April 25, 2023 | 12:12 GMT+7

Việc làm tại các doanh nghiệp "chưa đến mức bi quan, nhưng cần chú ý"

Phúc Minh -

Kết quả khảo sát về tình hình lao động - việc làm tại các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM cho thấy, đảm bảo việc làm cho người lao động tại các doanh nghiệp đang ở mức độ cần chú ý, nhưng chưa đến mức bi quan...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thông tin về tình hình lao động, việc làm, đơn hàng của các doanh nghiệp, cung - cầu lao động những tháng đầu năm 2023, Sở Lao động–Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết, năm 2022, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trên địa bàn là hơn 4,6 triệu người, hơn 4,4 triệu lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế.

Số lao động được hưởng chính sách trợ cấp thất nghiệp năm 2022 là 146.285 người. Trong 2 tháng đầu năm 2023, số người hưởng trợ cấp thất nghiệp là 17.153 người. Đa số người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp đều được tư vấn, giới thiệu việc làm để nhanh chóng quay trở lại thị trường lao động.

Tuy nhiên, xu hướng người lao động mong muốn được nhận đủ số tháng được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi được tư vấn, giới thiệu việc làm, và sẵn sàng chuyển sang khu vực phi chính thức làm việc để không tham gia bảo hiểm xã hội cũng như để được hưởng đủ số tháng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.

Cuối năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, do tác động của tình hình chính trị tại một số nước và kinh tế thế giới diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp có các đối tác, khách hàng ở các nước, dẫn đến tình hình lao động trong nước cũng gặp nhiều khó khăn trong thời điểm này.

Trong bối cảnh đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. HCM đã tiến hành rà soát tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, lao động - việc làm tại các doanh nghiệp trên địa bàn.

Theo kết quả trả lời khảo sát của 3.795 doanh nghiệp trong tháng 3/2023 thì tình hình đảm bảo việc làm cho người lao động tại các doanh nghiệp đang ở mức độ cần chú ý nhưng chưa đến mức bi quan.

Nhận định này rút ra dựa trên các số liệu khảo sát như sau: So với thời điểm cuối năm 2022 có 30,75% doanh nghiệp phản ánh “lao động giảm”, 50,65% doanh nghiệp “lao động giữ nguyên” và 18,6% doanh nghiệp có “lao động tăng”. Riêng trong nhóm cắt giảm lao động, rơi chủ yếu vào nhóm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giày da - dệt may, xây dựng, chế biến lương thực phẩm .

Dự kiến về tăng/giảm lao động trong quý 2/2023: Chiếm tỷ lệ cao các doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh như cũ - 71,78% so với 20,95% dự kiến tăng và 7,27% dự kiến giảm với nguyên nhân giảm là thiếu đơn hàng - 38,9%, không tái ký hợp đồng lao động hết hạn - 56,4% và một số lý do khác.

Về nhu cầu tuyển lao động trong quý 2/2023, có 851/3.795 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động ở nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó nhu cầu tuyển lao động qua đào tạo là 8.229 lao động, lao động chưa qua đào tạo là 5.441 lao động; 1.429 doanh nghiệp không có nhu cầu tuyển và 1.515 doanh nghiệp chưa biết sẽ có tuyển hay không vì còn phụ thuộc vào tình hình kinh doanh của đơn vị.

Tương tự, khi đánh giá về tăng/giảm lao động quý 3/2023, có 57,57% ý kiến chưa biết tình hình lao động tại doanh nghiệp sẽ theo chiều hướng nào, 32,14% duy trì như cũ; 8,72% dự kiến tăng và 1,55% dự kiến giảm.

Người lao động tìm hiểu thông tin việc làm. Ảnh - N.Dương.
Người lao động tìm hiểu thông tin việc làm. Ảnh - N.Dương.

Khảo sát triển vọng sản xuất kinh doanh trong 6 tháng cuối năm 2023 cho thấy, đa phần các doanh nghiệp có nhận định lạc quan, với 62,31% doanh nghiệp cho rằng sẽ “hoạt động bình thường”, 16,54% “tăng trưởng so với 6 tháng đầu năm” và 9,3% “tiếp tục thiếu hụt đơn hàng” và 11,75% các nhận định khác.

Để đảm bảo việc làm trong thời gian tới, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan nắm bắt tình hình lao động, tăng cường tuyên truyền vận động các doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách pháp luật lao động trong công tác chăm lo đời sống cho người lao động; hướng dẫn, giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh, không để xảy ra tranh chấp lao động tập thể dẫn đến ngừng việc, đình công trên địa bàn.

Đồng thời, phối hợp với các đơn vị có liên quan và doanh nghiệp tổ chức các sàn giao dịch việc làm để tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động bằng hình thức tổ chức trực tiếp và online để kịp thời tư vấn hỗ trợ cho người lao động có nhu cầu tìm việc và chuyển gửi các doanh nghiệp để phỏng vấn việc làm trực tiếp.

Thành phố cũng sẽ triển khai chương trình liên kết, hợp tác với các tỉnh để trao đổi thông tin, kết nối cung - cầu lao động đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực, kịp thời có sự phối hợp triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động từ các tỉnh đến TP.HCM làm việc trong một số trường hợp bất khả kháng.

Cùng với đó, giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp và tư vấn học nghề cho người lao động có nhu cầu học nghề thì sẽ có những chính sách hỗ trợ miễn, giảm học phí theo các chế độ quy định.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate