Mất việc sau đại dịch, kinh tế gia đình khó khăn khiến một số lao động lựa chọn rút bảo hiểm xã hội một lần để có khoản chi tiêu, trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, số tiền này chỉ đủ trang trải trong vài tháng ngắn ngủi, họ vẫn phải tiếp tục lo mưu sinh cho tuổi già.
CHI LƯƠNG HƯU CAO HƠN HƯỞNG BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN
Chị Bùi Thị Hạt (tỉnh Nam Định) từng làm cho một công ty may trong miền Nam được 9 năm 7 tháng. Năm 2021, khi dịch Covid 19 bùng phát, chị Hạt phải nghỉ việc, chồng chị cũng mất việc sau đó khiến hai vợ chồng phải trở về quê làm công việc tự do.
Giữa năm ngoái, chị Hạt làm thủ tục xin rút bảo hiểm xã hội một lần để có khoản tiền trang trải cuộc sống. “Khoản tiền đó qua mấy tháng dịch bệnh thì cũng hết”, chị Hạt nói và cảm thấy hối tiếc vì giờ thấy bố mẹ già vẫn phải bươn chải nhiều nghề, không có lương hưu, không có thẻ bảo hiểm y tế đi khám chữa bệnh.
Muốn đóng lại khoản tiền bảo hiểm xã hội đã rút mà không được chấp nhận bởi quy định của pháp luật, vợ chồng chị dự định, tháng tới, sẽ nộp đơn xin tuyển dụng vào làm công nhân ở công ty gần nhà, để lại được tham gia bảo hiểm xã hội.
Chị Hạt là một trong số gần 900.000 lao động rút bảo hiểm xã hội một lần trong năm 2022 (theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam). Thực tế đã có nhiều trường hợp khi đã nhận bảo hiểm xã hội một lần muốn nộp lại tiền để phục hồi số năm đã tham gia cho đủ điều kiện hưởng lương hưu, nhưng pháp luật về bảo hiểm xã hội chưa quy định về trường hợp này.
Vì vậy, tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), ban soạn thảo đề xuất bổ sung nhiều quy định nhằm mở rộng, gia tăng lợi ích cho người lao động để có thêm cơ hội được hưởng lương hưu, tránh những thiệt hại bất lợi khi hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Cường, Phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) nhìn nhận, người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần sau này sẽ rất thiệt thòi, chứ không phải không cho rút khoản này vì lo ngại mất khả năng cân đối quỹ.
Theo ông Cường, với nguyên tắc đóng - hưởng như luật hiện hành của Việt Nam, nếu chỉ nhận bảo hiểm xã hội một lần, xét về tài chính Quỹ bảo hiểm xã hội thì quỹ càng có lợi, bởi vì cùng với một khoảng thời gian đóng, mức tiền lương đóng như nhau thì giữa việc chi trả cho người nhận bảo hiểm xã hội một lần và hưởng lương hưu rõ ràng số phải trả cho người hưởng lương hưu cao hơn rất nhiều lần, từ 4 – 5 lần so với hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
“Nếu chỉ tiếp cận trên góc độ tài chính Quỹ bảo hiểm xã hội thì rút bảo hiểm xã hội một lần quỹ càng có lợi, nhưng chính sách chung của Nhà nước là bảo hiểm xã hội nói chung hay chính sách hưu trí nói riêng nhằm hướng đến đảm bảo cuộc sống, an sinh xã hội khi về già cho người lao động. Vì thế, chúng tôi khuyến khích người lao động bảo lưu, tích lũy quá trình đóng để sau này về già hưởng lương hưu”, ông Cường nhấn mạnh.
HÀI HÒA LỢI ÍCH TRƯỚC MẮT LÀ LÂU DÀI
Phó Vụ trưởng Bảo hiểm xã hội cũng lưu ý rằng để người lao động cân nhắc hưởng bảo hiểm xã hội một lần, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hai nhóm chính sách trực tiếp và gián tiếp (tức là các quy định mang tính để khuyến khích).
Các quy định gián tiếp nhằm tạo cơ hội để dễ dàng hưởng lương hưu như giảm năm đóng từ 20 năm xuống 15 năm; quy định liên kết tầng giữa trợ cấp hưu trí xã hội với bảo hiểm xã hội cơ bản, tức là những người đến tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội không đủ điều kiện hưởng lương hưu thì có thêm lựa chọn là được hưởng trợ cấp hằng tháng. Nếu không nhận bảo hiểm xã hội một lần được nhận trợ cấp hàng tháng cho thời gian trước khi đến tuổi nhận trợ cấp hưu trí xã hội. Ngân sách nhà nước sẽ đứng ra bảo đảm cho họ bảo hiểm y tế...
Về biện pháp trực tiếp, ban soạn thảo đề xuất hai phương án, đáng chú ý là việc giữ lại 50% mức hưởng nếu rút bảo hiểm xã hội một lần.
Theo ông Cường, phương án chỉ cho rút tối đa 50% này giúp người lao động có một số tiền nhất định để giải quyết khó khăn trước mắt và vẫn có điều kiện tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội về sau để có lương hưu. Với những quy định mới trong dự thảo Luật, người lao động có 4 lựa chọn khi bảo lưu 50% thời gian đóng.
Cụ thể, nếu tiếp tục đi làm và tham gia bảo hiểm xã hội sẽ được cộng dồn đến khi đủ 20 năm đóng để hưởng lương hưu; trường hợp lao động đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ năm đóng có thể chọn đóng một lần cho thời gian thiếu để nhận lương hưu; chọn nhận trợ cấp hưu trí hàng tháng; tiếp tục rút bảo hiểm xã hội một lần khi đến tuổi về hưu.
Góp ý về đề xuất này, đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai đề nghị xem xét cho hưởng bảo hiểm xã hội một lần với những đối tượng có thời gian đóng kéo dài hơn 10 năm, bởi với nhóm mới đóng vài năm thì mức hưởng không đáng là bao. Đồng thời, cần làm rõ việc giữ lại 50% thì thời gian người lao động được nhận nốt là khi nào để người lao động yên tâm.
Dưới góc độ cơ quan thực hiện chính sách, ông Lê Hùng Sơn, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhấn mạnh, chủ trương của Đảng, Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền là luôn luôn mong muốn người lao động không rút bảo hiểm xã hội một lần và có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để sau này được hưởng lương hưu, được chăm sóc sức khỏe lúc tuổi già.
“Do điều kiện kinh tế người lao động khó khăn đang rất cần khoản tiền này và để cho họ lựa chọn giữa lợi ích trước mắt với lợi ích lâu dài, nên ban soạn thảo đành phải đưa ra các phương án hài hòa giữa hai lợi ích để người lao động cân nhắc”, ông Sơn lý giải.
Cơ quan Bảo hiểm xã hội cũng khuyến cáo, trong thời điểm này, nếu không may bị thất nghiệp, người lao động nên đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp học nghề để vượt qua khó khăn với các quyền lợi hưởng như: Được hưởng trợ cấp thất nghiệp bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp, tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở hoặc 5 lần mức lương tối thiểu vùng.
Người lao động cũng được hỗ trợ học nghề, với mức tối đa 1 triệu đồng/người/tháng; được hỗ trợ, tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề. Qua đợt khó khăn, người lao động có cơ hội trở lại thị trường lao động, tiếp tục được đóng bảo hiểm xã hội để cộng nối thời gian tính hưởng lương hưu sau này.