Công nghệ thông tin đã trở thành thế mạnh của Việt Nam trong nhiều năm qua. Với bước phát triển tiếp theo của ngành công nghệ trí tuệ nhân tạo, Chính phủ và doanh nghiệp đang đẩy mạnh nắm bắt và phát triển công nghệ mới này thông qua các chiến lược ngắn hạn và dài hạn. Đặc biệt, sự tham gia ngày càng tích cực của các công ty khởi nghiệp (startups) vào lĩnh vực này được kỳ vọng sẽ thực sự tạo ra sức mạnh mới cho công nghệ quốc gia.
Theo ghi nhận từ nền tảng dữ liệu thị trường Tracxn, hiện nay Việt Nam hiện có khoảng 278 startups AI. Trong khi đó, theo Bộ Khoa học và Công nghệ, năm 2023 Việt Nam có khoảng 3.800 startups. Điều này có nghĩa số startups AI hiện đang chiếm gần 10% tổng số lượng startup tại Việt Nam.
TẠO MÔI TRƯỜNG THUẬN LỢI CHO KHỞI NGHIỆP AI
Trao đổi với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, PGS.TS. Bùi Thu Lâm, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký FISU, nhận xét: “Các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam rất nhanh nhạy trong làn sóng công nghệ mới. Họ nhận thấy AI là thế mạnh của mình, vì vậy số lượng startups trong lĩnh vực này không ngừng gia tăng. Trong thời gian tới, trí tuệ nhân tạo sẽ có những bước tiến mới đóng góp vào sự phát triển của kinh tế và xã hội Việt Nam”.
Theo GS.TS. Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, trí tuệ nhân tạo phát triển tại Việt Nam là xu hướng tất yếu vì đây vốn dĩ là thế mạnh của Việt Nam. Số lượng các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam nói chung và trí tuệ nhân tạo nói riêng sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
"Nếu muốn ủng hộ doanh nghiệp khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo phát triển, Chính phủ cần có những chính sách tạo điều kiện thiết thực cho họ, ví dụ hỗ trợ startups thuê văn phòng với giá rẻ, tạo điều kiện cho startups tiếp cận hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin tiên tiến với mức giá phải chăng.
Tỷ lệ thất bại của startups AI trên toàn thế giới là rất lớn. Startups không thể cam kết gì cả nhưng chúng ta hãy cứ ủng hộ đam mê khởi nghiệp của họ. Khi họ đã thành công, những thành quả họ trả lại xã hội chắc chắn sẽ nhiều hơn đầu tư ban đầu cho họ".
Thực tế có rất nhiều cựu sinh viên Trường Đại học Công nghệ đang khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và họ đánh giá công nghệ này vừa là cơ hội, vừa là thế mạnh đối với họ. Tuy nhiên, khi so sánh môi trường khởi nghiệp giữa Việt Nam và một số các nước xung quanh, họ cho rằng các thị trường nước ngoài có phần cởi mở và thuận lợi hơn so với thị trường trong nước.
Theo Goldman Sachs Economic Research, đầu tư toàn cầu vào công nghệ AI đang tăng lên nhanh chóng và dự kiến sẽ đạt 200 tỷ USD vào năm 2025. Trong bối cảnh làn sóng AI tăng nhanh, số lượng các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này trên toàn thế giới là vô cùng lớn, tuy nhiên thực tế tỷ lệ thành công lại không nhiều.
GS.TS. Chử Đức Trình cho rằng gần 300 startups AI không phải con số lớn. Việt Nam cần phải đi ngược lại thực tế chung – tức làm sao để startups AI khởi nghiệp thành công nhiều hơn thất bại. Các chính sách kiến tạo của Chính phủ, của các bộ, ngành sẽ là điều kiện quan trọng để thúc đẩy các startups trong nước vươn lên mạnh mẽ.
Các doanh nghiệp khởi nghiệp luôn được coi là lực lượng chủ chốt trong việc tạo đà phát triển cho thị trường trong bất kỳ lĩnh vực nào. Vì vậy, một môi trường thuận lợi với các điều kiện hỗ trợ cần thiết sẽ khuyến khích sự hình thành các startups AI để nâng cao vị thế cạnh tranh của Việt Nam trong lĩnh vực mới này.
GS.TS. Chử Đức Trình cho rằng nếu muốn ủng hộ doanh nghiệp khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo phát triển, Chính phủ cần có những chính sách tạo điều kiện thiết thực cho họ, ví dụ hỗ trợ startups thuê văn phòng với giá rẻ, tạo điều kiện cho startups tiếp cận hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin tiên tiến với mức giá phải chăng... “Tỷ lệ thất bại của startups AI trên toàn thế giới là rất lớn. Startups không thể cam kết gì cả nhưng chúng ta hãy cứ ủng hộ đam mê khởi nghiệp của họ. Khi họ đã thành công, những thành quả họ trả lại xã hội chắc chắn sẽ nhiều hơn đầu tư ban đầu cho họ”, GS.TS. Trình khẳng định.
TẬN DỤNG NHÂN LỰC VÀ ĐI LÊN BẰNG CON ĐƯỜNG KHÁC BIỆT
Theo báo cáo của Thundermark Capital, Việt Nam hiện đang nằm trong top 30 thế giới về nghiên cứu AI. Thành tích này đưa Việt Nam trở thành một trong hai đại diện của Đông Nam Á, bên cạnh Singapore, góp mặt trong xếp hạng này.
Mặc dù có thứ hạng khá tốt minh chứng cho nỗ lực làm chủ công nghệ AI, các chuyên gia đều thẳng thắn cho rằng thuận lợi của Việt Nam cũng là thuận lợi của các quốc gia khác. Bởi vậy, Việt Nam cần nhìn nhận sự thật đó để đi lên bằng con đường khác biệt.
Thiếu nhân lực đang trở thành nút thắt khó gỡ tại nhiều quốc gia, đặc biệt là thiếu hụt nguồn nhân lực phát triển công nghệ cao. Trong bối cảnh chung như vậy, các chuyên gia đều đánh giá đây là cơ hội cho Việt Nam. Với dân số trẻ, am hiểu công nghệ, ham học hỏi và được đào tạo bài bản, lợi thế về con người là yếu tố quan trọng để đưa ngành trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam đi lên.
Để tận dụng cơ hội này, theo GS.TS. Chử Đức Trình, Chính phủ cần quan tâm và đầu tư nhiều vào lĩnh vực giáo dục để đào tạo nguồn nhân lực trẻ phục vụ ngành công nghệ cao nói chung và lĩnh vực trí tuệ nhân tạo nói riêng. Theo đó, các trường trung học trong thời gian tới cần nâng cao đào tạo, đẩy mạnh giáo dục STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học). Các trường đại học, các trường cao đẳng cần tăng chuẩn đầu ra, tiệm cận chuẩn đầu ra của các trường hàng đầu thế giới để đảm bảo sinh viên Việt Nam sau khi tốt nghiệp không bỡ ngỡ nếu tham gia làm việc tại môi trường quốc tế.
"Các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam rất nhanh nhạy trong làn sóng công nghệ mới. Họ nhận thấy AI là thế mạnh của mình, vì vậy số lượng startups trong lĩnh vực này không ngừng gia tăng.
Trong thời gian tới, trí tuệ nhân tạo sẽ có những bước tiến mới đóng góp vào sự phát triển của kinh tế và xã hội Việt Nam”.
Trao đổi thêm về vấn đề này, PGS.TS. Bùi Thu Lâm cho rằng: “Nếu Việt Nam có thể thu hút các doanh nghiệp đi đầu về AI như Microsoft và Google đặt một trung tâm nghiên cứu tại đây thì điều này sẽ giúp nhân lực Việt Nam được tiếp cận với công nghệ mới. Trực tiếp làm việc trong môi trường quốc tế sẽ giúp ngành trí tuệ nhân tạo của Việt Nam có những bước tiến rất nhanh”.
Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực công nghệ, bắt đầu từ năm 2025, Đại học Công nghệ chính thức cải cách tuyển sinh và đào tạo sau đại học. Theo đó, toàn bộ học viên thạc sỹ, nghiên cứu sinh sẽ được yêu cầu đào tạo chính quy, học toàn thời gian tại trường. Nhà trường sẽ cấp học bổng toàn bộ bằng mức học phí, đồng thời hỗ trợ sinh hoạt phí trong quá trình học sau đại học tại nhà trường: thạc sỹ khoảng 3 triệu đồng/tháng; nghiên cứu sinh khoảng 10 triệu đồng/tháng. “Chúng tôi coi rằng đây là sự đầu tư cho phát triển của nhà trường, sâu xa là đầu tư cho sự phát triển của công nghệ, kỹ thuật của cả đất nước”, GS.TS. Chử Đức Trình nhấn mạnh....
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 37-2024 phát hành ngày 09/09/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam