November 26, 2021 | 16:18 GMT+7

VIC “cứu” chỉ số, lực xả vẫn lan rộng

Kim Phong -

Nếu không có gần 5 điểm tăng hôm nay của VIC, VN-Index lẫn VN30-Index đã “chìm” sâu hơn vào vùng đỏ. Sự co kéo khéo léo giữa các mã lớn đã giúp VN-Index có được mức tăng gần 41 điểm trong tuần này...

VIC tỏa sáng giữa "rừng" blue-chips giảm giá hôm nay.
VIC tỏa sáng giữa "rừng" blue-chips giảm giá hôm nay.

Nếu không có gần 5 điểm tăng hôm nay của VIC, VN-Index lẫn VN30-Index đã “chìm” sâu hơn vào vùng đỏ. Sự co kéo khéo léo giữa các mã lớn đã giúp VN-Index có được mức tăng gần 41 điểm trong tuần này.

VN-Index đột phá qua mốc 1.500 điểm ngày hôm qua vẫn có gì đó thiếu chắc chắn, khi chỉ số chỉ nảy lên trên ngưỡng này ở nhịp ATC. Một số cổ phiếu vốn hóa lớn bật tăng giúp điểm số có được mang tính kỹ thuật nhiều hơn.

Hôm nay đà tăng tiếp tục có dấu hiệu cảnh báo khi gần như chỉ có VIC nổi bật. Nhóm cổ phiếu ngân hàng suy yếu rất nhanh và “người hùng” VCB đã tạo một bull-trap khá lớn. VCB đầu phiên tăng vọt tiếp 1,03% nữa, nhưng sau đó lao dốc rất nhanh. VN-Index đạt đỉnh cao nhất sau 10h cũng chỉ tăng 0,72% so với tham chiếu. Ngay cả khi đó, độ rộng HoSE vẫn chỉ là 210 mã tăng/243 mã giảm.

Sự suy yếu của trụ ngân hàng này nhanh chóng được cân bằng lại từ VIC. “Siêu trụ” này cũng chao đảo, nhưng cố gắng giữ độ cao rất tốt. Từ đỉnh cao nhất tăng 6,28%, VIC chỉ tụt xuống còn tăng 4,79%. Riêng VIC đã giúp VN-Index có được gần 5 điểm, trong khi chỉ số này bốc hơi 7,78 điểm tương đương 0,52%.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng có VPB tham gia kéo tăng. Mã này bật lên 3,16% nhờ lực mua mạnh ATC. Tuy vậy ảnh hưởng chính của VPB là tại VN30-Index. Chỉ số này hưởng lợi 3,9 điểm trong khi VN-Index chưa được 1,5 điểm. VN30-Index nhờ đó chỉ giảm nhẹ 0,38% hôm nay.

VIC, VPB nâng đỡ VN30-Index chỉ giảm nhẹ, nhưng độ rộng rất hẹp.
VIC, VPB nâng đỡ VN30-Index chỉ giảm nhẹ, nhưng độ rộng rất hẹp.

Dù điểm số không mất nhiều, hôm nay đích thị là một phiên điều chỉnh trên diện rộng. Ngay trong nhóm VN30, chỉ còn 7 mã tăng nhưng 22 mã giảm. Ngoài VIC và VPB, có thêm PDR, NVL là tăng được trên 1%, nhưng ảnh hưởng hạn chế. Loạt cổ phiếu ngân hàng giảm xấp xỉ từ 2% trở lên phiên này là TPB, HDB, CTG, VCB, VBB, NVB, NAB, BVB, VAB, KLB, SGB, LPB. Nhóm giảm trên 1% là MBB, TCB, ACB, EIB...

Cổ phiếu ngân hàng đột nhiên bị xả mạnh là điều không mấy bất ngờ. Thanh khoản và khối lượng trôi nổi luôn là lực cản nội tại. Nhóm cổ phiếu ngân hàng cần dòng tiền cực lớn mới có thể duy trì được đà đi lên. Trong hai phiên tăng tốt vừa qua, dòng tiền vào nhóm này khá cao, nhưng lại kém bền. Trừ VPB giao dịch tốt với thanh khoản lớn, TCB bị xả gần 1.200 tỷ đồng và giá giảm mạnh. Nhóm STB, CTG, MBB... đều có thanh khoản giảm.

Độ rộng chung của sàn HoSE cuối phiên cũng cho thấy hiện tượng chốt lời và xả vẫn diễn ra. 166 mã tăng/315 mã giảm gần như là độ rộng tệ nhất của sàn này, trừ nhịp xả đột biến ngay đầu phiên chiều (118 mã tăng/353 mã giảm). Nhịp xả ngay đầu phiên chiều cũng là tín hiệu cảnh báo sớm, khi cầu bắt đáy sau đó không thể làm thay đổi độ rộng theo hướng tích cực hơn. Đó là tín hiệu cầu đỡ tương đối kém.

Thanh khoản gia tăng khá mạnh phiên hôm nay trên cả hai sàn niêm yết: HNX tăng giao dịch 18% trong khi HoSE tăng 8%. Tất cả các nhóm cổ phiếu đều tăng thanh khoản, với VN30 tăng 15%, Midcap tăng 7% và Smallcap tăng 30%. Sàn UpCOM cũng tăng 23%. Tuy nhiên nếu tính theo trung bình tuần thì giao dịch không ấn tượng: UpCOM đã giảm giao dịch trung bình tuần này khoảng 23% so với tuần trước, smallcap sàn HoSE giảm 30%, midcap giảm 15%. Duy nhất VN30 là tăng 14% nhờ giao dịch tăng lên của nhóm ngân hàng.

Nhà đầu tư nước ngoài khép lại phiên xả hôm nay với mức bán ròng cực lớn với 2.098 tỷ đồng. VPB bị rút đi xấp xỉ 563 tỷ đồng ròng, gần một nửa số này là thông qua thỏa thuận. HPG, VND, NLG, VIC, HCM bị bán ròng trên trăm tỷ đồng. Riêng cổ phiếu trong rổ VN30 hôm nay bị xả ròng 1.168 tỷ đồng.  

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate