lớn nào, nên thấy dự án như vậy họ mừng quá”, ông Hoài kể.

“Như dự án thép của Hoà Phát, họ đóng thuế bằng một tỉnh Bắc Kạn, mà công suất có 1,6 triệu tấn thôi. Giờ có thêm doanh nghiệp lớn nữa thì sẽ làm tốt hơn. Chính phủ dự kiến đầu tư hàng nghìn tỷ đồng làm thuỷ lợi tại đây, nhưng không phải là vì Hoa Sen, mà đây là biện pháp nuôi dưỡng nguồn thu, phải bỏ vốn ra mới thu về được. Ninh Thuận cũng đảm bảo cung cấp đủ nước cho dự án trong giai đoạn đến năm 2020”, ông nói.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate