December 21, 2024 | 18:31 GMT+7

Việt Nam có hơn 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo

Phan Anh -

Bức tranh của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam có hơn 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trong đó có 2 kỳ lân, 11 doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD, hơn 1.400 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, 202 khu làm việc chung; 208 quỹ đầu tư; 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh…

Ngày hội Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ hai (Techfest VinhPhuc 2024)
Ngày hội Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ hai (Techfest VinhPhuc 2024)

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh thông tin điều này tại Ngày hội Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ hai (Techfest VinhPhuc 2024) diễn ra trong 2 ngày 20-21/12/2024 với chủ đề “Vĩnh Phúc- Tiên phong sáng tạo, khát vọng đổi mới”.

LAN TỎA MẠNH MẼ HOẠT ĐỘNG, TINH THẦN KHỞI NGHIỆP

Trong 10 năm qua, Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khởi nghiệp sáng tạo đầu tiên bằng cách xây dựng nền tảng cơ bản về thể chế, thiết lập các tổ chức và mạng lưới hỗ trợ, phát triển cộng đồng, thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp sáng tạo, thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp vừa và nhỏ, sự tham gia của các trường đại học, viện nghiên cứu, quỹ đầu tư…

“Tinh thần khởi nghiệp sáng tạo đã được lan tỏa mạnh mẽ đến các địa phương, vùng miền trong cả nước. Tiêu biểu có thể kể đến hoạt động khởi nghiệp sáng tạo tại Hà Nội, Hải Phòng, TP.Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Bình Dương, Vĩnh phúc…”, ông Minh nhấn mạnh.

Hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam không chỉ được thúc đẩy và lan toả mạnh mẽ trong cả nước mà còn tiếp tục được mở rộng và phát triển ở các kỳ Techfest quốc tế tại Hoa Kỳ, Australia, Singapore, Hàn Quốc, và các hoạt động quốc tế khác của các bộ, ngành, địa phương với mục tiêu quảng bá hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam ra thế giới, đồng thời thu hút nguồn lực tài chính, chuyên gia từ các quỹ đầu tư, tổ chức hỗ trợ của các nước cho Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt nam.

Thứ trưởng Hoàng Minh phát biểu tại Techfest Vĩnh Phúc 2024.
Thứ trưởng Hoàng Minh phát biểu tại Techfest Vĩnh Phúc 2024.

Năm 2024, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới công bố Việt Nam tăng 2 bậc chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu so với năm 2023, xếp thứ 44/133 quốc gia, nền kinh tế. Việt Nam có ba chỉ số đứng đầu thế giới, trong đó lần đầu tiên có chỉ số Xuất khẩu hàng hóa sáng tạo. Đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam đang có xu hướng phát triển tốt thể hiện qua chỉ số Số thương vụ đầu tư mạo hiểm cải thiện từ thứ hạng 77 năm 2022 lên thứ hạng 50 năm 2024, chỉ số số thương vụ nhận được vốn đầu tư mạo hiểm từ thứ hạng 54 năm 2021 lên vị trí 44 năm 2024.

Năm 2024, bức tranh của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam có hơn 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trong đó có 2 kỳ lân, 11 doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD, hơn 1400 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, 202 khu làm việc chung; 208 quỹ đầu tư; 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh; 79 cơ sở ươm tạo, khoảng 170 trường đại học/cao đẳng hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, hình thành hơn 20 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo tại địa phương và quốc gia.

Năm 2023, Việt Nam đã thu hút được 529 triệu USD vốn đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo. Điều này cho thấy tiềm năng tăng trưởng và sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế.

Cũng trong năm 2024, Việt Nam xếp hạng thứ 56, tăng 02 hạng so với năm 2023 trong bảng xếp hạng Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu của Startup Blink, Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh lọt vào top 200; Đà Nẵng lọt top 1000 thành phố khởi nghiệp toàn cầu.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh, qua thực tiễn phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam thời gian qua, đã thể hiện rõ sự khác biệt giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa và tổ chức, cá nhân khởi nghệp sáng tạo. Doanh nghiệp nhỏ và vừa là doanh nghiệp hoạt động với mô hình kinh doanh đã được kiểm chứng; sản phẩm, dịch vụ đã được phát triển. Các doanh nghiệp này thường ưu tiên sự ổn định, tập trung vào mục tiêu lợi nhuận hơn là tăng trưởng nhanh, do đó chấp nhận rủi do ở mức thấp.

Còn tổ chức, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo hoạt động nhằm đột phá thị trường hiện có, hoặc tạo ra thị trường mới dựa trên công nghệ và mô hình kinh doanh mới, chấp nhận rủi ro cao để tăng trưởng nhanh, và thường phụ thuộc vào nguồn vốn bên ngoài như các nhà đầu tư thiên thần, vốn đầu tư mạo hiểm.

Mặc dù có phần giao thoa nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa và tổ chức, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo là 2 nhóm đối tượng và hoạt động khác nhau về giai đoạn phát triển, cách tiếp cận, hoạt động kinh doanh, khả năng chịu rủi ro, nguồn vốn và mục tiêu hướng đến, do đó đòi hỏi khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách hỗ trợ khác nhau.

Điều này đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định và nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Lễ khai mạc Techfest Việt Nam ngày 27/11/2024 vừa qua. Theo đó, khởi nghiệp sáng tạo cần phải dám nghĩ, dám làm, dám chấp nhận rủi ro, dám tiên phong, dám hành động, vượt lên chính mình, dấn thân vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì tương lai tươi sáng của đất nước. Khởi nghiệp sáng tạo cần phải có sự chung tay, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của cả cộng đồng, người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh nhiều dấu ấn đạt được rất trân trọng và đáng ghi nhân, nhưng hoạt độngkhởi nghiệp sáng tạo tại vùng Đồng bằng sông Hồng nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng vẫn còn một số hạn chế. Sự liên kết và hợp tác giữa các địa phương trong vùng chưa thực sự chặt chẽ, việc thu hút nguồn lực đầu tư, tài chính, chuyên gia và công nghệ từ các khu vực khác trong nước cũng như quốc tế còn gặp nhiều khó khăn.

Do đó, trong thời gian tới, ông Minh cho rằng cần tiếp tục triển khai các hoạt động nhằm tăng cường liên kết vùng trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tỉnh. Các sáng kiến và hoạt động này nên tập trung tạo cơ hội để các nguồn lực được dịch chuyển hiệu quả, đồng thời khai thác tối đa tài nguyên và lợi thế bản địa tại những địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội, chính trị và văn hóa tương đồng.

Theo ông Minh, khi liên kết vùng được tăng cường, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tại tại địa phương và khu vực sẽ góp phần mở rộng thị trường, huy động được các nguồn lực cộng hưởng, tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế.

ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG CHÍNH LÀ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ, ĐỔI MỚI SÁNG TẠO

Với chủ đề “Vĩnh Phúc- Tiên phong sáng tạo, khát vọng đổi mới”, Techfest VinhPhuc 2024 đánh dấu những nỗ lực của tỉnh trong việc thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, tạo nền tảng phát triển kinh tế tri thức và công nghiệp hiện đại.

Đây là cầu nối giữa startup, nhà đầu tư, và các nhà hoạch định chính sách, thúc đẩy môi trường đổi mới sáng tạo thuận lợi. Sự kiện không chỉ đánh dấu nỗ lực phát triển kinh tế tri thức của Vĩnh Phúc mà còn đưa tỉnh trở thành điểm sáng trên bản đồ khởi nghiệp quốc gia, góp phần vào sự phát triển kinh tế Việt Nam.

Sự kiện không chỉ là sân chơi khởi nghiệp mà còn là minh chứng cho khát vọng vươn ra khu vực và quốc tế của tỉnh. Với mục tiêu kết nối các startup địa phương với tổ chức quốc tế, sự kiện sẽ đưa hệ sinh thái khởi nghiệp của Vĩnh Phúc lên tầm cao mới, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế tri thức.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông: "tỉnh xác định động lực tăng trưởng chính là khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo".
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông: "tỉnh xác định động lực tăng trưởng chính là khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo".

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông cho biết để Vĩnh Phúc có thể đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 từ 10,5-11% theo Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị, quyết định 368/QĐ-TTg và Quyết định số 158/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng và phê duyệt quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050…, thời gian tới tỉnh xác định động lực tăng trưởng chính là khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đến nay, tỉnh có hơn 130.000 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó có nhiều dự án gắn với thế mạnh địa phương, qua đó lan tỏa, truyền cảm hứng tinh thần khởi nghiệp đến các doanh nghiệp

Những năm qua Vĩnh Phúc không ngừng nỗ lực xây dựng môi trường khởi nghiệp thuận lợi để khuyến khích tinh thần và nuôi dưỡng các ý tưởng sáng tạo, hỗ trợ các dự án khởi nghiệp phát triển bền vững, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào thực tiễn.

Ông Đông nhấn mạnh tỉnh sẽ tập trung xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp với tinh thần tạo mọi thuận lợi và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân…

Vĩnh Phúc phấn đấu trở thành một trong những tỉnh có hệ sinh thái năng động trên cả nước và dần vươn ra khu vực; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tạo tiền đề quan trọng để tỉnh tăng tốc, bứt phá cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate