Hiện nay, việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội được giao cho ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, ngành Tài chính và cơ quan thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội.
NHIỀU HẠN CHẾ TRONG XỬ LÍ VI PHẠM VỀ BẢO HIỂM XÃ HỘI
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đã quy định các biện pháp tăng cường việc xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Đối với các hình thức vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động về trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ Bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.
Ngoài ra, tùy theo mức độ vi phạm, đối tượng vi phạm có thể bị xem xét xử lý vi phạm hình sự theo quy định tại Điều 214, 215, 216 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tuy nhiên, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá, việc xử lí vi phạm về bảo hiểm xã hội còn rất nhiều hạn chế khi tính cưỡng chế sau thanh tra, kiểm tra còn thấp. Tình trạng vi phạm pháp luật về trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc sau thanh tra, kiểm tra chưa được khắc phục triệt để.
Vẫn còn tình trạng doanh nghiệp sau khi thanh tra có kết luận và đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nhưng cố tình không chấp hành, kể cả không nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính vào ngân sách nhà nước. Năm 2018, tỷ lệ chấp hành hình phạt sau thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội chỉ đạt dưới 30%.
Bên cạnh đó, việc xử lý các doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, đặc biệt là doanh nghiệp có chủ sở hữu bỏ trốn, mất tích còn có gặp nhiều vướng mắc do việc xử lý các doanh nghiệp giải thể, phá sản theo Luật Doanh nghiệp, Luật Phá sản còn chậm và kéo dài.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ban hành ngày 13/11/2020 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2022) đã quy định rõ ràng thẩm quyền cưỡng chế của các chức danh thuộc cơ quan Bảo hiểm xã hội, nhưng thực tế thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn do đơn vị sử dụng lao động thường mở tài khoản ở các ngân hàng khác nhau.
Cùng với đó, tài khoản cung cấp cho cơ quan xử phạt thường là tài khoản không còn số dư, các tổ chức tín dụng vì bảo vệ khách hàng cũng thiếu hợp tác trong việc xử lý.
Ngoài ra, các quy định pháp luật hiện hành về bí mật ngân hàng cũng hạn chế việc nắm bắt thông tin về tài khoản của đối tượng thanh tra.
Lãi suất đầu tư quỹ Bảo hiểm xã hội cũng có xu hướng giảm dần, điều này có nghĩa là số tiền lãi người sử dụng lao động phải nộp khi vi phạm các quy định về trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm xã hội có xu hướng giảm dần.
Hạn chế nữa là do lượt người tham gia và thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội ngày một tăng, đặc biệt trong việc giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội một lần. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thực tế cho thấy, tình trạng người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội để lạm dụng hưởng bảo hiểm xã hội một lần vẫn đang diễn ra.
Tuy nhiên hiện nay chưa có biện pháp phát hiện một cách hiệu quả, và nếu có phát hiện cũng chưa có phương án xử lý triệt để để tránh việc tái phạm.
Do đó, người sử dụng lao động và người lao động khi bị thanh tra, phát hiện thì chấp nhận hoàn trả số tiền đã hưởng, nhưng sau đó vẫn tiếp tục vi phạm, do thiếu chế tài xử phạt.
ĐỀ XUẤT BỔ SUNG NHIỀU QUY ĐỊNH ĐỂ HẠN CHẾ TRỐN ĐÓNG, TRỤC LỢI BẢO HIỂM
Trước những thực tế này, Bộ Lao động – Thương binh đề xuất bổ sung quy định thời gian tối đa phải chấp hành hình phạt sau khi có quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan thanh tra. Bổ sung quy định thẩm quyền phong tỏa tài khoản của đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội kéo dài làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.
Đồng thời, bổ sung quy định mức phạt bổ sung khi không chấp hành hình phạt sau khi có quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan thanh tra; bổ sung quy định hoặc tăng chế tài xử phạt với các hành vi: mượn và cho mượn hồ sơ, lý lịch để ký hợp đồng lao động và tham gia bảo hiểm xã hội; mua, bán, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội; thỏa thuận không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; mua, bán, cấp khống, làm giả giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội; vi phạm trong giám định mức suy giảm khả năng lao động....
Cùng với đó, Bộ cho rằng câng cao hiệu quả đầu tư quỹ Bảo hiểm xã hội để tăng lãi suất đầu tư, từ đó làm tăng số tiền lãi phải nộp của người sử dụng lao động khi thực hiện các hành vi vi phạm về trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.
Ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) nhìn nhận, việc khó thống kê chính xác số lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội cũng gây khó khăn cho công tác xử lí vi phạm trong lĩnh vực này.
“Thực tế là chúng ta đang thiếu một con số chính xác về số liệu những người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Mặc dù một số cơ quan đã công bố các con số khác nhau, cơ nơi thống kê khoảng 17 - 18 triệu người làm công ăn lương đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, song cũng có nơi cho rằng con số này phải đến 20 triệu người”, ông Cường dẫn chứng.
Trong thời gian qua, với sự vào cuộc của các cơ quan, địa phương, trình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội được cải thiện qua từng năm. Theo thống kê của cơ quan Bảo hiểm xã hội, số chậm đóng năm 2020 chiếm 4,4% tổng số phải thu, nhưng đến năm 2021 đã giảm xuống còn 3,64% và năm 2022 số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội so với số phải thu giảm còn 2,91%.
“Như vậy, với nhiều giải pháp trong giai đoạn vừa qua thì tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội được cải thiện đáng kể, tuy nhiên cũng phải thừa nhận việc chậm đóng, trốn đóng vẫn còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, địa phương”, ông Cường nói.
Do đó, trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), cơ quan soạn thảo cũng đề xuất bổ sung các biện pháp xử lý trốn đóng bảo hiểm xã hội. Việc này nhằm hạn chế tối đa tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, đặc biệt chậm đóng, trốn đóng thời gian dài dẫn đến không có khả năng thu hồi, góp phần đảm bảo quyền tham gia và thụ hưởng bảo hiểm xã hội của người lao động.