February 20, 2024 | 12:04 GMT+7

Vì sao “vua pin xe điện” thành lập công ty quản lý tài sản carbon?

Sơn Trần

CATL sẽ sớm gia nhập thị trường quản lý tài sản carbon, hoàn toàn có thể tạo dựng nên thương hiệu đáng gờm bằng cách tận dụng nguồn lực và kiến ​​thức chuyên môn hiện có…

Thị trường quản lý tài sản carbon vừa chào đón một đối thủ nặng ký mới gia nhập. Theo KrASIA, Contemporary Green Energy (CGE), công ty con thuộc sở hữu của “ông trùm ngành pin” đến từ Trung Quốc Contemporary Amperex Technology (CATL), đã đăng ký kinh doanh quản lý tài sản carbon vào ngày 2/2 vừa qua.

Thông tin công khai cho thấy CGE tập trung đầu tư, xây dựng và vận hành trong ngành năng lượng tái tạo bao gồm năng lượng gió và mặt trời, chuyên về hoạt động lưu trữ và kinh doanh năng lượng xanh. Công ty cũng hỗ trợ các doanh nghiệp khử cacbon, cung cấp dịch vụ tư vấn và giải pháp khác liên quan đến quy trình giảm thiểu cacbon.

Với  hoạt động đa dạng của CGE, việc thành lập công ty quản lý tài sản carbon dường như là chiến lược bổ sung và nâng cao cho ma trận công cụ giảm lượng carbon của CATL.

TÀI SẢN CARBON LÀ GÌ?

Thuật ngữ “tài sản carbon” được định nghĩa theo tiêu chuẩn ngành của Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) là tài sản mới được tạo ra bởi hoạt động mua bán khí thải quốc gia. Các loại hạn ngạch phát thải carbon do chính phủ ban hành và các dự án đủ điều kiện nhận tín chỉ carbon (giấy chứng nhận cho phép chủ sở hữu phát thải khí carbon, mỗi tín chỉ tương đương 1 tấn C02) đều thuộc danh mục tài sản carbon dựa trên định nghĩa này.

Một chuyên gia trong ngành chia sẻ với KrASIA rằng đa số công ty đều là nguồn phát thải carbon lớn và những doanh nghiệp liên quan đến việc phát triển hoặc mua tài sản carbon thường phải xử lý lượng vốn đáng kể. Do đó, tiêu chuẩn hóa, hệ thống hóa và hoàn thiện quy trình quản lý tài sản carbon trở thành vấn đề cấp thiết.

Lấy CATL làm ví dụ, theo báo cáo về Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG), lượng phát thải carbon Phạm vi 1 và Phạm vi 2 của công ty đã đạt mức 3,24 triệu tấn vào năm 2022. Để tuân thủ yêu cầu của SBTi (sáng kiến do Hiệp ước Toàn cầu của Liên hợp quốc, Viện Tài nguyên Thế giới và Carbon Disclosure Project đồng sáng lập nhằm cung cấp mục tiêu giảm phát thải dựa trên khoa học cho doanh nghiệp và tổ chức), công ty cần giảm lượng khí thải carbon ít nhất 90% trong tương lai, 10% còn lại được bù đắp thông qua kế hoạch mua tín chỉ carbon để đạt mức trung hòa carbon trong hoạt động vận hành. Số tiền hàng năm cần chi để mua tín chỉ carbon có thể là con số đáng kể nếu xét đến quy mô của CATL.

Thư ký Hội đồng Quản trị CATL Jiang Li, phát biểu trong sự kiện ra mắt chiến lược trung hòa carbon của công ty, tổ chức tại Auto Shanghai. Nguồn: CATL.
Thư ký Hội đồng Quản trị CATL Jiang Li, phát biểu trong sự kiện ra mắt chiến lược trung hòa carbon của công ty, tổ chức tại Auto Shanghai. Nguồn: CATL.

TẠI SAO CATL QUYẾT TÂM THÀNH LẬP CÔNG TY QUẢN LÝ TÀI SẢN CARBON?

KrASIA lưu ý rằng, với tiến bộ của mục tiêu “carbon kép” và sự khởi động lại thị trường Chứng nhận Giảm phát thải Trung Quốc (CCER), các doanh nghiệp nhà nước do Tổng công ty Đầu tư Điện lực Nhà nước (SPIC) và Zhejiang Energy đại diện, hay một số doanh nghiệp phát thải carbon cao do Tập đoàn Hesteel đại diện, cũng đã thành lập công ty quản lý tài sản carbon của riêng mình.

Các chuyên gia trong ngành chỉ ra rằng xu hướng quản lý tài sản carbon có ý nghĩa lớn và không chỉ dừng lại ở vấn đề mua bán đơn thuần. Thay vào đó, hoạt động nhấn mạnh nỗ lực tích cực giảm lượng khí thải để giảm chi phí tuân thủ, sử dụng đầy đủ các công cụ tài chính và tối ưu hóa phân bổ nguồn lực dựa trên hiện trạng tài sản carbon.

Hiện tại, đa số công ty quản lý tài sản carbon chính thống trên thị trường chủ yếu là tổ chức bên thứ ba. 

Về CATL, việc thành lập tổ chức quản lý tài sản carbon chủ yếu nhằm phục vụ nhu cầu của chính công ty. Mặc dù không thuộc tám ngành công nghiệp tiêu thụ năng lượng lớn nhưng ông vua pin điện phải đối mặt với áp lực giảm lượng khí thải do quy định mới về pin được Liên minh Châu Âu phê chuẩn.

Vào tháng 4/2023, CATL đã công bố mục tiêu trung hòa carbon trong hoạt động cốt lõi vào năm 2025 và trên toàn chuỗi giá trị vào năm 2035. Điều này đồng nghĩa rằng công ty sẽ phải đối mặt với thách thức đáng kể khi nỗ lực giảm lượng carbon trong hai năm tới.

Được biết, CGE có 54 công ty con, phần lớn trong số đó tham gia phát triển điện gió ngoài khơi, xây dựng nguồn cung cấp năng lượng xanh ổn định. Đây là một trong những cách giúp CATL giảm lượng khí thải carbon.

Tuy nhiên công nghệ khử cacbon hiện nay còn nhiều hạn chế, lượng khí thải carbon không thể loại bỏ hết. Do đó, CATL phải mua tín chỉ carbon. Việc thành lập công ty quản lý carbon chuyên dụng không chỉ phục hồi tài sản carbon mà còn giúp công ty hiện thực hóa mục tiêu bảo tồn và đánh giá loại tài sản này.

Thậm chí, một số chuyên gia tin rằng, CATL thành lập công ty quản lý tài sản carbon có thể hướng đến mục tiêu kinh doanh, không chỉ phục vụ chính CATL mà còn phục vụ cả khách hàng bên thứ ba.

THỊ TRƯỜNG KHỞI SẮC

Năm nay, thị trường carbon Trung Quốc phát triển rõ rệt. Với việc CCER chính thức khởi động lại từ tháng 1 sau gần bảy năm, quy mô tổng thể thị trường được mở rộng và hoạt động giao dịch carbon tiếp tục tăng lên, tạo ra cơ hội phát triển tiềm năng cho các công ty mong muốn quản lý tài sản carbon.

Theo dữ liệu Aiqicha, có hơn 4.800 công ty liên quan đến mảng quản lý tài sản carbon ở Trung Quốc. Trong đó, hơn 1.100 công ty được thành lập mới trong năm 2023.

Một số công ty đã gặt hái thành công nhờ kinh doanh quản lý tài sản carbon. Báo cáo tài chính gần đây cho biết, vào năm 2022, Tập đoàn Lưới điện Nhà nước Trung Quốc (SGCC) đạt doanh thu 6,8 triệu USD, tương đương tăng 87,78% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận ròng cùng kỳ đạt 1,17 triệu USD, cao hơn 283,29% so với năm trước.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate