October 27, 2021 | 09:05 GMT+7

Vì sao vaccine ngừa Covid không có tác dụng trọn đời như một số vaccine khác?

An Huy -

Một số loại vaccine chỉ cần tiêm đủ liều là có tác dụng từ vài chục năm đến trọn đời, nhưng vaccine ngừa Covid-19 thì không...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Một số loại vaccine chỉ cần tiêm đủ liều là có tác dụng từ vài chục năm đến trọn đời, như vaccine thuỷ đậu mang lại miễn dịch trong 10-20 năm hay vaccine uốn ván có hiệu quả trong 1 thập kỷ hoặc hơn. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng hiệu quả vaccine ngừa Covid-19 giảm đáng kể vài tháng sau khi tiêm.

Đó là lý do vì sao nhiều quốc gia trên thế giới đã phê chuẩn mũi tiêm nhắc lại vaccine Covid.

Mục đích của việc tiêm vaccine là mang lại sự bảo vệ giống như sự bảo vệ có được thông qua việc nhiễm bệnh, nhưng không đi kèm với rủi ro nghiêm trọng về mắc bệnh hay tử vong.

“Một vaccine thực sự tốt mang lại tác dụng như vậy, giúp người được tiêm không bị mắc bệnh ngay cả khi họ phơi nhiễm với virus”, giáo sư Rustom Antia thuộc Đại học Emory, một nhà nghiên cứu phản ứng miễn dịch, cho biết trong cuộc trao đổi với tờ Wall Street Journal. “Nhưng không phải tất cả vaccine đều lý tưởng”.

HIỆU QUẢ VÀ NGƯỠNG BẢO VỆ CỦA VACCINE

Theo ông Antia, có 3 cấp độ bảo vệ mà vaccine tạo ra, bao gồm bảo vệ hoàn toàn chống lại lây nhiễm và truyền bệnh; bảo vệ khỏi mắc bệnh thể nặng và truyền bệnh; và chỉ bảo vệ khỏi mắc bệnh thể nặng.

Hiệu quả của một vaccine tuỳ thuộc vào các yếu tố gồm: cường độ của phản ứng miễn dịch mà vaccine đó tạo ra, kháng thể duy trì được trong thời gian bao lâu, liệu virus hay vi khuẩn đó có đột biến không, và vị trí xảy ra lây nhiễm trên cơ thể.

Ngưỡng bảo vệ của vaccine là mức độ miễn dịch đủ để không mắc bệnh. Đối với mỗi virus hay vi khuẩn, ngưỡng bảo vệ là khác nhau. Chưa kể, việc ngưỡng bảo vệ được xác định như thế nào cũng không giống nhau đối với từng loại virus hay vi khuẩn.

“Về cơ bản, ngưỡng bảo vệ tuỳ thuộc vào mức kháng thể hoặc kháng thể trung hoà tính trên mỗi milliliter máu”, giáo sư Mark Slifka thuộc Đại học Sức khoẻ và Khoa học Oregon cho biết.

Đối với bệnh uốn ván, ngưỡng bảo vệ đã được xác định là 0,01 đơn vị quốc tế/milliliter máu vào năm 1942 - khi một bộ đôi nhà nghiên cứu người Đức chủ động phơi nhiễm với virus gây bệnh này nhằm mục đích kiểm tra những phát hiện đã có trước đó trên động vật.

“Một người trong số họ tự tiêm hai liều virus uốn ván vào đùi, và theo dõi diễn biến”, giáo sư Slifka cho hay. “Người kia tiêm ba liều”.

Cả hai bọn họ đều không ai mắc bệnh.

Một ngưỡng bảo vệ đối với bệnh sởi đã được xác định vào năm 1985 sau khi sinh viên trong một ký túc xá đại học bị phơi nhiễm với bệnh này sau một cuộc hiến máu. Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra nồng độ kháng thể trong máu mà các sinh viên này đã hiến, từ đó xác định được ngưỡng bảo vệ cần thiết để ngăn lây nhiễm là 0,02 đơn vị quốc tế/milliliter máu.

Với những căn bệnh trên, cường độ phản ứng với vaccine kết hợp với tốc độ suy giảm của kháng thể tạo ra phản ứng miễn dịch lâu dài. Kháng thể bệnh sởi giảm chậm. Kháng thể bệnh uốn ván giảm nhanh hơn, nhưng vaccine lại khiến cơ thể tạo ra kháng thể nhanh hơn mức cần thiết, giúp bù đắp sự suy giảm đó.

