November 22, 2023 | 14:00 GMT+7

Vì sao không giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế?

Phúc Minh -

Các doanh nghiệp kiến nghị giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, song cơ quan Bảo hiểm xã hội cho rằng cần xem xét kỹ đến khả năng cân đối của quỹ, cũng như mối tương quan với các điều kiện hưởng...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Mới đây, 13 hiệp hội doanh nghiệp đã đề xuất giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp của cả người sử dụng lao động và người lao động từ 1% xuống còn 0,5%; giảm mức đóng bảo hiểm y tế còn 1% đối với người lao động, còn 2% đối với người sử dụng lao động.

Phản hồi đề xuất của các doanh nghiệp về việc giảm mức đóng bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, với mức đóng bảo hiểm y tế và quyền lợi hưởng bảo hiểm y tế như hiện nay, quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trong năm đã tiệm cận với chi phí khám chữa bệnh phát sinh trong năm, bắt đầu có xu hướng phải sử dụng quỹ dự phòng để bổ sung, do chi vượt thu (trừ năm 2020 do dịch Covid-19).

Theo thống kê của cơ quan Bảo hiểm xã hội, tính đến hết tháng 9 năm nay, cả nước đã có hơn 127 triệu lượt người đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2022. Số tiền quỹ bảo hiểm y tế thanh toán là hơn 88,3 nghìn tỷ đồng, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Đối với mức đóng bảo hiểm thất nghiệp, quy định hiện hành và định hướng sửa đổi thời gian tới đều chỉ quy định mức đóng tối đa, giao Chính phủ căn cứ theo điều kiện thực tế để quy định mức đóng cụ thể.

Hiện nay, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa là 1% tiền lương tháng. Riêng trong giai đoạn ảnh hưởng dịch Covid-19, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp được đã được Chính phủ điều chỉnh giảm còn 0,5%, có thời điểm miễn đóng cho doanh nghiệp.

Cụ thể, năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 116/NQ-CP, trong đó hỗ trợ người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Theo đó, người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Từ ngày 1/10/2022, người sử dụng lao động không còn được giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp. Vì vậy, hiện mức đóng bảo hiểm thất nghiệp quay về mức 1%.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cũng đang được quy định tại các Luật chuyên ngành khác như Luật Việc làm; Luật Bảo hiểm y tế.

Vì vậy, khi Quốc hội giao Chính phủ nghiên cứu sửa đổi các Luật này, đề nghị các cơ quan chủ trì xem xét cụ thể về đề xuất giảm mức đóng mà các doanh nghiệp có ý kiến, đánh giá trong mối tương quan với các điều kiện hưởng, phù hợp với thiết kế tổng thể của những chính sách này.

Liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp, theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, thời gian qua, Bộ đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi), hiện đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 89/2023/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Bộ cũng sẽ nghiên cứu để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện dự án Luật Việc làm (sửa đổi), dự kiến trình Chính phủ vào tháng 6/2024 để Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu vào Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024), trong đó có sửa đổi nhiều nội dung về bảo hiểm thất nghiệp. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate