Đây là một trong những câu hỏi lớn về đại dịch Covid-19. Hầu hết các nước phát triển hiện đã tiêm vaccine Covid-19 cho hầu hết người dân với những loại vaccine được đánh giá là có hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên, giữa các quốc gia này có sự khác biệt về tình hình dịch bệnh hiện tại khi một số nước chứng kiến làn sóng dịch bệnh mới với số ca tử vong cao hơn quốc gia khác.
Theo Bloomberg, dù vaccine rõ ràng giúp giảm nguy cơ tử vong trong làn sóng dịch bệnh với biến thể Delta nguy hiểm và lây lan nhanh hiện nay. Tuy nhiên, một quốc gia với cùng tỷ lệ tiêm vaccine cao ghi nhận số ca tử vong giảm mạnh hơn những nơi khác. Đây là điều mà các nhà khoa học vẫn chưa lý giải được.
Tính toán của Bloomberg sử dụng dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins, cho thấy các nước như Đức, Đan Mạch và Anh chứng kiến số ca tử vong vì Covid-19 giảm xuống chỉ còn 10% so với các đợt đỉnh dịch trước đó. Trong khi đó, số ca tử vong tại Israel, Hy Lạp, Mỹ cũng giảm nhưng vẫn ở mức khoảng 50% so với các đợt đỉnh dịch trước.
Nhiều quốc gia - chủ yếu là các nền kinh tế đang phát triển với hệ thống y tế kém phát triển hơn – chủ yếu dựa vào vaccine của Trung Quốc và Nga – được chứng minh là kém hiệu quả hơn so với vaccine công nghệ mRNA của Pfizer/BioNtech và Moderna được dùng rộng rãi tại Mỹ và châu Âu. Các quốc gia này chứng kiến sự gia tăng cả về số ca nhiễm và số ca tử vong kể từ tháng 7 đến nay, khi biến thể Delta càn quét khắp thế giới.
KHOẢNG CÁCH GIỮA HAI MŨI TIÊM TẠO RA SỰ KHÁC BIỆT?
Với dữ liệu từ Đại học John Hopkins, Bloomberg tập trung so sánh các quốc gia có trên 55% dân số đã được tiêm vaccine và sử dụng kết hợp các loại vaccine từ của Pfizer/BioNTech cho tới AstraZeneca – được chứng minh là có hiệu quả từ 60-90% trong việc ngăn chặn việc lây nhiễm có triệu chứng trước biến thể Delta. Kết quả cho thấy một điều rõ ràng rằng: không chỉ loại vaccine hay phạm vi tiêm chủng mới có tác động làm giảm số ca tử vong vì Covid-19.
Phân tích này tập trung vào những nơi có tỷ lệ bao phủ vaccine trên 55% và dân số ít nhất một triệu người. Nhóm này được lọc thêm để chỉ xét tới các quốc gia đối mặt với 2 làn sóng dịch bệnh.
Thứ nhất là làn sóng dịch bệnh kỷ lục trong vòng 6 tháng trước khi đạt được tỷ lệ bao phủ vaccine 10%. Thứ hai là làn sóng xảy ra khi biến thể Delta bắt đầu lan nhanh trên toàn cầu. Số liệu được đưa ra so sánh là số ca nhiễm và tử vong bình quân 7 ngày cao nhất trong từng đợt dịch.
Dữ liệu cho thấy một số nơi có tỷ lệ tử vong thấp hơn đã tiêm hai mũi vaccine cách nhau xa hơn so với khoảng thời gian 3-4 tuần được áp dụng trên khắp thế giới. Dù gây tranh cãi, quyết định kéo dài khoảng cách giữa hai mũi vaccine của công ty AstraZeneca/Oxford ra 12 tuần của Anh vào tháng 12/2020 (để giúp nhiều người được tiêm mũi đầu tiên hơn) hiện được giới nghiên cứu xác nhận là mang lại hiệu quả bảo vệ mạnh mẽ hơn.
Đan Mạch và Đức cũng cho phép kéo dài thời gian giữa 2 mũi tiêm, lên tới 12 tuần với vaccine AstraZeneca ở Đức và 6 tuần với vaccine Pfizer/BioNTech ở Đan Mạch. Các nhà nghiên cứu cho rằng hiệu quả của hai mũi tiêm dường như mạnh hơn ở tiêm mũi tiêm thứ hai sau khi cơ thể đã phản ứng hoàn toàn với mũi đầu tiên – điều này mất hơn 1 tháng.
“Đó là cuộc thử nghiệm miễn dịch học tự nhiên”, ông Michael Osterholm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách về Bệnh Truyền nhiễm tại Đại học Minnesota ở Minneapolis (Mỹ), nhận xét khi nói về quyết định kéo dài khoảng cách giữa hai mũi tiêm của Anh và Canada. "Cơ thể có thể đã phản ứng tốt hơn nhiều bởi hệ miễn dịch của con người có thể được chuẩn bị tốt hơn cho mũi thứ hai nếu chúng đợi đến khi toàn bộ quá trình phản ứng hoàn tất".
MIỄN DỊCH NHỜ VACCINE GIẢM DẦN VÀ YẾU TỐ TUỔI TÁC TRONG CHIẾN LƯỢC VACCINE
Ngoài yếu tố về khoảng cách giữa hai mũi tiêm, hiệu quả miễn dịch của vaccine suy giảm cũng như bản chất có khả năng lây nhiễm của biến thẻ Delta cũng là những yếu tố tác động tới nguy cơ tử vong.
Được phát hiện lần đầu vào năm ngoái ở Ấn Độ, biến thể Delta đã tàn phá quốc gia đông dân thứ 2 thế giới trước khi bắt đầu hoành hành tại các nền kinh tế phát triển trên khắp thế giới vào giữa năm nay.
Theo các chuyên gia như Hitoshi Oshitani, nhà dịch tễ học tại Đại học Tohoku, Nhật Bản, tại những quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine nhanh nhất thế giới như Israel, Mỹ - từng khiến thế giới ghen tị vì chiến dịch tiêm vaccine dẫn đầu – “lá chắn” vaccince có thể đã suy yếu do miễn dịch trong cơ thể giảm dần theo thời gian.
Các nghiên cứu gần đây xác nhận nhận rằng, so sánh hai nhóm người trước biến thể Delta, nhóm đã tiêm vaccine 5 tháng trước có nguy cơ nhiễm virus có triệu chứng cao hơn 50%. Đây được gọi là các ca nhiễm đột phá (breakthrough infection) - việc nhiễm Covid ở người đã tiêm đủ vaccine.
“Do khả năng miễn dịch giảm dần, càng tiêm sớm thì bạn càng có nguy cơ nhiễm virus đột phá hơn”, ông Oshitani nói. "Đây có lẽ là lý do tại sao số ca mắc và tử vong cao trên dân số tại Israel ở mức cao”.
Ngược lại, các quốc gia châu Âu đã khởi động chiến dịch tiêm chủng chậm hơn, chủ yếu diễn ra vài tháng trước khi biến thể Delta bắt đầu lây lan rộng.
Bên cạnh đó, yếu tố tuổi tác trong chiến dịch vaccine cũng ảnh hưởng tới hiệu quả làm giảm số ca tử vong. Đan Mạch chưa ghi nhận làm sóng lây nhiễm mới hoạch tử vong mới lớn nào kể từ khi bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine đầu năm nay. Quan chức Đan Mạch cho biết việc tập trung tiêm vaccine cho nhóm người cao tuổi trước đã giúp nước này giảm số ca tử vong.
Điều tương tự cũng diễn ra tại Nhật. Nước này hiện đã tiêm vaccine cho 95% dân số trên 65 tuổi và hiệu quả đã được thấy rõ trong làn sóng ca bệnh kỷ lục tại Nhật vào tháng 8. Trong làn sóng bùng dịch này, số ca tử vong đã giảm 43% so với đỉnh dịch trước đó, dù số ca nhiễm cao hơn 2,5 lần. Với việc Nhật Bản là quốc gia có dân số già nhất thế giới, biến thể Delta đã có thể gây ra số ca tử vong nhiều hơn nếu như nước này không tập trung tiêm cho người cao tuổi trước tiên.