Chiều 6/10, Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy – Vietnam Economic Times và Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đồng phối hợp tổ chức Diễn đàn Kinh tế mới Việt Nam 2023.
DUY TRÌ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ LÀ ĐIỀU KIỆN TIÊN QUYẾT
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết, sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được thành tựu đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế xã hội nói chung, và trong tăng trưởng kinh tế nói riêng.
Kinh tế tăng trưởng dương được duy trì trong nhiều thập niên, thậm chí còn ở mức tương đối cao trong nhiều giai đoạn, chẳng hạn như giai đoạn 2016-2019 với tốc độ tăng trưởng trung bình đạt tới 6,8%/năm.
Ngay cả trong thời kỳ khó khăn do dịch Covid-19 và hệ lụy của các biện pháp phòng chống dịch ở trong nước và nhiều thị trường đối tác, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng dương, và phục hồi đạt mức 8,02% vào năm 2022.
Viện trưởng CIEM cho rằng, trên nền tảng ấy, thúc đẩy tăng trưởng cao và bền vững ở Việt Nam luôn là một yêu cầu thường trực và hợp lý. Theo bà, hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển đến năm 2030 và năm 2045, Việt Nam nhìn nhận duy trì tăng trưởng kinh tế cao và liên tục là một điều kiện tiên quyết.
Để làm được điều đó, Việt Nam đã và đang nhìn thẳng vào những vấn đề khó khăn của nền kinh tế, giải trình hiệu quả các nội dung liên quan như kết quả tăng trưởng kinh tế trong 9 tháng đầu năm, hay các định hướng, giải pháp nhằm kích thích tổng cầu...
“Công thức” điều hành hướng tới ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, từ đó tạo môi trường thuận lợi cho các cải cách nền tảng kinh tế vi mô (môi trường kinh doanh, cạnh tranh) cũng đã hình thành và được thực hiện bài bản trong nhiều năm qua.
ĐƯA THỂ CHẾ TRỞ THÀNH MỘT NGUỒN LỰC
Theo Viện trưởng CIEM, với vai trò là cơ quan nghiên cứu và tham mưu hàng đầu cho Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương luôn giữ vững quan điểm và truyền tải thông điệp phải không ngừng đổi mới nhằm cải cách thể chế kinh tế một cách toàn diện, nâng cao năng lực nội tại và chất lượng tăng trưởng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cải thiện năng suất lao động cũng như mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Trong bối cảnh nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức kể từ năm 2020, CIEM đã luôn tham mưu các đề xuất chính sách nhằm mở rộng không gian kinh tế mới.
"Không gian kinh tế ấy có thể gắn với những nguồn lực “phi truyền thống” như thời gian, dữ liệu, hay dựa trên những tư duy tổ chức sản xuất mới trên nền tảng công nghệ số, thiết kế các hoạt động theo hướng tuần hoàn, liên kết vùng…", Viện trưởng CIEM Trần Thị Hồng Minh chia sẻ.
Những nghiên cứu, thảo luận chính sách đầu tiên ở Việt Nam về các mô hình như kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, kinh tế tuần hoàn,… đều bắt đầu từ chính Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.
Không dừng ở đó, Viện đã cụ thể hóa các khái niệm, các giải pháp chính sách để hiện thực hóa tư duy “đột phá” và lợi ích từ các mô hình này, ngay trong tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
"Chúng tôi không nhìn nhận các mô hình kinh tế mới một cách riêng rẽ, mà có sự tương tác với nhau, chẳng hạn như kinh tế ban đêm có tương tác với kinh tế chia sẻ, hay việc tận dụng công nghệ số để thúc đẩy các liên kết trong mô hình kinh tế tuần hoàn…", bà Minh nhấn mạnh.
Lãnh đạo CIEM cũng cho biết, trong thời gian tới, Viện sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan truyền thông để làm sâu sắc hơn các ý tưởng, mô hình kinh tế mới.
Chẳng hạn, đối với chủ đề phát triển kinh tế tuần hoàn mà Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng vẫn nói là “mới và khó”, hiện CIEM đang chủ động dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm để phát triển kinh tế tuần hoàn, nhằm sớm hiện thực hóa lợi ích từ mô hình này.
Đồng thời, Viện cũng đang tổng kết việc thực hiện phát triển kinh tế ban đêm kể từ sau Quyết định số 1129/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, từ đó kiến nghị những hướng đi mới nhằm phát triển kinh tế ban đêm.
"Chúng tôi tâm niệm phát huy đồng bộ, tổng lực các mô hình này sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, để tạo thêm từng “điểm phần trăm” quý giá cho tăng trưởng kinh tế, và tạo được văn hóa để cả các cơ quan, cộng đồng doanh nghiệp đều “không ngừng đổi mới, khẩn trương đổi mới, chung tay đổi mới”, Viện trưởng CIEM Bà Trần Thị Hồng Minh nói.
Nhấn mạnh thêm rằng, tư duy phát triển các mô hình kinh tế mới đã trở thành một trụ cột quan trọng trong chính quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, Viện trưởng CIEM khẳng định, nếu tiếp tục làm sâu sắc nội dung này trong thời gian tới, chúng ta sẽ chung tay đưa thể chế trở thành một nguồn lực, thậm chí là “chìa khóa mở đường” cho tăng trưởng kinh tế có tính sáng tạo, bền vững và chất lượng hơn.