December 11, 2024 | 16:11 GMT+7

Việc triển khai các công nghệ phát điện linh hoạt có thể tiết kiệm 65 nghìn tỷ euro vào năm 2050

Gia Bảo -

Báo cáo của Wärtsilä cho thấy một hệ thống điện sử dụng nguồn phát điện linh hoạt có những lợi thế đáng kể khi xét đến cả giảm chi phí và phát thải CO₂. Mô phỏng chỉ ra rằng lộ trình này sẽ tiết kiệm khoảng 65 nghìn tỷ euro vào năm 2050 so với lộ trình chỉ bao gồm Năng lượng tái tạo…

Ảnh minh hoạ: Nhà máy điện với nhiều tổ máy ICE cung cấp khả năng vận hành linh hoạt cho hệ thống điện
Ảnh minh hoạ: Nhà máy điện với nhiều tổ máy ICE cung cấp khả năng vận hành linh hoạt cho hệ thống điện

Nghiên cứu mô phỏng hệ thống điện toàn cầu của Wärtsilä, được công bố trong bản báo cáo Giao lộ trên hành trình Net zero, so sánh hai lộ trình từ năm 2025 tới 2050 với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu, theo mục tiêu đã đề ra trong Thỏa thuận Paris.

Trong lộ trình đầu tiên, chỉ có các nguồn Năng lượng tái tạo, như gió và mặt trời, và hệ thống pin tích trữ năng lượng tham gia vào hệ thống điện. Ở lộ trình thứ hai, các nhà máy điện linh hoạt, với khả năng thay đổi công suất nhanh để hỗ trợ cân bằng khi Năng lượng tái tạo không ổn định, cũng sẽ được bổ sung vào hệ thống.

VIỆT NAM LÀ QUỐC GIA DẪN ĐẦU KHU VỰC VỀ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO

Theo Wärtsilä, Việt Nam đã cam kết đạt Net zero vào năm 2050, và là quốc gia dẫn đầu khu vực về phát triển Năng lượng tái tạo.

Nghiên cứu mô phỏng hệ thống điện Việt Nam của Wärtsilä vào năm 2022, được công bố trong bản báo cáo Tái định hình ngành Năng lượng tại khu vực Đông Nam Á, cho thấy việc chuyển đổi sang một hệ thống điện trung hoà các-bon vào năm 2050 có thể giúp Việt Nam tiết kiệm khoảng 26 tỷ euro mỗi năm.

Nghiên cứu cũng chỉ ra cho mỗi GW công suất các nguồn Năng lượng tái tạo, hệ thống sẽ cần khoảng 150 MW công suất điện linh hoạt để đảm bảo tính ổn định.

Mô phỏng hệ thống điện toàn cầu mới nhất cũng cho thấy xu hướng tương tự. Một hệ thống điện sử dụng nguồn phát điện linh hoạt có những lợi thế đáng kể khi xét đến cả giảm chi phí và phát thải CO₂.

Mô phỏng chỉ ra rằng lộ trình này sẽ tiết kiệm khoảng 65 nghìn tỷ euro vào năm 2050 so với lộ trình chỉ bao gồm Năng lượng tái tạo.

Mức tiết kiệm này đạt trung bình 2,5 nghìn tỷ euro mỗi năm, tương đương với hơn 2% GDP toàn cầu năm 2024.

Báo cáo nêu rõ sự hỗ trợ của các nhà máy điện linh hoạt sẽ giúp tối đa hoá hiệu quả của Năng lượng tái tạo, và là chìa khoá để mở rộng quy mô Năng lượng tái tạo.

Mô phỏng cho thấy tích hợp các nhà máy điện linh hoạt giúp tối ưu hóa hệ thống điện, nhờ đó giảm đến 88% Năng lượng tái tạo bị lãng phí do bị cắt giảm công suất vào năm 2050 so với lộ trình còn lại.

Trên tổng thể, có thể tránh cắt giảm tổng cộng 458,000 TWh, đủ để cung cấp điện cho toàn thế giới (dựa trên mức tiêu thụ điện hiện tại) trong hơn 15 năm.

Ông Anders Lindberg, Chủ tịch mảng Năng lượng kiêm Phó Chủ tịch Cấp cao, Tập đoàn Wärtsilä, cho biết: “Mặc dù tỷ trọng Năng lượng tái tạo trong hệ thống điện đang lớn hơn bao giờ hết, nhưng chỉ Năng lượng tái tạo thì không đủ. Nghiên cứu mô phỏng của chúng tôi chỉ ra rằng nguồn linh hoạt là cần thiết để đạt một tương lai năng lượng sạch”. 

CÁC CÔNG NGHỆ LINH HOẠT KHÁC NHAU CÓ NHỮNG VAI TRÒ KHÁC NHAU TRONG HỆ THỐNG ĐIỆN

Trong khi hệ thống pin tích trữ năng lượng cung cấp cân bằng theo cấp độ giây và phút, các nhà máy điện linh hoạt sử dụng động cơ đốt trong dạng píttông (Reciprocating Internal Combustion Engine – RICE) có thể xử lý các biến động cấp độ theo giờ, theo ngày và thậm chí theo mùa.

Theo Wärtsilä, nguồn điện linh hoạt đã được ghi nhận trong cơ cấu nguồn điện của Quy hoạch điện VIII bắt đầu với 300 MW từ nay tới trước năm 2030 và tăng lên đáng kể tới 46,200 MW trong giai đoạn trước năm 2050. 

“Việt Nam đang thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của mình đối với mục tiêu Net zero vào năm 2050. Điều quan trọng bây giờ là đảm bảo Quy hoạch Điện VIII được triển khai một cách kịp thời. Việc tăng tỷ trọng Năng lượng tái tạo cùng với nguồn phát điện linh hoạt để cân bằng hệ thống điện là thiết yếu trong thập kỷ tới giúp Việt Nam đạt được mục tiêu đã đề ra”, ông Phạm Minh Thành, Giám đốc Quốc gia Việt Nam, mảng Năng lượng, Tập đoàn Wärtsilä, chia sẻ. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate