Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang cho thấy họ ngày càng tự tin rằng ngân hàng trung ương này sẽ không cần phải tăng lãi suất thêm nữa để chống lạm phát. Tuy nhiên, họ cũng chưa sẵn sàng tuyên bố kết thúc chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ, chứ đừng nói đến việc bắt đầu thảo luận chủ đề cắt giảm lãi suất.
Hôm thứ Sáu tuần trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell phát đi tín hiệu mạnh mẽ nhất từ trước tới nay rằng các nhà hoạch định chính sách tiền tệ có thể đã hoàn tất việc tăng lãi suất. Ông nói trạng thái chính sách tiền tệ hiện nay “đã ở sâu trong vùng hạn chế, đồng nghĩa chính sách thắt chặt” đang khiến cho các hoạt động kinh tế chậm lại.
Tuy nhiên, phát biểu của ông Powell cũng mang đầy vẻ thận trọng: “Sẽ là quá sớm để tự tin kết luận rằng chúng tôi đã đạt tới một trạng thái đủ thắt chặt”.
SỰ THẬN TRỌNG CỦA CÁC QUAN CHỨC FED
Nhà lãnh đạo chính sách tiền tệ quyền lực nhất thế giới nói rằng việc lạm phát và tăng trưởng tiền lương giảm tốc gần đây là bằng chứng cho thấy rằng các đợt tăng lãi suất của Fed đang mang lại hiệu ứng như mong đợi, và Fed kỳ vọng nền kinh tế sẽ tiếp tục giảm nhiệt. Trên cơ sở này, ông Powell phát tín hiệu về một ngưỡng cao hơn cho việc tăng thêm lãi suất, nói rằng Fed sẽ “thắt chặt chính sách tiền tệ thêm nếu tình hình cho thấy làm như vậy là phù hợp”.
Ông Powell cũng nói còn quá sớm “để đồn đoán về viêc lúc nào chính sách sẽ được nới lỏng” - một tuyên bố được cho là nhằm mục đích đẩy lùi kỳ vọng ngày càng lớn của thị trường rằng Fed sẽ giảm lãi suất ngay trong quý 1/2024. Ông cho biết sau khi đã tăng lãi suất với tốc độ nhanh, Fed đang trở nên cẩn trọng hơn vì rủi ro của việc tăng lãi suất quá nhiều và tăng quá ít đang trở nên cân bằng hơn so với trước kia.
Nhiều nhà phân tích cho rằng những phát biểu này của ông Powell là một sự “dọn đường” để Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 12, đồng thời duy trì định hướng dư luận rằng khả năng về hành động tiếp theo của Fed nghiêng về tăng lãi suất hơn là giảm lãi suất. Tuy nhiên, theo nhà kinh tế trưởng Karim Basta của Ill Capital Management, sự cảnh báo của ông Powell về việc lãi suất có thể tăng thêm và cách ông phủ nhận việc sớm giảm lãi suất có vẻ như chỉ ở mức độ nửa vời.
Trong chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ khởi động vào tháng 3/2022, Fed đến nay đã có 11 lần tăng lãi suất, với tổng mức tăng 5,25 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang (fed funds rate) lên 5,25-5,5%. Mức lãi suất này đã được Fed giữ nguyên trong hai lần họp liên tiếp vào tháng 9 và tháng 11. Nếu Fed tiếp tục không thay đổi lãi suất trong cuộc họp vào ngày 12-13/12, lãi suất sẽ duy trì ở mức này cho tới ít nhất hết tháng 1/2024.
Phát biểu trước đó một ngày, Chủ tịch Fed chi nhánh New York, ông John Williams, nói chính sách tiền tệ của Fed đang ở trạng thái thắt chặt nhất về mặt kinh tế trong 25 năm trở lại đây và sẽ cần phải duy trì thắt chặt “trong một khoảng thời gian kha khá”.
Việc lạm phát ở Mỹ giảm trong nhiều tháng liên tiếp đã khiến nhà đầu tư rộ lên đồn đoán rằng Fed sẽ có đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 5 hoặc thậm chí tháng 3 năm tới. Nhưng giới chức Fed chưa sẵn sàng khuyến khích những kỳ vọng như vậy. Thay vào đó, họ muốn có thêm bằng chứng cho thấy rằng lạm phát đang giảm thực sự bền vững, hoặc nền kinh tế và hoạt động tuyển dụng giảm tốc nhanh hơn những gì họ dự kiến.
Điều này đồng nghĩa với việc trong cuộc họp chính sách tiền tệ vào ngày 12-13/12, Fed sẽ tập trung vào việc sẽ duy trì trong bao lâu nữa tín hiệu rằng tăng lãi suất vẫn còn là một khả năng được để ngỏ. Ít có khả năng Fed sẽ loại bỏ khuynh hướng thắt chặt như vậy tại lần họp này, mà việc loại bỏ khuynh hướng thắt chặt lại là một bước đi cần thiết đầu tiên trước khi Fed có thể cân nhắc việc cắt giảm lãi suất.