“Chúng ta gặp may với bệnh uốn ván, bệnh bạch cầu, bệnh sởi, và bệnh đậu mùa”, giáo sư Slifka phát biểu. “Chúng ta đã biết được ngưỡng bảo vệ đối với những bệnh này. Khi theo dõi sự suy giảm của kháng thể theo thời gian, nếu biết được ngưỡng bảo vệ, chúng ta có thể tính toán được thời hạn bảo vệ. Với Covid, chúng ta chưa biết được ngưỡng bảo vệ là như thế nào”.

THÁCH THỨC TỪ SARS-COV-2

Thông thường, những vaccine hiệu quả nhất sử dụng cơ chế virus nhân đôi, từ đó tạo ra sự miễn dịch trọn đời. Các vaccine phòng bệnh sởi và bệnh đậu mùa sử dụng cơ chế này.

Các vaccine không sử dụng cơ chế virus nhân đôi và vaccine dựa trên protein (chẳng hạn vaccine uốn ván) không có tác dụng lâu dài như vậy, nhưng hiệu quả của những vaccine này có thể được cải thiện bằng cách bổ sung chất bổ trợ - một loại chất giúp tăng cường cường độ phản ứng miễn dịch. Vaccine uốn ván và vaccine viêm gan A sử dụng chất bổ trợ.

Vaccine Covid của Johnson & Johnson và của AstraZeneca sử dụng virus adeno không nhân đôi và không bao gồm chất bổ trợ. Vaccine Covid dùng công nghệ mRNA của Pfizer và Moderna, loại có cơ chế khác, hoàn toàn không chứa virus.

Vấn đề càng trở nên phức tạp hơn khi virus và vi khuẩn có khả năng đột biến để “né” phản ứng miễn dịch của cơ thể, dẫn tới việc kiểm soát chúng trở nên khó khăn hơn.

Các bệnh sởi, quai bị, rubella và thuỷ đậu hầu như không đột biến, nhưng đã có ít nhất 8 biến chủng của Sars-CoV-2, loại virus gây bệnh Covid-19, được phát hiện – theo Tạp chí Y khoa Anh.

Sự đột biến của virus “thực sự khiến cho vaccine khó phát huy tác dụng hơn”, giáo sư Slifka nhấn mạnh. “Bạn phải đuổi theo ngày càng nhiều mục tiêu. Bệnh cúm cũng đột biến. Với bệnh cúm, chúng ta thích nghi bằng cách đưa ra vaccine cúm mới mỗi năm để có thể chống lại chủng cúm mới”.

Vaccine cúm có thể mang lại sự bảo vệ trong vòng ít nhất 6 tháng.

Tạm gác sang bên những thách thức trong việc tạo ra một vaccine hiệu quả để chống lại một virus liên tục biến đổi, nhiều người hy vọng khả năng đánh bại Covid-19 bằng đạt tới miễn dịch cộng đồng. Nhưng theo giáo sư Antia, cách thức mà virus corona xâm nhập vào cơ thể người khiến đạt miễn dịch cộng đồng là một việc khó.

“Rất khó để vaccine có thể đưa chúng ta tới miễn dịch cộng đồng lâu dài đối với nhiều căn bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp”, theo ông Antia. “Miễn dịch cộng đồng đối với những bệnh này chỉ có thể duy trì trong một khoảng thời gian khiêm tốn. Tất cả tuỳ thuộc vào virus biến đổi nhanh như thế nào, và vào việc miễn dịch giảm nhanh như thế nào”.

Một phần của vấn đề nằm ở chỗ virus corona nhân lên ở cả đường hô hấp trên và dưới.

“Vaccine lưu hành tốt trong phổi và cơ thể, nhưng lại không được như vậy ở niêm mạc mũi”, giáo sư Slifka nhấn mạnh. “Chúng ta có thể ngăn nguy cơ mắc bệnh thể nặng là bởi có kháng thể ở đường hô hấp dưới”. Tuy nhiên, nguy cơ mắc bệnh thể nhẹ từ đường hô hấp trên là vẫn có.

Trong thời gian tới, các vaccine Covid-19 có thể được cập nhật để chống lại các biến chủng của virus, và theo các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Hoàng gia London, thế hệ vaccine tiếp theo cũng có thể sẽ tập trung vào tăng cường miễn dịch trên niêm mạc mũi và phổi.

Còn ở thời điểm hiện tại, việc chống lại Covid có thể đòi hỏi việc tiêm mũi vaccine nhắc lại.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate