Như thể muốn cố tình trêu đùa, khi in tên nhãn hiệu Cuggl bằng chữ in hoa lên các sản phẩm của Kurokawa, thương hiệu này dùng một vệt màu hồng tương tự như một quệt sơn để che đi một nửa dòng chữ. Với thiết kế này, Gucci đánh giá rằng khách hàng có thể sẽ nhầm lẫn giữa những chiếc áo của Cuggl với những chiếc áo chính hãng của Gucci.
Nổi tiếng là một hãng thời trang bảo vệ thương hiệu rất cẩn thận, GuccI đã nộp đơn phản đối nhãn hiệu Cuggl. Tuy vậy, trong vụ kiện này, Văn phòng Sáng chế Nhật Bản (JPO) đã kết luận rằng Gucci và Guggl là hai nhãn hiệu hoàn toàn khác nhau, đồng thời bác bỏ tuyên bố về xâm phạm nhãn hiệu của Gucci. Hiện nhà mốt đình đám thế giới chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về quá trình tố tụng của tòa án. Tuy nhiên, hãng dự kiến sẽ kháng cáo.
Công ty Nobuaki Kurokawa được sáng lập bởi vị giám đốc cùng tên, người chuyên kinh doanh áo thun “troll” các thương hiệu lớn tại Osaka. Trong đơn kiện của mình, Gucci tuyên bố rằng mẫu thiết kế này được thực hiện với mục đích xấu nhằm đem lại danh tiếng cho thương hiệu Cuggl một cách không thiện chí và khiến dòng chữ được nhận biết thành thương hiệu Gucci. Còn ông Kurokawa thì cho rằng Cuggl được phát âm là “kyuguru” trong tiếng Nhật, không phải là thương hiệu duy nhất mang yếu tố chế giễu, do đó, có thể xem như cách nhại lại một cách hài hước.
Trước đó, công ty Nobuaki Kurokawa đã từng sản xuất nhiều sản phẩm bắt chước các nhãn hiệu nổi tiếng như: Pug / Pomerenian / Labrador (bắt chước Puma), Bai fanglaca (bắt chước Balenciaga), Azides (bắt chước Adidas)… Những thiết kế này được bán trên trang web của công ty với giá từ 12 đến 25 đô la. Và đây chính là lý do khiến Kurokawa thường xuyên rơi vào những vụ kiện tụng với các thương hiệu quốc tế nặng ký trong vấn đề sở hữu trí tuệ.
Trên thực tế, Kurokawa cũng đã từng bị JPO từ chối đăng ký một số nhãn hiệu có dấu hiệu nhái quá lộ liễu. Vào tháng 2 năm nay, JPO đã hủy đơn đăng ký nhãn hiệu Ocosite của Kurokawa, sau khi OCOSITE bị kiện đạo nhái nhãn hiệu quần áo thể thao sang trọng Lacoste. JPO đã chỉ rõ nhiều điểm tương đồng giữa hình ảnh chú cá sấu nằm ngược trong nhãn hiệu của Ocosite và hình ảnh cá sấu gốc của thương hiệu Lacoste.
Tuy vậy, phán quyết chống lại Gucci ở Nhật Bản là một chiến thắng đáng ngạc nhiên đối với những người có những suy nghĩ cấp tiến về sở hữu trí tuệ. Họ cho rằng nhiều thương hiệu đã bóp méo luật nhằm ngăn chặn các thương hiệu khác sản xuất những sản phẩm nhại lại thương hiệu một cách hài hước và tương đối vô hại. Hồi tháng 10/2020, công ty Kurokawa cũng đã đăng ký nhãn hiệu Guanfi - khi che đi một nửa chúng ta sẽ thấy nó cứ như là dòng chữ “Chanel”, và nhiều người tiêu dùng ở Nhật cảm thấy trò chơi chữ này khá thú vị.
Tờ The Financial Times đưa tin Văn phòng Bằng sáng chế Nhật Bản nhận xét rằng người tiêu dùng rất sáng suốt hơn những gì các thương hiệu lớn nghĩ. Ngoài ra, không đơn thuần là một sản phẩm nhại lại một cách hài hước, Cuggl hay Guanfi có một ý nghĩa khác ẩn sâu đó chính là việc lên tiếng về chủ nghĩa tiêu dùng và sự xa xỉ. Thực tế những chiếc áo phông cotton trơn có logo đơn giản ở mặt trước hoặc mặt sau lại chính là sản phẩm mang lại doanh thu cho các thương hiệu cao cấp. Dù đơn giản là thế, chúng thường có giá rất cao với giá trị thực tế.
Biên tập viên Leo Lewis của Financial Times cho biết: “Trong số năm văn phòng cấp bằng sáng chế lớn nhất thế giới (bao gồm Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc và Châu Âu), Nhật Bản là văn phòng xác minh nhanh nhất. Văn phòng cấp bằng sáng chế Nhật Bản đã bác bỏ đơn phản đối của Gucci, một phần vì họ chấp nhận sự thật rằng trong một số trường hợp, công chúng sẽ không bị nhầm lẫn giữa những sản phẩm giễu nhại và sản phẩm có thương hiệu”.