“Nếu lạm phát bùng trở lại, tôi cho rằng các bạn muốn để ngỏ khả năng tăng lãi suất thêm”, Chủ tịch Fed chi nhánh Richmond, ông Tom Barkin, nói vào tuần vừa rồi.
Ông Williams, một cấp dưới quan trọng của ông Powell, khi được hỏi bao giờ Fed có thể giảm lãi suất đã đáp rằng đó là một giả định liên quan “đến những gì còn rất xa trong tương lai”. Ông nói thêm: “Tôi chẳng lấy gì làm lo lắng về việc thị trường thay đổi kỳ vọng của họ”.
VÌ SAO FED THẬN TRỌNG
Theo tờ Wall Stret Journal, giới chức Fed có nhiều lý do để thận trọng. Họ không muốn vội vã tuyên bố “hoàn thành sứ mệnh” trong cuộc chiến chống lạm phát, ngay cả khi họ phấn khởi trước sự giảm tốc gần đây của lạm phát, bởi lẽ cả tăng trưởng kinh tế và lạm phát ở Mỹ thường xuyên có những diễn biến khó lường trong 3 năm qua.
“Chẳng có lý do gì để công bố chiến thắng lạm phát một cách quá sớm. Lại càng không có lý do để làm như vậy khi mà tăng trưởng kinh tế vẫn tiếp diễn, hầu như không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ điều gì”, nhà kinh tế trưởng tại Mỹ của ngân hàng UBS, ông Jonathan Pingle, phát biểu.
Vào năm 2021, lạm phát ở Mỹ tăng vọt trong mùa xuân rồi giảm xuống trong mùa hè, khiến Fed lầm tưởng rằng lạm phát chỉ là vấn đề tạm thời. Và rồi Fed quyết định duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo đã triển khai khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Đến mùa thu năm đó, giá cả tăng tốc, buộc Fed phải đảo ngược khẩn cấp chính sách bằng đợt tăng lãi suất đầu tiên vào tháng 3/2022.
Bởi vậy, giới chức Fed hiện nay muốn có thêm bằng chứng cho thấy lạm phát không dừng ở vùng 3% - cao gấp rưỡi so với mục tiêu của Fed là lạm phát 2%.
Các quan chức Fed cũng không muốn khuyến khích thị trường chứng khoán tăng điểm bằng cách tuyên bố kết thúc chu kỳ thắt chặt, vì giá cổ phiếu tăng có thể kích thích các hoạt động kinh tế, khiến cho nỗ lực chống lạm phát gặp trở ngại. Họ đặc biệt muốn tránh để nhà đầu tư kỳ vọng việc cắt giảm lãi suất mạnh tay hơn những gì mà Fed sẵn sàng làm trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang giữ nhịp tăng trưởng tốt.
Dù vậy, nhà đầu tư vẫn đang đặt cược mạnh mẽ vào khả năng Fed cắt giảm lãi suất trong nửa đầu năm 2024, sau khi các báo cáo lạm phát tháng 10 cho thấy áp lực tăng giá trong nền kinh tế Mỹ đã giảm nhiều so với thời điểm tháng 6. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi tăng với tốc độ hàng năm 2,5% trong kỳ 6 tháng kết thúc vào tháng 10, giảm từ mức tăng 4,5% ghi nhận trong kỳ 6 tháng trước đó - theo Bộ Thương mại Mỹ.
Dữ liệu này đã khiến một số quan chức Fed có quan điểm cứng rắn nhất trong 20 tháng qua bắt đầu phát tín hiệu cảm thấy thoải mái với mức lãi suất hiện tại. Thống đốc Fed Christopher Waller - một nhân vật “diều hâu” - tuần vừa rồi nói rằng ông đang “ngày càng tin tưởng rằng chính sách tiền tệ đã đạt tới trạng thái phù hợp”.
Trong một cuộc hỏi đáp, ông Waller đã làm dấy lên kỳ vọng về lãi suất giảm trong năm 2024 khi nói rằng Fed có thể hạ lãi suất nếu xu hướng giảm của lạm phát kéo dài sang mùa xuân. Ông nói việc hạ lãi suất hay không “không liên quan tới việc cứu nền kinh tế hay có suy thoái xảy ra hay không. Nếu chúng tôi cảm thấy lạm phát thực sự giảm và tiếp tục giảm, chúng tôi có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất”.
Việc ông Waller nói Fed có thể cắt giảm lãi suất ngay cả khi kinh tế Mỹ không suy thoái không phải là một tiết lộ lớn, nhưng việc ông sẵn sàng đưa ra một khung thời gian rõ ràng cho việc hạ lãi suất là một điều bất ngờ - ông Basta nhấn mạnh.