Ngày 24/8, tại Tọa đàm: "Cách nào hạn chế trục lợi bảo hiểm thất nghiệp", bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, trong quá trình thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, đơn vị này đã phát hiện người lao động hưởng sai trợ cấp thất nghiệp bao gồm cả trường hợp đang trong thời gian hưởng và đã chấm dứt hưởng.
NHIỀU NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN VI PHẠM VỀ BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP
Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, vi phạm chủ yếu được phát hiện khi người lao động đến nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, hoặc trong thời gian đang hưởng người lao động đến thông báo tình trạng việc làm hằng tháng.
Số khác là trường hợp theo kết quả các kỳ kết luận của Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước kiểm tra công tác quản lý thu của đơn vị tại cơ quan Bảo hiểm xã hội và phát hiện người lao động có việc làm, được đóng bảo hiểm xã hội nhưng vẫn hưởng bảo hiểm thất nghiệp mà không thông báo cho Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.
Ngoài ra là các trường hợp người lao động tự nguyện đến Trung tâm có đơn đề nghị xin được xem xét giải quyết, có xuất trình hợp đồng lao động và xin hoàn trả tiền trợ cấp thất nghiệp, do nhận thấy bản thân đã hưởng sai quy định.
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng tiếp nhận một số trường hợp theo thông báo của cơ quan Bảo hiểm xã hội gửi đến để phối hợp giải quyết, do trong quá trình chi trả trợ cấp thất nghiệp phát hiện người lao động tiếp tục tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tại đơn vị mới trong thời đang hưởng trợ cấp thất nghiệp của lần hưởng trước (người lao động trùng đóng, trùng hưởng); hoặc phát hiện trong quá trình giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất cho người lao động.
Tuy nhiên, trong quá trình trao đổi, và trực tiếp lắng nghe người lao động là đối tượng hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp, bà Liễu nhận thấy đa số người lao động vi phạm không cố ý trục lợi tiền trợ cấp thất nghiệp mà chủ yếu bởi một số lý do.
Trong đó, có nguyên nhân người lao động chưa nắm rõ các quy định về pháp luật lao động nói chung và các quy định về bảo hiểm thất nghiệp nói riêng; người lao động nhầm lẫn khái niệm có việc làm, đa số đều cho rằng, bắt đầu được tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp mới bị cắt hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Người lao động cũng chưa có sự trao đổi cụ thể rõ ràng với doanh nghiệp về nội dung và hiệu lực của hợp đồng lao động. Ngoài ra, do nhu cầu có việc làm nên dù chưa được ký kết hợp đồng lao động, họ vẫn đi làm và hưởng lương dẫn đến không xác định được chính xác ngày có việc làm theo hợp đồng lao động…
“Người lao động vi phạm hầu hết là công nhân làm việc tại các khu công nghiệp vừa và nhỏ, các khu chế xuất", bà Liễu thông tin.
Hơn nữa, qua trao đổi với người lao động thì đội ngũ cán bộ nhân sự tại các doanh nghiệp cũng chưa nằm vững các quy định về pháp luật lao động để tư vấn cho người lao động, dẫn tới hướng dẫn và thực hiện chưa đúng các quy định về giao kết hợp đồng lao động.
Nhiều trường hợp thông báo với Trung tâm Dịch vụ việc làm là mới vào thử việc tại đơn vị, tuy nhiên sau đó đơn vị lại ký hợp đồng lao động chính thức bao gồm cả thời gian thử việc, dẫn đến người lao động hưởng sai...Đây là nguyên nhân khách quan, nhưng cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới số lượng người lao động vi phạm bảo hiểm thất nghiệp.
NHIỀU GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ ĐỂ KIỂM SOÁT VIỆC TRỤC LỢI
Dưới góc độ chính sách, bà Vũ Thị Thanh Liễu cũng cho rằng việc trục lợi bảo hiểm thất nghiệp một phần do luật chưa có quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc thông báo ngay cho cơ quan lao động, cơ quan Bảo hiểm xã hội về việc có việc làm của người lao động.
Từ đó, xảy ra trường hợp người lao động đã có việc làm mà vẫn được hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Ngoài ra, chưa có quy định cụ thể về quản lý đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
“Hơn 14 năm thực hiện giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp, việc chưa có chức năng kết nối được với dữ liệu quản lý thu của cơ quan Bảo hiểm xã hội nên trước khi giải quyết chế độ hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm còn gặp nhiều khó khăn trong việc kịp thời phát hiện trường hợp có quá trình trùng đóng bảo hiểm xã hội với việc hưởng bảo hiểm thất nghiệp”, bà Liễu nêu thực tế.
Nhiều trường hợp người lao động bị phát hiện sau khi đã được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp; trong quá trình giải quyết chi trả, hoặc quá trình chốt sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động thì cơ quan Bảo hiểm xã hội phát hiện. Vì vậy, việc giải quyết thu hồi trợ cấp thất nghiệp đối với người lao động thường mất nhiều nguồn lực, thời gian và tồn tại qua nhiều năm.
Trước thực trạng trên, bà Vũ Thị Thanh Liễu cho biết Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã áp dụng các biện pháp kiểm soát trong thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp với người lao động; thực hiện đồng loạt các giải pháp nhằm hạn chế, phòng tránh việc trục lợi chính sách này.
Đối với các trường hợp phải thu hồi tiền trợ cấp thất nghiệp, cán bộ Trung tâm đã hướng dẫn và đôn đốc người lao động nộp lại tiền đã hưởng sai quy định cho cơ quan Bảo hiểm xã hội theo các quyết định chấm dứt, hủy, thu hồi đã ban hành.
Đơn vị cũng sử dụng nhiều hình thức liên lạc thông báo người lao động đến Trung tâm để hoàn thiện các thủ tục giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
TS. Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cũng cho rằng luật phải chặt chẽ hơn nữa, nên giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho những trường hợp người lao động bị buộc phải thôi việc do không bố trí được công việc. Còn đơn phương chấm dứt hợp đồng thì phải hạn chế. Các chính sách hỗ trợ khác cũng cần đồng bộ hơn.
“Làm chính sách bảo hiểm thì quan trọng nhất là giám sát thất thoát, lạm dụng quỹ. Có trường hợp người lao động đến các Trung tâm Dịch vụ việc làm không thiết tha với 3 chế độ đầu, mà chỉ muốn được hưởng trợ cấp”, bà Hương lo ngại.