February 25, 2023 | 07:00 GMT+7

Vì sao hàng không Việt phải "mòn mỏi" đợi nối lại đường bay với Trung Quốc tới cuối tháng 4?

Anh Tú -

Sau gần 3 năm dừng bay, theo tin từ Cục Hàng không Việt Nam, các hãng hàng không Việt Nam lại phải tạm thời lùi thời hạn khai thác đến Trung Quốc đến cuối tháng 4 hoặc sang tháng 5/2023 để chờ các quyết định tiếp theo của Trung Quốc về việc cho phép khách du lịch đến Việt Nam...

Kỳ vọng lượng khách bay giữa hai nước năm 2023 sẽ đạt tới 80% so sánh năm 2019 khó trở thành hiện thực khi chưa biết Trung Quốc sẽ đưa ra quyết định gì tiếp theo.
Kỳ vọng lượng khách bay giữa hai nước năm 2023 sẽ đạt tới 80% so sánh năm 2019 khó trở thành hiện thực khi chưa biết Trung Quốc sẽ đưa ra quyết định gì tiếp theo.

Cục Hàng không Việt Nam cho hay năm 2019, thời điểm trước dịch Covid-19, thị trường hàng không Việt Nam - Trung Quốc có 14 hãng hàng không của hai nước khai thác.

KỲ VỌNG LỚN TỪ THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC

Theo đó, 11 hãng hàng không Trung Quốc gồm: Air China, China Eastern, China Southern, Hainan Airlines, Lucky Air, Sichuan Airlines, Xiamen Airlines, Okay Airways, Chongqing Airlines, Shenzhen Airlines và Donghai Airlines khai thác 32 đường bay từ 14 điểm tại Trung Quốc đến 5 điểm tại Việt Nam, gồm Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Phú Quốc và Nha Trang, với tổng tần suất đạt 240 chuyến/chiều/tuần.

Còn về phía Việt Nam có các hãng hàng không khai thác như Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines và Vietjet Air, với 72 đường bay từ 5 điểm tại Việt Nam, gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Phú Quốc và Nha Trang đến 48 điểm tại Trung Quốc, với tổng tần suất đạt 276 chuyến/chiều/tuần thường lệ và 145 chuyến/tuần/chiều không thường lệ, tổng cộng là 421 chuyến/tuần.

 

Sản lượng vận chuyển năm 2019 đạt xấp xỉ 8 triệu khách, trong đó các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển đạt trên 4,6 triệu khách, chiếm trên 60% thị phần. Trung Quốc cũng là thị trường quốc tế lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ đứng sau thị trường Hàn Quốc với lượng hành khách đi lại phần lớn là khách du lịch.

Ngành du lịch đã chứng kiến sự hồi phục mạnh trong 2022 với động lực chủ yếu là nhu cầu trong nước với 101 triệu lượt khách, tăng 153% so với cùng kỳ năm trước, vượt 19% so với năm 2019.

Dù lượng khách từ các nước và khu vực đến Việt Nam đều hồi phục trong năm 2022 nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với năm 2019.

Mặt khác, trong khi các quốc gia như Hàn Quốc, châu Âu, châu Mỹ, châu Úc đều tăng trưởng bằng lần, thậm chí du khách từ châu Âu tăng trưởng gấp 31 lần cùng kỳ thì Trung Quốc chỉ đạt 125 nghìn lượt khách, tăng 116% do chính sách “zero-Covid” của nước này.

Vì vậy, sau khi Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế với các chuyến bay quốc tế thường lệ từ ngày 8/1 vừa qua, các doanh nghiệp hàng không và du lịch lữ hành đều kỳ vọng khi lượng hành khách du lịch từ Trung Quốc sẽ là động lực hồi phục kế tiếp cho hai lĩnh vực bị tổn thương nghiêm trọng vì đại dịch.

Tuy nhiên, giữa tháng 2 vừa qua, ngành du lịch Trung Quốc công bố mở lại tour du lịch đến 20 quốc gia nhưng Việt Nam không có tên trong danh sách này. Điều này được đánh giá đã làm chậm kế hoạch khai thác của các hãng hàng không Việt Nam.

Do đó, giữa tháng 2, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc kiến nghị việc sớm đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia thí điểm du lịch theo đoàn.

CÁC HÃNG HÀNG KHÔNG "NGHE NGÓNG" TÌNH HÌNH

Trước đó, các hãng Việt Nam đều xây dựng kế hoạch khai thác từ các thành phố của Việt Nam đến nhiều điểm, thành phố của Trung Quốc theo hình thức khai thác thường lệ và thuê chuyến, đón đầu sự phục hồi du lịch quốc tế giữa hai nước từ lịch bay mùa hè 2023, bắt đầu từ ngày 28/3.

Sau gần 3 năm dừng bay, các hãng hàng không Việt đều khai thác lại các đường bay đến Trung Quốc từ đầu tháng 1/2023.  Theo dự định, vào tháng 3 tới đây, hãng hàng không quốc gia sẽ nối lại đường bay giữa Hà Nội và Bắc Kinh với tần suất 3 chuyến bay/tuần. Đồng thời, tăng tần suất các chuyến bay kết nối Hà Nội, TP. HCM với Quảng Châu và Thượng Hải. Mỗi đường bay này sẽ được hãng khai thác 4 chuyến bay/tuần. 

Đây là mức tăng tần suất đáng kể khi trước đây, hãng chỉ khai thác từ 1-2 chuyến bay mỗi tuần trên các đường bay này.

Còn Vietjet Air cũng khai thác các chặng TP.HCM đi Thâm Quyến, Hàng Châu, Thượng Hải, Tứ Xuyên, Vũ Hán, tổng cộng 6 chuyến/tuần. Từ 23/1, hãng khai thác thêm chặng từ Cam Ranh đến Tràng Sa, Thành Đô. Theo dự kiến, vào mùa hè, Vietjet sẽ khai thác 85 đường bay, trong đó 60 đường bay đã có xác nhận ở các sân bay.

Các hãng bay đều đưa ra kịch bản lạc quan dự báo khách du lịch sẽ quay trở lại từ tháng 3/2023, với khách du lịch lẻ phục hồi trước tiên, tập trung chủ yếu vào đối tượng khách công vụ, thương nhân, thăm thân và du học sinh, sau đó là phục hồi khách du lịch theo đoàn. 

Thậm chí, với kịch bản Trung Quốc tiếp tục nới lỏng các thủ tục liên quan, nhu cầu phục hồi tốt, kỳ vọng lượng khách bay giữa hai nước năm 2023 sẽ đạt tới 80% so sánh năm 2019.

Tuy nhiên, với chính sách mới, các hãng hàng không Việt Nam đều phải tạm thời lùi thời hạn khai thác đến Trung Quốc đến cuối tháng 4/2023 hoặc sang tháng 5/2023 để chờ các quyết định tiếp theo của quốc gia này về việc cho phép khách du lịch đến Việt Nam.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate